“Lỗi” từ công tác quản lý?
(Baonghean) - Những ngày qua, tại một số nơi xuất hiện giống lúa IR1820 được đóng gói với mẫu mã bắt mắt bán ra phục vụ cho sản xuất vụ xuân. Điều đáng nói, đây là loại giống đã bị tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản nghiêm cấm đưa vào sử dụng trong sản xuất và tại Nghệ An, Sở NN&PTNT cũng đã có chủ trương hạn chế lưu hành, sản xuất giống lúa này từ 5 năm nay.
Ông Hoàng Đức Ân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, cho biết: Những năm qua, huyện Hưng Nguyên đã chỉ đạo các xã khuyến cáo bà con chỉ đưa những loại giống lúa có chất lượng cao như AC5, Nàng Xuân, VT-NA2, XT28... vào gieo cấy vụ xuân. Thế nhưng, những ngày qua, bà con nông dân một số xã đã mua giống lúa IR 1820 về ra mạ, xuống giống. Đây là loại giống đã có từ những năm 1980, hiện không còn phù hợp và không được đưa vào cơ cấu do thời gian sinh trưởng dài (180 ngày), khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Tuy nhiên, trước khi các biện pháp ngăn chặn được thực hiện hiệu quả, một lượng khá lớn loại giống này đã được bán ra.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm tìm ra các giống lúa chất lượng cao đưa vào cơ cấu giống.
Theo thống kê nhanh, đến nay, khoảng 20 tấn giống lúa IR 1820 đã được người dân một số xã như Hưng Tân, Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Thịnh (Hưng Nguyên), Hưng Hòa (TP. Vinh)… đưa vào bắc mạ vụ xuân 2013. Trong số này có một lượng lớn do người dân tự để giống hoặc sang Hà Tĩnh mua về với bao bì không có nhãn mác. Lý giải vì sao bà con vẫn sử dụng giống lúa IR 1820, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Đây là những xã vốn có nghề buôn bán vào dịp sát Tết Nguyên đán nên người dân cố tình dùng giống này để ra mạ từ đầu tháng 12 dương lịch, đảm bảo cấy xong trước tết khoảng 15 - 20 ngày.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ huyện Hưng Nguyên, Sở NN&PTNT đã khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, xử lý. Ông Từ Trọng Kim - Trưởng Phòng Trồng trọt- Sở NN&PTNT- trưởng đoàn kiểm tra, cho biết: Trong tổng số giống IR1820 đã bán tại Hưng Nguyên, Công ty CP giống cây trồng Nghệ An đã bán ra 200 kg. Tuy số lượng không lớn, nhưng Công ty đã vi phạm quy định của Sở, không tuân thủ việc hạn chế lưu hành loại giống này. Cũng theo ông Kim, từ 5 năm nay, loại giống IR 1820 đã bị hạn chế lưu hành, sản xuất, do đây là giống lúa chống chịu kém, năng suất rất thấp và dài ngày, hay bị các loại sâu bệnh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn, không còn phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại của Nghệ An.
Giải thích về việc này, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc Công ty CP giống cây trồng Nghệ An cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận rõ trách nhiệm”. Tuy nhiên theo ông Dũng, “đã 5 năm nay, từ khi tỉnh Nghệ An có chủ trương hạn chế đưa loại giống này vào sản xuất, đơn vị không hề bán ra một hạt giống IR 1820 nào. Để xảy ra sự việc đáng tiếc này là do trước đây công ty có nhận gia công cho Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh chế biến giống lúa IR1820, do lượng giống ít nên Công ty Giống cây trồng Hà Tĩnh không in bao bì riêng mà sử dụng bao bì của Công ty Giống cây trồng Nghệ An. Do sơ suất trong quá trình quản lý, nên khi trả hàng cho Hà Tĩnh, một số người dân đã đến quầy hàng của công ty mua về sử dụng”. Ông Dũng cũng cho biết thêm, Công ty đã nhận trách nhiệm với Sở NN&PTNT, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đi thu hồi ở những hộ dân chưa sử dụng và trả tiền đền bù cho bà con với khối lượng 150 kg. Riêng đối với lượng giống đã được gieo cấy, phía Công ty sẽ phối hợp với địa phương, nếu hủy bỏ giống thì đơn vị sẽ hỗ trợ để người dân mua giống khác. Đồng thời, có sự kiểm điểm, xử lý nghiêm túc những nhân viên đã có sai phạm gây ra hậu quả này.
Có thể nói, bán giống không đúng cơ cấu của ngành là việc làm sai, đi ngược lại với chủ trương của tỉnh trong công tác cung ứng giống cho sản xuất. Tuy đã có các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả, song cần coi đây là bài học quan trọng trong quản lý cung ứng giống cây trồng trên địa bàn.
Phú Hương