Loay hoay tìm bệnh
(Baonghean) - Theo báo cáo từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 22,5 ha của 34 hộ xuất hiện tôm chết không rõ nguyên nhân, thiệt hại hơn 13 triệu con tôm giống.
Tuy nhiên, đây chưa phải là thông tin cuối cùng, bởi thực tế, diện tích và hộ nuôi có tôm bị chết còn nhiều hơn con số được các cơ quan chức năng thống kê. Không những thế, vùng tôm bị chết cũng không còn giới hạn trong 1 huyện mà đến nay đã lan ra cả tỉnh. Quỳnh Lưu vẫn là huyện có diện tích nhiều nhất với hơn 18 ha. Tại xã Nghi Thái (Nghi Lộc), 100% số đầm tôm của người dân có hiện tượng tôm chết.
Tôm thẻ chân trắng chết chưa rõ nguyên nhân ở Nghi Thái (Nghi Lộc).
Nhìn ra đầm tôm vừa chết, ông Trần Anh Tráng, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu xót xa: "Tôi mới mua được 37 vạn con tôm giống của Công ty CP về thả cho 2 đầm tôm thì nay tôm đã chết sạch. Nhìn tôm cứ chết dần mà không có thuốc chữa, thấy xót lắm". Ông Tráng nhẩm tính: Tiền tôm giống, tiền thức ăn cho 35 ngày nuôi rồi cộng thêm tiền cải tạo ao đầm... cũng thiệt hại khoảng 120 triệu đồng. Sau khi tôm chết, ông đã thông báo với Công ty CP để được hỗ trợ nhưng đến nay phía công ty vẫn chưa có hồi âm.
Hầu hết, hiện tượng tôm chết trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều xuất hiện những triệu chứng giống nhau. Kết quả kiểm tra cho thấy, tôm bị chết có biểu hiện gan tụy nhũn, nhạt màu, teo gan... tôm tấp bờ và chết trắng đáy. Tôm thường chết sau khi thả được khoảng trên 20 ngày. Đây là số diện tích mà tôm giống được ương gièo và có kiểm tra, kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều đầm tôm tại xã Quỳnh Liên, Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), Nghi Thái (Nghi Lộc), mới chỉ được thả 1-2 ngày đã có hiện tượng tôm chết. Số tôm này được người dân mua trực tiếp với đơn vị cung ứng giống rồi tiến hành thả thẳng mà không tổ chức ương gièo từ 2 ngày trở lên.
Hiện các cơ quan chuyên môn vẫn đang loay hoay tìm bệnh. Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành lấy 26 mẫu đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu bệnh này âm tính với bệnh đốm trắng, âm tính với vi khuẩn gan tụy. Còn về vi rút gan tụy, do Cơ quan thú y vùng III không đủ khả năng xét nghiệm nên mẫu bệnh đã được gửi ra Hà Nội và đang chờ kết quả.
Tại xã Nghi Thái các hộ nuôi tôm cho rằng nguyên nhân có thể do độ mặn trong nguồn nước không thích hợp dẫn đến tôm thường bị sốc khi thả xuống đầm. Tại xã Nghi Thọ (Nghi Lộc), tôm giống của một số đầm do Công ty Việt My (một công ty mới) có biểu hiện tôm mềm, yếu so với các loại tôm giống khác. Trướcthực tế đó, cơ quan chức năng đang nghiêng về phía nguyên nhân có thể là do nguồn tôm giống kém chất lượng.
Trước khi bước vào vụ tôm năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị 01/CT về việc tăng cường công tác quản lý nguồn tôm giống và vùng nuôi tôm mặn, lợ. Tuy nhiên, một số công ty cung ứng giống khi vào Nghệ An vẫn chưa khai báo, chưa được các cơ quan chức năng tiến hành cấp giấy phép nhưng vẫn trực tiếp bán tôm giống cho người dân. Việc tôm giống chưa được ương gièo để kiểm tra, kiểm dịch vẫn được đưa thả thẳng xuống các đầm tôm là rất nhiều.
Bước vào đầu vụ tôm nhưng người nuôi tôm đã vấp phải những khó khăn. Theo kế hoạch thì vụ tôm 1, toàn tỉnh sẽ thả 1.750 ha tôm mặn, lợ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ thả giống được gần 400 ha, bằng 22% so với kế hoạch và bằng 85% so với cùng kỳ năm 2011. Theo dự kiến, toàn tỉnh cần khoảng từ 1.400 - 1.600 triệu con tôm giống nhưng hiện nay, việc cung ứng giống tôm thẻ chân trắng đang gặp khó khăn, số lượng sản xuất và ương gièo trên địa bàn mới chỉ đạt 119,8 triệu con, đạt 14% so với kế hoạch.
Ngoài ra, có khoảng 57 triệu con tôm giống không qua ương gièo. Tất cả giống tôm của các công ty lớn như CP, Việt Úc, ViNa... đều có hiện tượng chết, trong đó, có đến khoảng 90% là do Công ty CP cung cấp. Sau khi sự việc xảy ra, phía công ty đã làm việc với một số hộ có tôm bị chết và cam kết sẽ hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Công ty Việt Úc cũng cam kết sẽ hỗ trợ 50% tiền giống cho người dân có tôm bị chết sau khi thả 10 ngày.
Đến nay, hàng trăm ha đã lấy nước, gây màu đang chờ tôm giống để thả. Người dân thì tìm mọi cách để mua được giống mà không cần biết giống đó đã được xét nghiệm hay chưa. Nguồn giống khan hiếm đã đẩy nhiều đơn vị cung ứng giống bất chấp quy định của cơ quan chức năng màbán thẳng cho dân.
Trước tình hình trên, lãnh đạo sở NN&PTNT yêu cầu các công ty cung ứng giống, các cơ quan chuyên môn phải mời tất cả các đơn vị lên làm cam kết phải tổ chức ương gièo từ 2 ngày trở lên trước khi bán cho dân và cấm thả thẳng. Nếu công ty nào không tổ chức ương gièo sẻ cấm bán, tổ chức tiêu hủy và xử lý nghiêm khi phát hiện. Bên cạnh đó, các công ty này cần nêu cao đạo đức kinh doanh. Nếu tôm giống không đạt chất lượng thì không được bán cho dân và cần chia sẻ những thiệt hại của người dân khi có sự cố xảy ra. Người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, lo lắng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn và cần thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng để vụ tôm 1 năm nay thành công.
Công Sáng - Phạm Bằng