Giám sát công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Quỳnh Lưu
(Baonghean.vn) - Chiều 21/4, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở huyện Quỳnh Lưu.
Đoàn giám sát hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở huyện Quỳnh Lưu từ năm 2015 đến năm 2020. Đoàn đã đến khảo sát thực tế Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục dạy nghề và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An.
Hiện tại, huyện Quỳnh Lưu có gần 167.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số của toàn huyện; có 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 33 trung tâm học tập cộng đồng.
Đoàn giám sát tại các cơ sở đào tạo nghề ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Hồng Diện |
Tính từ năm 2015 - 2020, có hơn 27.800 lao động nông thôn ở huyện Quỳnh Lưu được học nghề. Trong đó, số lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 là 930 người; số người học xong có việc làm 24.860 người, đạt tỷ lệ trên 90%. Trong giai đoạn, toàn huyện còn có hơn 5.800 người được đào tạo nghề đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng chương trình đào tạo bằng cách tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề để có những điều chỉnh trong nội dung đào tạo cho phù hợp. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đã bám sát mục tiêu, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương để có chương trình đào tạo hợp lý.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cũng nêu lên một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Chất lượng đào tạo đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục trong định hướng, phân luồng, tư vấn nghề cho học sinh chưa đạt kết quả cao; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghề trên địa bàn còn thiếu. Bên cạnh đó, đề nghị các ngành cấp tỉnh và UBND tỉnh sớm có kế hoạch để đưa cơ sở 2 của trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An vào hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giai đoạn hiện nay.
Cơ sở 2 của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An xây dựng lâu nay nhưng chưa hoàn thiện. Ảnh: Hồng Diện |
Các đồng chí tham gia đoàn giám sát đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động như: Chất lượng, đội ngũ giáo viên dạy nghề, kinh phí đào tạo nghề hiện nay; hiệu quả lao động có việc làm sau học nghề. Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện Quỳnh Lưu làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước đối với công tác dạy nghề và quản lý lao động trên địa bàn; tỷ lệ đào tạo nghề; quy mô tuyển sinh, kế hoạch, chỉ tiêu cho các nghề đào tạo; chi trả chế độ cho giáo viên thỉnh giảng.
Phát biểu trong hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi chỉ rõ một số điểm còn bất cập trong công tác đào tạo nghề trong thời gian qua của huyện Quỳnh Lưu và đề nghị UBND huyện, các cơ sở giáo dục phối hợp với các ngành, sở, đơn vị liên quan cấp tỉnh khâu nối giữa doanh nghiệp để có chiến lược đầu tư ngành nghề đào tạo đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng tầm; khắc phục tình trạng vừa thiếu vừa thừa cơ sở vật chất giữa 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao vai trò liên kết với của các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện nhằm đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế việc làm hiện nay.
Đoàn giám sát làm việc với lãnh đạo huyện và các đơn vị liên quan. Ảnh: Hồng Diện |
Cùng đó, lãnh đạo huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu có cần thiết sáp nhập giữa Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để kiến nghị lên tỉnh xem xét, quyết định.