Lối đi nào cho làng nghề chiếu cói Hưng Hoà

25/07/2011 09:25

(Baonghean) - Xã Hưng Hoà (TP Vinh) có nghề dệt chiếu cói truyền thống từ bao đời nay, hầu hết người dân trong xã đều biết dệt chiếu từ thuở lên chín, lên mười. Có nhiều gia đình bốn, năm đời gắn bó với nghề dệt chiếu. Khi chiếu cói "lên ngôi", người, xe tấp nập về đây "ăn hàng", tiêu thụ cả sang nước bạn Lào. Nhưng đó đã là chuyện của quá khứ, giờ những cánh đồng cói đang dần bị thu hẹp, cộng với sự chiếm lĩnh thị trường của chiếu trúc, chiếu nhựa... khiến nhiều nhà treo khung dệt. Nghề chiếu cói ở Hưng Hoà đang dần mai một.

Ông Lê Văn Hùng- Phó chủ nhiệm HTX Hưng Hoà 2 cho biết: Hiện toàn xã có 8/9 xóm làm nghề chiếu với gần 1.000 lao động, chủ yếu từ 50 tuổi trở lên, tổng doanh thu hàng năm khoảng 6 tỷ đồng. Trong đó có 2 xóm Phong Hảo và Phong Thuận đã được tỉnh công nhận là làng nghề vào năm 2005. Thời thịnh vượng, những năm 1998- 1999, Hưng Hoà có đến hơn 200 hộ làm nghề với 180 ha chuyên trồng cói nguyên liệu. Từ năm 2004 đến nay, sau khi có dự án phát triển thuỷ sản, diện tích cói co dần lại còn 65ha (nhưng thực tế chỉ có 55 ha cho thu nhập, còn 10ha đất đai cằn cỗi, cói không phát triển), với 60 hộ bám nghề. Số diện tích còn lại, do điều tiết nước mặn để nuôi tôm, cây cói bị nhiễm mặn nên không đạt được năng suất như trước kia. Nghề chiếu cói đang ngày càng gặp khó, do thiếu nguyên liệu, đầu ra bị thu hẹp, sản phẩm khó cạnh tranh với các loại chiếu khác và thu nhập từ nghề thấp...


Sản xuất chiếu cói ở xã Hưng Hoà (Thành phố Vinh).

Ông Trần Công Hợi (77 tuổi, ở xóm Phong Thuận 1), một trong những thợ lành nghề của xã tiếc nuối: "Trước đây, mới đến đầu xóm đã thấy cói phơi đầy đường, đồng cói lúc nào cũng xanh ngút ngàn, nay cói hiếm, chúng tôi phải mua nguyên liệu của Xuân Giang- Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Trong xóm giờ chỉ còn chục nhà bám nghề do không có đầu ra, thu nhập lại quá thấp. Và nghề này hiện chỉ còn phù hợp với người già, không thể canh đầm tôm hay ra đồng làm ruộng. Như hai ông bà nhà tôi, làm liên tục trong 2 ngày cũng chỉ được 1 chiếc chiếu đậu đặt theo yêu cầu loại 1,6m, bán giá 220.000 đồng/chiếc, trừ chi phí hết 140.000 đồng tiền cói (khoảng 7kg cói), 24.000 đồng tiền đay (3 lạng đay); tính ra tiền công lao động của một người/ngày chỉ được 14.000 đồng. Nếu làm chiếu thường, tiền công thấp hơn, khoảng 8.000- 10.000 đồng người/ngày. Chiếu được đánh giá chất lượng thành 3 loại: chiếu xô (hay còn gọi là chiếu hàng), chiếu đậu thường và chiếu đậu đặt. Giá cả phụ thuộc vào kích cỡ và chất lượng chiếu, một chiếc chiếu xô rộng 1,6m có giá 80.000-100.000 đồng, chiếu đậu thường 140.000- 160.000 đồng... trừ tiền đay, phẩm màu cũng không còn lãi là bao".

Chiếu cói Hưng Hoà được tạo nên từ những công đoạn khá công phu. Cói thu hoạch xong được chẻ ngay sau đó mới phơi khô, loại bỏ phụ phẩm; rồi đến khâu chọn cói, cói phải được phân loại cho thật đều, theo từng sợi to nhỏ, ngắn dài khác nhau thì khi dệt chiếu mới bền, đẹp. Hai người phụ trách một go dệt, răng go được làm bằng gốc tre đực già có căng sẵn nhưng sợi đay. Một người cầm cây văng chao những sợi cói qua go, người kia đập răng go cho những sợi cói ép khít vào nhau thật đều và chặt; tiếp đến công đoạn ghim viền, xén những sợi cói thừa...

Nói về sự đặc biệt của chiếu vùng này, theo ông Trần Công Hợi thì: Chiếu ở các địa phương khác thường làm bằng cách giữ nguyên màu sắc của sợi cói, sau khi dệt xong tuỳ theo sở thích có thể in hình rồng phượng, hoa văn trang trí... Nhưng Hưng Hoà lại nhuộm cói trước, trong quá trình dệt, người thợ phải biết kết hợp hài hoà giữa màu sắc với hoa văn để tạo sự khác biệt. Để có hình ảnh sắc sảo, màu sắc lâu phai, trước tiên là chọn sợi cói nhuộm phẩm với đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Và để nhuộm màu chính xác phải nhúng từng chùm nhỏ, tuỳ theo độ đậm nhạt mà nhúng 3-4 lần. Cói nhuộm song phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn, gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc; sợi cói còn dài, không chắp nối sẽ cho ra những chiếc chiếu mịn đẹp, giá bán cao hơn. Tuỳ theo hình dáng hoa văn mà người dệt mắc cửi đơn hoặc kép cho phù hợp. Bàn tay người thợ phải khéo léo điều khiển sợi đay lúc nâng lên, lúc chìm xuống, cải hai cải ba... để cho ra các hình hoa văn thật ăn khớp nhau.


Chọn cói là một trong những khâu quan trọng, làm nên chiếc chiếu bền, đẹp.

Mặc dù làng nghề đang trên đà mai một, nhưng nhiều người thợ Hưng Hoà vẫn cố gắng bám trụ, lưu giữ nghề truyền thống; có những hộ chỉ chuyên làm chiếu đẹp, thẩm mỹ cao như hộ ông Chu Văn Bé (xóm Phong Hảo), ông Trần Văn Hoa (xóm Khánh Hậu), anh Trần Văn Cháu (xóm Phong Khánh)... Và nhờ có uy tín từ sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nhiều khách hàng đã tìm đến tận hộ gia đình để đặt hàng theo ý mình. Chẳng hạn như chiếu có chữ song hỷ, hoa ở bốn góc cho những cặp vợ chồng mới cưới; hay chiếu có chữ thọ màu sắc trang nhã, để trải tại các đình thờ, chùa chiền, dùng trong việc cúng lễ...

Ông Lê Văn Hùng cho biết thêm: Năm 2006, xã cũng đã tạo điều kiện cho bà con đi tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm ở những địa phương làm chiếu nổi tiếng như Nga Sơn (Thanh Hoá), Kim Sơn (Ninh Bình), Mỏ cày (Bến Tre)... Thấy công nghệ làm chiếu của họ rất hiện đại và chuyên nghiệp, mọi công đoạn từ dệt đến phun thiêu hoa văn, hoạ tiết trang trí, cắt xén, viền mép... đều được thao tác trên máy rất chuẩn xác. Đặc biệt, họ làm chiếu với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú, đáp ứng được thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Công nghệ sản xuất được đầu tư đồng bộ, trị giá hàng tỷ đồng. Nhưng sản xuất chiếu ở Hưng Hoà, cho đến nay vẫn chưa có gì ngoài bằng đôi bàn tay người lao động. Bà con chưa mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất, tâm lý ngại đầu tư vì nhiều yếu tố như: thiếu vốn, thu nhập nhấp, vùng trồng cói nguyên liệu đang ngày bị thu hẹp do đất sản xuất đã nằm trong quy hoạch của thành phố (khoảng 300ha) để xây dựng các khu đô thị... Trên địa bàn hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con, sản phẩm làm ra không có công nghệ chống ẩm mốc, không có kho xưởng chứa đựng sản phẩm và khâu bảo quản sau thu hoạch

Kiểu sản xuất mạnh nấy ai làm, không chịu liên kết, thụ động chờ khách đến đặt hàng... như hiện nay cũng là lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của làng nghề. Nhưng để đa dạng hoá mẫu mã, công cụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chiếu cói Hưng Hoà là vô cùng khó. Bởi xã thì không có kinh phí để đứng ra lo, người dân thì không đủ khả năng, mà đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến phải tốn cả trăm triệu đồng, trong khi một hộ làm nghề mỗi ngày đồng lãi không quá 30 ngìn thì chuyện thu hồi được vốn biết đến bao giờ.

Để duy trì và phát triển làng nghề chiếu vùng ngoại ô thành phố, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, như hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện cho bà con nông dân Hưng Hoà phát triển kinh tế, góp phần giữ vững nghề truyền thống của địa phương.


Ngọc Anh

Mới nhất

x
Lối đi nào cho làng nghề chiếu cói Hưng Hoà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO