Loay hoay tìm cách dẫn vốn đến đúng địa chỉ

Một số đề xuất về việc giảm lãi suất được đưa ra, song, rất khó được chấp thuận. Cần có những cách thức mới để hướng dòng vốn đến khu vực sản xuất thực để tăng trưởng ổn định và bền vững.
 
Thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Đổi lại, chính sách này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực sản xuất kinh doanh khi nguồn vốn khan hiếm và đắt đỏ. Nhiều DN và khu vực sản xuất kinh doanh đã rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí tạm dừng kinh doanh do thua lỗ, có nguy cơ phá sản. Chính vì thế, đã có những ý kiến về việc giảm lãi suất, nới tín dụng...

Giảm lãi suất: Quá khó
 
Nói về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thừa nhận, lãi suất ngân hàng ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất kinh doanh. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn khống chế lãi suất huy động VND ở 14%. Nhưng chúng ta đều biết, giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại không được như vậy. Lãi suất huy động VNĐ ở các ngân hàng thường bằng cách này cách khác đã ở 18-19%, lãi suất vay cộng thêm 4-5% nữa thành 22-24%.
 
Tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, nhiều ý kiến cũng tỏ ra quan ngại trước những khó khăn lãi suất cao có thể gây ra với khối sản xuất. Thậm chí, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, lo ngại, mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ, kéo thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và sản xuất kinh doanh giảm sút.

 Cần có những chính sách và sự kiểm soát chặt chẽ để đưa nguồn vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả lâu dài (ảnh laodong).

Việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng từ 31% năm 2010 xuống dưới 20% năm 2011 sẽ đạt được kết quả nhất định trong việc chống lạm phát, nhưng cũng gây ra những khó khăn bất thường cho nền kinh tế. Vì thế, nên chăng Chính phủ giữ mức tăng trưởng tín dụng khoảng 23% như dự kiến đầu năm.
 
Ý kiến trên dường như là dịp để chính thức công khai một vài đề xuất trước đó khi cho rằng, không nên thắt chặt chính sách tiền tệ thêm vì có thể sẽ gây ra những khó khăn cho DN và nền kinh tế. Và bây giờ, khi lạm phát có dấu hiệu giảm tốc thì yêu cầu lãi suất hạn xuống lại có thêm sức nặng.
 
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa bày tỏ hy vọng, CPI giảm là một xu hướng tốt, chặn đứng đà tăng giá kéo dài liên tiếp trong 8 tháng qua, sẽ mang lại những tác động tích cực tới sản xuất, kinh doanh. Lãi suất ngân hàng ở mức cao khiến DN nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, tạo nên nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
 
Mặc dù, trả lời báo chí mới đây, Thủ tướng Chính phủ lo ngại, tăng cường kiểm soát và kéo giảm dần lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát nhưng rõ ràng với những điều kiện hiện nay thì mong muốn đó khó thành hiện thực.
 
Đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, chống lạm phát thì lãi suất phải cao - điều đó có thể ảnh hưởng đến một số DN song phải chấp nhận vì mục tiêu ổn định dài hạn. Theo vị quan chức này, trước những yếu kém cố hữu của nền kinh tế là lạm phát cao, hiệu quả đầu tư thấp, thâm hụt ngân sách và cán cân thanh toán tổng thể mất cân đối, cần tiếp tục theo đuổi chủ trương đã đề ra. Chính sách thắt chặt vẫn tiếp tục được cơ quan này theo đuổi từ nay đến cuối năm.
 
Tiếp theo đó, ngay sau cuộc họp Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định, phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả; kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15-16%.
 
Như thế, về cơ bản, quan điểm chính sách không có thay đổi. Trong khi đó, điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất là lạm phát lại không thể lạc quan nhiều. Trong báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất nới chỉ tiêu lạm phát cả năm lên không quá 17%. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tuy đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng sẽ tiếp tục giữ đà tăng cho đến hết quý III. CPI có thể giảm trong tháng 10 và 11 nhưng sẽ tăng trở lại trong tháng 12. Do vậy, lạm phát năm nay sẽ ở mức 17-18%.
 
Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cũng cảnh báo, tốc độ tăng CPI theo tháng đã giảm liên tục trong ba tháng trở lại đây. Nhìn vào xu thế này, nhiều người cho rằng lạm phát đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, CPI theo năm đã lên tới gần 21%, sẽ còn tăng nhẹ trong tháng 7, tháng 8 và chỉ thực sự bắt đầu giảm từ tháng 9. Dự báo, CPI trung bình trong năm cũng sẽ không dưới 17%.
 
Với mức lạm phát mục tiêu của cả năm lên 17-18% trong khi tăng trưởng GDP cả năm 6%. Lạm phát gấp 3 lần tăng trưởng có nghĩa là các biện pháp kiềm chế lạm phát vẫn cần tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa, giảm lạm phát đang là một mong ước khó thành.
 
Thực tế hoạt động của các ngân hàng cho biết, sau khi có điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động trong nửa cuối tháng 6 thì lãi suất huy động lại tiếp tục đứng yên, không giảm thêm. Trong khi đó, lãi suất cho vay lại không hề có dấu hiệu giảm từ đầu tháng 6. So với đỉnh cao khủng khiếp hồi tháng 5 (khoảng 25%) thì lãi suất hiện nay đã giảm còn khoảng 22-24%, nhưng việc vay vốn là không hề dễ. Hơn nữa, chính các ngân hàng cũng không có ý định giảm lãi suất khi vốn đầu vào cao và nguy cơ lạm phát đe dọa.
 
