Lộc Xuân

05/02/2015 16:29

(Baonghean) - Tết năm nào cũng vậy, con cháu đưa nhau về quê sum vầy đón tết bên ngôi nhà ngói ba gian cũ của ông bà.

Thường ngày nhà không có người ở, ông bà đều đã già yếu, con cái lại công tác xa. Thành ra hai cụ nay ở với thằng cả, mai ở với đứa út, còn nhà cửa ở quê thì nhờ họ mạc trông nom. Con cái biết ông bà thương nhớ quê hương nên bảo nhau tết về quê quây quần cho tuổi già đỡ tủi. Ba ngày tết dẫu ngắn ngủi nhưng ăm ắp tiếng cười, đủ niềm vui dùng cho cả năm trời xa cách. Tết năm nay con cháu tính mừng thượng thọ cho ông tuổi tám mươi, nên con dâu cả chọn may hai bộ khăn áo mới, xem ra ông bà ưng ý lắm. Còn con dâu út chuẩn bị tỉ mỉ từng bông hoa, từng ấm chè ngon để mời bà con chòm xóm đến chung vui. Riêng ông con rể quý làm trong đoàn ca múa nhạc của tỉnh thì xung phong đàn ca suốt tết. Cụ ông cười bảo:

- Thế này thì nên gọi là kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới của ông bà cho nó trẻ trung.

Cụ bà ngồi xuống, vỗ nhẹ tay ông trêu:

- Vậy là em cũng chịu đựng cái tật ngủ ngáy của ông những mấy chục năm rồi cơ đấy.

- Chứ ai kê tay cho bà gối đầu êm ái từng ấy năm trời.

Tụi nhỏ vừa bổ cau, têm trầu vừa ghẹo:

- Vậy chứ bây giờ mỗi sáng tỉnh dậy ông có còn tẩm quất cho bà nữa không ạ?

- Trời ơi! Giờ xương cốt người già mỏng và yếu. Tay ông lại run chỉ sợ lập cập lại làm bà cháu đau.

- Chứ không phải là ông ham bể cá cảnh đến mức sáng nào tỉnh dậy cũng chạy ngay ra đó ngắm nghía chúng. Vậy thì còn đâu thời gian mà đấm bóp lưng giúp em nữa.

- Ờ thì...

Tụi nhỏ cười khúc khích bảo ngày xưa ông bà còn trẻ chắc vui lắm. Bà bảo ừ vui, hồi ấy ông đào hoa, gái theo về nhà hoài nên bà phải hát văn nghệ suốt bảo sao mà không vui. Ông tủm tỉm cười bảo bà hồi đó cũng trẻ đẹp đấy thôi, có mấy anh bộ đội tưởng chưa chồng tán tỉnh à ơi mãi. Con cháu, dâu rể ngồi nhặt rau, gói bánh ngoài hiên ai nấy đều bật cười. Tiếng cậu út nói vọng vào:

- Bố đừng tưởng giờ mẹ con già rồi mà không cần giữ. Ai cũng khen mẹ con trẻ lâu, con tính bố phải có phương pháp kịp thời. Chứ cứ để mẹ con đi tập thể dục ngoài bờ hồ một mình là không ổn.

- Phải rồi! Dạo này con thấy bố ít vận động, như thế không tốt cho sức khỏe tẹo nào. Bố nên đi tập cùng mẹ vừa là để rèn luyện sức khỏe vừa là cho mẹ đỡ buồn.

Tự nhiên bà khẽ thở dài bảo không biết còn đón được bao nhiêu cái tết đầm ấm thế này. Ông bảo tết không được nói chuyện buồn, sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời nên mình vui vẻ sống và đón nhận. Lúc này đã là chiều ba mươi tết, mọi công việc chuẩn bị cho bữa cúng tất niên đều đã tươm tất. Không khí làng quê trong lành, giữa cái chộn rộn của ngày xuân vẫn là sự bình yên của lòng người. Hoa đào ngoài vườn đã nở, chậu quất cảnh các con mang về tươi rói cả góc sân. Nồi bánh chưng gói cho cả mấy nhà kế bên đang đỏ lửa. Hai cụ ngồi nhớ tết của ngày xưa thấy so với bây giờ thì tết cũng không mấy đổi thay. Niềm vui vẫn ngập tràn trong lòng...

Chỉ có vợ chồng cậu út là chạnh lòng buồn, ông cụ để ý thấy hai con cười mà không vui biết là lòng các con còn vướng víu nhiều chuyện gia đình. Dù không ở với cậu út nhiều nhưng nhà chúng có chuyện gì ông đều biết hết. Thấy bảo hai vợ chồng xích mích vì chuyện bồ bịch của cậu út, trong lúc nóng giận con dâu còn đòi lôi nhau ra tòa ly hôn. Ông nghe chuyện nghĩ ngợi mông lung suốt cả tuần trời. Ông biết con dâu ông tốt tính, vốn chịu thương chịu khó mà cũng hay nhẫn nhịn. Ông cũng biết tính thằng con ông nhiều khi hay trêu hoa ghẹo nguyệt nhưng thương vợ thương con hết lòng. Thấy các con cơm không lành canh không ngọt ông thấy tết nhất mất vui. Nên sau bữa cơm tất niên ông gọi tất cả con cháu ra dặn dò:

- Các con thấy đấy. Bố mẹ sống với nhau từng này tuổi rồi còn có lúc không vừa lòng nhau chuyện này, chuyện kia. Cuộc sống gia đình khó tránh khỏi những lúc xích mích. Nhưng các con phải biết nhường nhịn, cảm thông và sống có trách nhiệm với nhau.

Con dâu út nghe xong thì bật khóc, ông đưa bàn tay già nua run run khẽ vỗ về rồi quay qua mắng cậu út:

- Nếu không có người khéo léo vun vén, chăm sóc gia đình thì sao con có thể yên tâm mà lo sự nghiệp. Vì thế phải biết thương lấy vợ con mình.

Trong những vút giây trầm lắng ngắn ngủi ấy lòng người như chùng xuống. Có chút gì đó vừa thân thương vừa xa xót, vừa thảnh thơi lại vừa bề bộn. Dù là người già hay trẻ cũng đều nghĩ may mà có tết, nếu không chẳng biết lúc nào mới dám dứt khỏi cái guồng quay công việc bận rộn để mà ngồi lại bên nhau. Đàn ông thì nói toàn chuyện vĩ mô, đàn bà bàn chuyện gì rồi cũng quay về góc bếp, tụi nhỏ nói chuyện hẹn hò yêu đương, còn hai cụ thì chỉ cần nhìn từng ấy cái miệng nói cười giả lả là cũng thấy vui rồi. Thấy cái tết nó kéo mọi người lại gần nhau, nó thầm lặng tố cáo thói vô tâm hời hợt mà ngày thường người đối đãi với người. Nó gột rửa bụi bặm tâm hồn, nó vỗ về những nỗi bất an trong cái khí trời mùa xuân quá đỗi nồng nàn.

Để chuẩn bị cho đêm giao thừa, tụi nhỏ khiêng cái chõng tre ra giữa sân làm nơi thờ cúng. Dưới sân trải sẵn chiếu, ủ một ấm trà nóng tiếp các cụ trong làng ghé chơi. Người lớn cùng vào bếp đồ xôi, luộc gà, chuẩn bị hương hoa vẫn không quên đun một nồi nước lá hương nhu to đùng để cả nhà tắm tất niên. Tiếng giục nhau tắm gội í ới, tiếng các cụ già cười vang cả góc sân, tiếng lũ trẻ hỉ hả tính trước tiền mừng tuổi. Vài phong bao lì xì đỏ đã được chuẩn bị sẵn, những lời chúc gói ghém cũng đã lâu, giờ chỉ đợi giao thừa là cùng nhau tỏ bày, cùng uống với nhau ly rượu xuân, cùng lâng lâng cảm giác chào năm mới.

Con dâu vuốt dài nếp áo dài cho ông bà thấy áo may vừa vặn thì vui lắm. Cụ ông khẽ mỉm cười nhắc con cháu đứng ra sân cùng thắp hương cho tổ tiên trịnh trọng như một nghi lễ đầy ý nghĩa. Trong khoảnh khắc đất trời giao hòa, vạn vật tương sinh ấy cụ ông vái ba vái rồi đọc một bài văn khấn giao thừa. Khắp xóm nhỏ rộn vang tiếng cụng li, tiếng chúc tụng, tiếng sâm-banh nổ. Vài ba bóng người thấp thoáng chạy vào vườn mía nhà ông ngay ngoài cổng để hái lộc. Cả nhà cười vì biết năm nào sau giao thừa vườn mía cũng thưa thớt hẳn, nhưng mà cả xóm vui vì có lộc đẹp để bên ban thờ ngày tết. Cụ ông bảo năm nay nhà mình cứ hướng Bắc mà hành quân đi kiếm lộc nhưng không được bẻ cây lớn cành to. Lũ nhỏ mang về toàn hoa dại ven đường, người lớn ra bụi tre đầu làng kiếm măng làm lộc. Hai ông bà dắt nhau ra vườn tìm chỗ con dâu hồi chiều đã bổ sẵn hố rồi trồng xuống một cây con. Đó là lộc của mùa xuân, mỗi năm thêm một mầm xanh. Nhờ đó mà vườn nhà ông cây cối râm mát, chim chóc bốn mùa ríu rít gọi bầy, làm tổ và sinh sôi...

Truyện ngắn của: Vũ Thị Huyền Trang

(Hà Nội)

Mới nhất
x
Lộc Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO