Lối hành xử ích kỷ
(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Cuốc giật vào lòng” của Bụt Sơn đăng ở chuyên mục “Sự kiện diễn đàn”, Nghệ An cuối tuần ra ngày 5/7 nhận được số phiếu bình chọn tin bài hay cao thứ hai. Bài viết nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả về vấn đề “bộ đề nghị bỏ phí, các địa phương vẫn kiên quyết giữ”. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết.
Quả thật, đi bất cứ nơi đâu, đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những pa-nô lớn in dòng chữ “Nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân”; “Nộp thuế là yêu nước”. Nhà nước muốn tồn tại và duy trì thì cần phải có ngân sách. Và nguồn tài chính đó có thể nhận được bằng cách động viên một phần thu nhập từ xã hội thông qua hình thức: vay, quyên góp, bắt buộc đóng góp. Để có nguồn tài chính ổn định thì chỉ có thể bắt buộc đóng góp và coi thuế như nghĩa vụ của mỗi công dân thì việc thu thuế mới hiệu quả. Các khoản thu từ thuế vào ngân sách là để phục vụ cho chính lợi ích của công dân: Ngân sách nhà nước chỉ có một phần được dùng cho quản lý hành chính còn lại đều được Nhà nước sử dụng để phục vụ lợi ích cộng đồng như đã nói ở phần trên. Nên công dân có nghĩa vụ phải nộp tiền để được hưởng lợi ích. Ngoài ra, thuế còn chính là công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết thị trường hướng dẫn tiêu dùng theo hướng tích cực, bảo vệ thị trường trong nước và đảm bảo cân bằng giữa các nhóm lợi ích trong xã hội bằng cách tăng thuế, giảm thuế hoặc miễn thuế. Do đó, “nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân”.
Thế nhưng, hiện nay, các khoản thuế, phí quá nhiều, “thuế chồng lên thuế”, “Phí chồng lên phí” mà như tác giả phân tích thì: “Bằng chứng là ngoài các khoản thuế, hằng năm, người dân còn phải nộp hàng trăm khoản phí cho tất cả những gì sinh ra trên cõi đời này. Từ nhỏ như trứng ong, trứng cút cho đến to như ô tô, máy bay… Từ loại chạy vù vù trên đường như xe máy hay bò lổm ngổm tại chỗ như con tằm đều phải nộp phí thì mới được coi là tồn tại hợp pháp”.
Người dân “Nộp thuế là yêu nước”, vậy ngược lại “nhà nước phải thu thuế, phí, lệ phí ở mức độ như thế nào để thể hiện rõ sự… yêu dân”?. Nếu yêu dân thì có nên để tồn tại và phát triển nhiều loại phí, lệ phí thế không? Có để tình trạng phí chồng lên phí như bao người vẫn phàn nàn, kêu ca bao lâu nay không? Một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc “lạm phát” thuế, phí thể hiện nguồn thu ngân sách đang khó khăn. Điều này đúng, nhưng không hẳn đã chính xác là thuế, phí giúp gỡ khó cho nguồn thu vào ngân sách. Mà có khi là do lợi ích cục bộ của một địa phương, một cơ quan, đơn vị nào đó.
Để chứng minh cho điều này, tác giả nêu dẫn chứng: “Khi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính muốn bãi bỏ 31 loại phí, lệ phí liên quan đến thú y đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người chăn nuôi. Thì ngay sau đó có 17 tỉnh, thành như TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… đã tổ chức họp khẩn cấp và đồng loạt đề nghị hai bộ trên duy trì các loại phí, lệ phí đó”. Điều này lý giải cho việc “Bao lâu nay, người dân cầu cứu, kiến nghị bãi bỏ bớt các khoản phí, lệ phí, các Đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng nhiều rồi mà cuối cùng phí, lệ phí không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng thêm. Tất cả chỉ vì lợi ích cục bộ của một số cơ quan, đơn vị, một vài nhóm người muốn duy trì mãi nguồn thu nhập ổn định cho riêng họ”.
Dù rằng, việc lạm thu phí, lệ phí kiểu đó khiến người dân gặp khó; hàng hóa, sản phẩm của ta làm ra có giá cao hơn nên khả năng cạnh tranh kém xa so với hàng hóa các nước láng giềng. Dẫn tới, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng yếu kém theo. Cái mất đó của quốc gia, dân tộc là rất to lớn so với cái được của nhóm nhỏ nào đó. Hệ lụy đó, người ta biết cả, nhưng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên không ai muốn buông mà chỉ muốn giữ lấy, ôm vào mình.
NGƯỜI XÂY DỰNG
TIN LIÊN QUAN |
---|