Lũ ống, lũ quét, sạt lở: Đến hẹn lại... lo!

28/09/2015 09:33

(Baonghean) - Huyện Tương Dương có địa hình đồi núi độ dốc lớn, nhiều sông suối, nên khi có mưa to bất ngờ, rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều gia đình sinh sống gần khe suối, đồi núi- những nơi dễ sạt lở, cần được di dời đến nơi ở an toàn.

Bản Na Bè, xã Xá Lượng (Tương Dương) có 2 con khe chảy qua, là khe Ang và khe Tắt. Hai bên những bờ khe này hiện có nhiều ngôi nhà của người dân Khơ Mú sinh sống. Trong số đó, có rất nhiều nhà nằm trong diện nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét. Theo thống kê của UBND xã Xá Lượng, bản Na Bè có tới 13 hộ thuộc diện phải di dời. Có mặt tại bản Na Bè vào một ngày cuối tháng 9, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng, bất an trước mùa mưa lũ đang đến. Ông Ven Văn Sơn ở bản Na Bè trăn trở: Ngôi nhà sàn của gia đình ông dựng lên đây từ năm 2002, khi đó lòng khe cách nhà tới hàng chục mét, nhưng sau nhiều năm mưa lũ, bờ khe bị lở dần, bây giờ lòng khe đã sát vào móng nhà. Vừa rồi có cán bộ bản, xã đến khảo sát, nhưng đến nay vẫn chưa có cấp nào quan tâm giải quyết. Bây giờ, mỗi khi trời mưa to, cả gia đình không ai dám ngủ, ngồi quan sát, nếu có lũ ống, lũ quét, chủ động sơ tán.

Gia đình anh Vi Văn Kiên, bản Na Bè, xã Xá Lượng xây bờ kè quanh nhà đối phó với lũ ống, lũ quét.
Gia đình anh Vi Văn Kiên, bản Na Bè, xã Xá Lượng xây bờ kè quanh nhà đối phó với lũ ống, lũ quét.

Phía bên kia khe Ang đối diện với gia đình ông Sơn là ngôi nhà của gia đình anh Vi Văn Kiên. Dẫn chúng tôi ra phía trước nhà, anh Kiên cho biết: Những trận mưa to đầu tháng 9 vừa qua, nước đã tràn vào nền nhà, sợ quá, sau đó vợ chồng mua xi măng, nhặt đá đồi, xúc cát ở khe lên xây một vòng quanh nhà để chắn lũ. Tuy nhiên, với mức độ của cái bờ xây chỉ cao chừng 40 cm này chỉ ngăn được dòng nước khe Tắt khi trời mưa vừa phải, chứ mưa to thì không thể ngăn nổi dòng nước chảy xiết từ núi cao đổ về. Nguy hiểm nhất là khi dòng nước đục ngầu, cuốn theo đất đá, ầm ầm từ núi xuống, sức người lúc đó rất nhỏ nhoi, không có cách nào chống đỡ được. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là ngôi nhà của gia đình anh Kiên sát với dòng khe Tắt nhất, nhưng không hiểu sao, bản và xã không thống kê vào danh sách những hộ có nguy cơ lũ ống, lũ quét?

Ông Lương Văn Thắng, già làng của bản Na Bè, dẫn chúng tôi đến trước bãi đất đá lổn nhỗn bởi dấu tích của trận lũ năm ngoái, cho biết thêm, lòng khe Tắt trước đây nhỏ thôi, nhưng càng về sau, lòng khe càng rộng, vì mưa lũ, gây xói mòn. Lòng khe càng rộng thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân càng cao. Nhiều gia đình đã bị đất đá từ trên núi cao đổ về san phẳng chuồng lợn, gà và công trình phụ. Hiện nay dọc khe Tắt có nhiều gia đình đang sinh sống trong nỗi bất an của mưa lũ như, gia đình Vũ Văn Đình, Nộc Thị Chiến, Moong Văn Thạch...

Xã Nhôn Mai hiện có 8 hộ nằm trong diện di dời, trong đó 8 hộ nguy cơ lũ ống, lũ quét, 4 hộ nguy cơ sạt lở đất. Năm nào cũng vậy, địa phương tuyên truyền, vận động những hộ này di dời đến nơi ở an toàn, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên họ vẫn cố thủ ở đó, không chịu đi. Để chủ động ứng cứu khi có mưa to, xã thành lập nhiều tổ phòng, phống lụt bão, hỗ trợ các hộ dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Địa phương mong muốn huyện sớm có chính sách hỗ trợ, đồng thời phối hợp với địa phương cương quyết bắt buộc các hộ này di dời nhà đến nơi ở an toàn.

Thị trấn Hòa Bình tuy là vùng trung tâm của huyện nhưng lại có số hộ thuộc diện bị nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cao nhất, chủ yếu là những hộ sinh sống bên ta luy dương của Quốc lộ 7. Theo báo cáo của UBND thị trấn, hiện trên địa bàn thị trấn có 29 hộ nằm trong diện phải di dời đến nơi ở an toàn. Trong đó 18 hộ thuộc diện có nguy cơ ảnh hưởng lũ ống, lũ quét; 11 hộ thuộc diện sạt lở đất. Ông Nguyễn Đình Trinh, ở khối Hòa Đông, một trong những hộ dân thuộc diện bị nguy cơ sạt lở lo lắng: Những năm trước, tình trạng sạt lở đất thường xuyên xảy ra khi có mưa to kéo dài, ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu của gia đình. Vì vậy, những lúc trời mưa to kéo dài, gia đình chủ động di dời tài sản, vật nuôi, chằng chống nhà cửa.

Xã Yên Na có nhiều khe suối, đồng nghĩa với việc nhiều gia đình đang sinh sống dọc bên khe suối có nguy cơ lũ ống, lũ quét cao. Cạnh con khe Vẽ của bản Na Khốm là căn nhà của gia đình anh Kha Văn Tịnh. Anh Tịnh không khỏi lo lắng: Năm nào cũng vậy, nước suối chảy xiết, tràn vào nhà sâu tới gần 1m. Gia đình muốn di dời nhà đến nơi ở khác an toàn hơn, nhưng không có kinh phí và không tìm ra chỗ ở.

Bí thư Chi bộ bản Na Khốm, ông Lộc Hà Giang, cho biết: Bản hiện tại có khoảng 4 - 6 hộ thuộc diện có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét cao. Để bố trí các hộ này đến nơi ở an toàn là rất khó, vì bản không còn quỹ đất ở. Chỉ còn cách, các hộ này phải mua đất vườn của gia đình khác để làm nhà. Thực tế, hoàn cảnh các gia đình này rất khó khăn, không thể tự lo liệu được, bản rất muốn các cấp giúp các hộ này đến nơi ở khác an toàn hơn.

Như vậy có thể thấy, mặc dù có nguy cơ cao bị ảnh hưởng tính mạng và tài sản do lũ ống, lũ quét song các địa phương và ngay chính người dân cũng đang gặp khó khi tính đến chuyện di dời. Không những khó về kinh phí, về quỹ đất mà còn do chủ quan của các hộ, do sự thờ ơ, thiếu quyết liệt của một số địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ. Hậu quả để lại là rất lớn, đó là nhà cửa bị nước cuốn trôi, hoặc chôn vùi trong đất đá, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng về con người, nếu không kịp xử lý. Huyện Tương Dương có địa hình đồi núi có độ dốc lớn, đồng nghĩa với việc nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là rất lớn, trong khi tình trạng người dân sinh sống hai bên bờ khe suối là khá nhiều. Với phương châm “phòng là chính”, cách đây hơn 1 tháng, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp đã gửi thông báo xuống các xã, rà soát, thống kê những gia đình nằm trong diện có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhưng cho đến gần cuối tháng 9, mới có một số xã có báo cáo cụ thể, nhiều địa phương vẫn chưa có số liệu gửi về phòng. Mùa mưa lũ đang đến gần, hiện nay Phòng Nông nghiệp đang giao cho từng cán bộ trực tiếp phối hợp với các địa phương để thống kê. Những hộ thuộc diện có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao, UBND huyện sẽ trích ngân sách phòng, chống lụt bão, hỗ trợ tiền di dời nhà đến nơi ở mới, an toàn, theo chính sách của UBND tỉnh. Đối với chính quyền xã, bản, phải sắp xếp, bố trí vị trí đất ở cho các hộ này. Nếu địa phương nào không còn quỹ đất cộng đồng, thì vận động anh em, họ hàng dành đất vườn cho người nhà có chỗ ở an toàn.

Mùa mưa lũ đang đến gần, do vậy huyện Tương Dương cần đẩy nhanh tiến độ di dời những hộ dân có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra. Để làm tốt công tác này, ngoài sự hỗ trợ kịp thời của huyện, phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp xã, bản và ý thức của mỗi người dân.

Bài, ảnh:

Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Lũ ống, lũ quét, sạt lở: Đến hẹn lại... lo!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO