Loài bướm Việt Nam trong bào tàng Arken
Copenhagen (Đan Mạch) không chỉ có nàng tiên cá. Đi theo tuyến tàu lửa S đến ga Ishøj, bạn có thể “bắt gặp” Việt Nam trên những cánh bướm trưng bày trong Bảo tàng Arken.
Bộ sưu tập The world of butterflies (Thế giới của bướm) của nghệ sĩ Peter Holst Henckel. Ảnh: lokehansen.com |
Tọa lạc gần bãi biển Ishøj, phía nam Copenhagen, bảo tàng có hình dạng của một chiếc thuyền lớn. Cái tên Arken, có gốc từ Ark cũng có nghĩa là thuyền.
Arken là một bảo tàng nghệ thuật đương đại với các tác phẩm mới của nhiều nghệ sĩ trẻ (sáng tác chủ yếu từ năm 1900 đến nay), thể hiện tinh thần và hơi thở của thời đại. Một trong những tác phẩm độc đáo nhất của bảo tàng là bộ sưu tập The world of butterflies (Thế giới của bướm) của nghệ sĩ Peter Holst Henckel, sinh năm 1966.
Đây không đơn giản là bộ sưu tập bướm từ những miền đất khác nhau. Trên từng cánh bướm là hình ảnh của chiến tranh, xung đột. Dưới mỗi tiêu bản ghi rõ địa điểm và ngày tháng của những sự kiện lịch sử đó, cũng là địa điểm nơi mỗi loài bướm được tìm thấy.
Chẳng hạn, trong số 68 ảnh bướm của bộ sưu tập, có tám con bướm đến từ Sài Gòn, Hà Nội, Quảng Trị, Huế, Tây Ninh...của Việt Nam. Trên cánh bướm Papilio Philoxenos (Quảng Trị) là hình ảnh những đứa trẻ gào khóc, dễ làm người ta liên tưởng đến cô bé Phan Thị Kim Phúc trong tấm ảnh chấn động của Nick Út.
Còn con bướm Tenaris được tìm thấy ở Sài Gòn thì rành rành hình ảnh của sự kiện Tết Mậu Thân 1968, khi tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một tù binh giải phóng. Holst Henckel muốn chỉ ra nghệ thuật liên đới với toàn bộ thế giới còn lại và sẽ là vô nghĩa nếu nhìn nghệ thuật chỉ trong những luật lệ và nguyên tắc mỹ thuật của chính nó.
Lồng những tấm ảnh mà ông tìm thấy trên báo và tạp chí lên những cánh bướm ở vùng đất sự kiện diễn ra, với tác giả, nghệ thuật là một phương tiện để diễn giải và thấu hiểu thế giới, trong đó những khía cạnh xã hội, chính trị hay kinh tế đều tác động lên chính cái đẹp.
Papilio Blumei Specimen: Saigon, Vietnam, April 1976 |
Ngoài bộ sưu tập bướm, Bảo tàng Arken còn trưng bày một bộ sưu tập độc đáo của nghệ sĩ trẻ người Anh Damien Hirst (sinh năm 1965). Trong đó, hai con bò bị cắt ngang thân Love’s Paradox (Surrender or Autonomy, Separateness as a Pre-condition for Connection) - tạm dịch: Nghịch lý tình yêu (Đầu hàng hay tự chủ, phân lập như một tiền đề cho liên kết), phản ảnh thế giới quan của nghệ sĩ sắp đặt về một thế giới đầy nghịch lý.
Hay tác phẩm khác của ông, Exquisite Pain (tạm dịch: Cơn đau thanh tú) với hình một tông đồ tử đạo cầm trên tay lớp da của chính mình và dụng cụ tra tấn. Lấy cảm hứng từ bức tượng Thánh Bartholomew (Marco D’Agrate, 1562), Damien Hirst mô tả nỗi đau do chính con người tự tạo ra mà ông cho rằng đó là cái đẹp bi thương.
Lang thang trong bảo tàng với những bộ sưu tập nội dung đầy tương phản, tôi hỏi nhân viên bảo tàng: “Có phải mâu thuẫn, xung đột được tìm thấy trong hầu hết tác phẩm ở đây phản ánh một dạng chủ đề chính của bảo tàng?”. Ông lắc đầu: “Không, thưa cô, chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Theo TTCT
Câu trả lời của ông càng làm tôi tự hỏi: Liệu sự tương phản, nghịch lý và những ranh giới mỏng manh giữa cái đẹp và sự hỗn loạn, tàn phá có phải là nỗi ám ảnh chung của những nghệ sĩ, những con người của kỷ nguyên này?