Linh hoạt trong khuôn khổ
 
Trong khi đó, mặc dù khẳng định tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhưng Chính phủ vẫn cho rằng, cần nâng cao chất lượng và hướng tín dụng vào việc phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp và sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiểm soát chặt việc cho vay bất động sản, không để đổ vỡ, tiêu cực. Tăng cường kiểm soát và kéo giảm dần lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát. Duy trì tỷ giá hợp lý, quản lý tốt hơn thị trường ngoại hối và thị trường vàng.
 
Cùng với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả để có mức tăng trưởng hợp lý (khoảng 6% cả năm).
 
Trong khi lãi suất có rất ít cơ hội để giảm, thì khả năng tăng tín dụng cũng bị bác bỏ. Điều đó có nghĩa, nguồn vốn đến với các DN sẽ tiếp tục khó khăn. Thậm chí, tình hình có thể khó khăn hơn khi nhiều ngân hàng đã ở trong tình trạng cận "room" tín dụng, khả năng cho vay thêm sẽ là rất ít, chưa kể phải lo kiểm soát và gia tăng chất lượng tín dụng trong những tháng cuối năm. Như vậy, việc tìm vốn của các DN và việc giải ngân cho vay của các ngân hàng dường như không thể đi theo lối chính là giảm lãi suất để tăng cho vay.
 
Trong hoàn cảnh đó, buộc các ngân hàng và DN phải tìm đến những cách làm khác đề gặp nhau trong nhu cầu vốn. Một trong những cách phổ biến và ưu thích của các ngân hàng là cho vay theo các chương trình ưu đãi. Một số ngân hàng như VIB, Techcombank, Đông Á... có các chương trình cho DN cà phê, thủy sản, gạo, cao su... vay. Đây là các khoản vay ưu đãi hướng thẳng đến các DN sản xuất trong các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Lãi suất thấp hơn, đi kèm nhiều dịch vụ hỗ trợ không chỉ có lợi cho DN mà chính các ngân hàng cũng giữ được khách.
 
Trong khi đó, đễ duy trì đầu ra dài hạn trong hoàn cảnh vốn thắt chặt, nhiều ngân hàng lại hợp tác với các DN thông qua các hợp đồng tài trợ tín dụng dài hạn cho các DN và dự án lớn.
 
Đáng chú ý OceanBank  cùng HSBC thu xếp khoản vốn tín dụng trị giá 400 tỷ đồng, có thời hạn cho vay 7 năm cho dự án xây dựng nhà máy phong điện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận); tài trợ 7 triệu USD cho Vietnam Airlines mua động cơ dự phòng cho máy bay Airbus A321. Habubank đã cùng với 9 ngân hàng thương mại khác tham gia chương trình "Thúc đẩy tài trợ thương mại" (TFP) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ  chức, nhằm hỗ trợ các hoạt động tài trợ thương mại quốc tế. Chương trình đã đem lại nhiều lợi ích từ mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu tới cung ứng các sản phẩm y tế và sản phẩm tiêu dùng... cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
 
Mới đây, Maritime Bank và Cảng Sài Gòn ký hợp tác phát triển dự án "Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước" với tổng trị giá hơn 2.000 tỷ đồng... Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) hợp tác với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về dịch vụ tài chính ngân hàng...
 
Tuy nhiên, về cơ bản đây vẫn là những chương trình mang tính đơn lẻ của từng ngân hàng. Việc cần thiết hiện nay là cơ quan quản lý tiền tệ sau khi bước đầu thành công với các hoạt động thắt chặt và kiểm soát tiền tệ vào phi sản xuất cần cụ thể hơn trong việc hướng nguồn vốn đến các khu vực sản xuất thực. Trong đó, theo nhiều chuyên gia cần tập trung cho các lĩnh vực thế mạnh Việt Nam, như nông nghiệp nông thôn, chế biến xuất khẩu, sản xuất sử dụng nhiều lao động...
 
Trong hoàn cảnh hiện nay, việc áp dụng các chương trình ưu đãi lãi suất lớn như năm 2009 là điều không thể vì nó có thể làm tăng lượng tiền ra thị trường. Tuy nhiên, có một gợi ý là nên tập trung giảm lãi suất trong một số lĩnh vực, chẳng hạn nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa... đã từng triển khai trong năm 2010. Theo đó, cần khuyến khích các ngân hàng cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp hơn. Đi kèm đó là sự kiểm soát chặt chẽ và tư vấn, hỗ trợ dịch vụ tiện lơi cho các DN...
 
Cho đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá thấp, một địa dư lớn so với chỉ tiêu 20% đề ra. Cơ hội vốn cho các DN vẫn còn nhiều mà không lo vượt hạn mức. Vấn đề còn lại là cần có những chính sách và sự kiểm soát chặt chẽ để đưa nguồn vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả lâu dài. Điều đó không chỉ là cấp thiết trong hiện nay mà luôn là đòi hỏi trong phát triển kinh doanh tài chính tiền tệ.
 
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần một mức độ phát triển nhất định, ước chừng 6% mới đủ đảm bảo giải quyết việc làm cho số lao động mới hàng năm trên 1 triệu người và đảm bảo các vấn đề về việc làm, an sinh... duy trì sự ổn định xã hội. Vì thế, sau khi thắt chặt, việc tìm đường để dẫn vốn đến các địa chỉ đang thực sự cần vốn là điều phải nghĩ tới.

Theo vef.vn

tin mới

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.