Lợi ích kép từ việc hạn chế đốt rơm rạ ngay tại ruộng
(Baonghean.vn) - Sau khi thu hoạch lúa, ở một số nơi vẫn còn đốt rơm rạ ngoài đồng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí tài nguyên. Tuy vậy, ngày càng có nhiều nông dân biết tận dụng nguồn rơm rạ vào chăn nuôi, sản xuất, tạo ra nhiều giá trị hữu ích, tiết kiệm chi phí đầu tư...
Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguyên liệu
Những ngày cuối tháng 5, đi trên con đường N5 đoạn qua các xã Thượng Sơn, Quang Sơn, Thái Sơn của huyện Đô Lương, ngoài khung cảnh bát ngát vàng rực của các cánh đồng lúa đang bước vào những ngày cuối của vụ thu hoạch lúa vụ xuân, người qua đường còn gặp cảnh khói bụi bay mù mịt từ việc đốt rơm rạ.
Khói bao trùm một vùng rộng lớn do đốt rơm rạ trên cánh đồng xã Quang Sơn, huyện Đô Lương (ảnh chụp lúc 14h ngày 28/5). Ảnh: HT |
Cả chục đám khói trắng xen lẫn bụi đen của rơm rạ bị cháy cuồn cuộn bay tứ tung trong không trung, khi có gió mạnh thổi các đám khói bao trùm cả một vùng rộng lớn, trùm qua con đường giao thông có xe cộ liên tục chạy qua.
Bà Vũ Thị Mai ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương cho biết, vụ lúa xuân năm nay gia đình bà cấy 3 ha lúa. Được mùa, ruộng đồng lại khô ráo nên sau khi thuê máy gặt đập liên hoàn thu hoạch xong, bà phơi rơm tại ruộng. Vì không chăn nuôi bò, không có nhu cầu trữ rơm khô, nên bà đốt toàn bộ số rơm.
Được hỏi vì sao không bán rơm, bà cho biết, sau vụ gặt đại trà trên cánh đồng có xe thu mua rơm, nhưng lúc đó rơm tại ruộng của bà chưa khô nên họ không mua. Đến lúc rơm trên ruộng khô thì lại không gọi được người mua, vì họ thu mua rơm bằng máy cuộn, phải có số lượng lớn thì máy mới vào. Hơn nữa, tại cánh đồng của xã Hiến Sơn, không nhiều hộ có nhu cầu bán rơm, chủ yếu mang về nhà cho trâu bò, hoặc đốt luôn trên đồng.
Tại Hội thảo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Nghệ An tháng 3/2023 về tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu đã nêu rõ, ở Việt Nam, 1 ha lúa sẽ cho ra khoảng 10 tấn rơm rạ. Đốt rơm rạ tại ruộng thực chất chỉ đốt một phần, và sẽ thải ra một lượng lớn các chất khí độc hại, gây ô nhiễm môi trường như SO2, NO2, cả khí độc carbon monoxide (CO), dioxin. Thậm chí còn thải ra khí hydrocacbon thơm đa vòng gây ung thư (PAHs).
Biến rơm thành hàng hoá, nguyên liệu
Trong khi đó, ở huyện Thanh Chương, sau mùa gặt, chúng tôi quan sát thấy rất ít các hộ dân đốt rơm rạ. Như tại xã Đại Đồng, hầu hết các cánh đồng lúa chín vàng rộm đã được gặt hái. Người dân sau khi thu hoạch lúa đã phơi rơm ngay tại ruộng, khi rơm khô đều được thu gom để mang về nhà hoặc bán cho thương lái thu mua.
Ông Lê Văn Chung, đang cùng vợ thu gom rơm chất lên chiếc xe kéo nhỏ để mang về nhà, cho biết gia đình ông làm 5 sào lúa và có chăn nuôi trâu, bò nên rơm rạ là nguồn thức ăn cho trâu, bò những ngày mưa gió, những tháng rét đậm rét hại cho đến mùa sau.
“Vì nuôi 2 con bò nên tôi sử dụng số rơm đã phơi khô của khoảng 3 sào lúa. Số còn lại từ 2 sào thì bán cho thương lái thu mua ngay tại ruộng cũng được gần 700 ngàn đồng” - ông Chung cho biết.
Theo cán bộ UBND xã Đại Đồng, người dân nơi đây thường có thói quen tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc, hộ nào không nuôi trâu, bò thì tích trữ để bán hoặc bán cho thương lái thu mua tại ruộng.
Người dân xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương thu hoạch rơm. Ảnh: HT |
“Hiện nay, thương lái thu mua rơm bằng cách cuộn rơm thành từng bó tròn, mỗi bó rơm cuộn được thu mua với giá 45 ngàn đồng. Trung bình mỗi sào lúa có thể thu được khoảng 8 - 12 cuộn tuỳ thuộc vào chất lượng, số lượng cây lúa” - anh Nguyễn Xuân Ánh, cán bộ Phòng Nông nghiệp UBND huyện Thanh Chương cho biết.
Ngoài việc dùng rơm để làm thức ăn cho trâu bò, bán cho thương lái thì rơm còn là nguồn nguyên liệu để ủ thành phân bón cho cây trồng có chất lượng cao. Ủ rơm tại ruộng bằng men vi sinh, ủ phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt cũng là những mô hình đang được Hội Nông dân tỉnh triển khai và đã thử nghiệm tại xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương.
Anh Lê Văn Dũng ở xóm Vạn Phúc, xã Thịnh Sơn là một trong những người đi đầu trong thực hiện ủ rơm tại ruộng bằng chế phẩm sinh học. Anh Dũng cho biết, rơm sau khi thu hoạch xong sẽ được gom lại, rắc chế phẩm sinh học và ủ thành phân hữu cơ ngay tại một góc ruộng.
Người dân xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) thu gom rơm. Ảnh: Hoài Thu |
Với nhiệt độ khoảng 40 độ C, thì chỉ sau 10 - 15 ngày rơm sẽ hoai thành nguồn phân bón hữu cơ đặc biệt tốt bón cho cây trồng. Vừa tiết kiệm được tiền mua phân bón, vừa bảo vệ môi trường, lại không lãng phí nguồn nguyên liệu sẵn có.
Theo Hội Nông dân Việt Nam, trong một vụ mùa của nước ta có 45 triệu tấn rơm rạ phụ phẩm của các vụ lúa, nếu xử lý sẽ thu được 20 triệu tấn phân hữu cơ, giúp giảm chi phí mua phân hóa học; đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và giảm chất thải hữu cơ phát thải khí nhà kính.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, sau khi sở có đề tài khoa học về ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và được UBND tỉnh công nhận, được HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 18/2021/HĐND ngày 19/2/2021 về tăng cường nguồn hỗ trợ thực hiện chính sách, sản xuất phân hữu cơ hàng năm tăng từ 30 - 50%.
Hội Nông dân tỉnh và đoàn công tác thăm mô hình ủ rơm tại ruộng của anh Lê Văn Dũng, xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: PV |
Theo đó, đến nay ngành khoa học công nghệ đã cung cấp cho người dân hơn 132.650 kg chế phẩm Compost Maker, 46.266 kg chế phẩm Bigreen và 10.256 kg chế phẩm Balasa N01. Với số chế phẩm này, đã giúp người dân có thể sản xuất được 66.325 tấn phân hữu cơ vi sinh từ tận dụng rơm rạ và các loại phế phẩm nông nghiệp khác. Đồng thời, giúp xử lý được 5.783,25 ha đất có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và xử lý được hơn 198.177m2 nền chuồng phục vụ chăn nuôi lợn, gà. Chính sách hỗ trợ mua chế phẩm sinh học, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà đã và đang mang lại hiệu quả tốt về kinh tế - xã hội và môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An.