Lúa chét
(Baonghean) - Lúa chét là lúa từ gốc rạ của vụ trước còn lại tiếp tục sinh trưởng mà thành. Do không phải chăm bón nên thưa bông, thưa hạt, được xem là của trời cho. Lúa chét không ngon như lúa chính vụ, năng suất cũng không cao nên trước đây người quê không mấy quan tâm tới chúng mặc dù không phải vất vả hay nhọc nhằn gì. Nhưng giờ thì đã khác chỉ cần thêm ít phân bón là lúa chét cũng thành của ăn, của để.
Trong cái lạnh tê tái của ngày đông, có lẽ gian bếp là nơi thích hợp nhất để người quê ngồi nhâm nhi cái thú nông nhàn. Bên đĩa lạc hay ngô rang giòn, người ta có nhiều chuyện để hàn huyên, tâm sự, ôn cố tri tân hay cầm kỳ thi tửu nhưng không thể mãi thế khi mà bồ thóc đã thủng đáy nên người ta đành phải cắp thúng mủng ra đồng làm cái chuyện muôn năm cũ là tuốt lúa chét. Đó cũng là công việc thường xuyên của người làm thuê, cuốc mướn tay làm hàm nhai và cũng bởi họ không hề có tấc đất cắm dùi.
Việc gì cũng có thể dừng nhưng cuộc sống thì không. Bồ thóc luôn là nỗi trăn trở của người quê khi mà năm sắp cùng, tháng đang tận nên ngày ngày họ vẫn ra đồng nhặt nhạnh những hạt lúa trời cho ấy. “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” luôn là câu châm ngôn của họ chứ không phải là câu ca dao ru nôi mà những bà mẹ quê thường hát. Nó thấm thía lắm, ý nghĩa lắm...
Năm nào cũng vậy, mẹ tôi thường nấu một nồi cơm gạo mới dâng cúng ông bà trước tiên nhưng luôn là lúa chét bởi gia đình tôi sống bằng nghề chằm lưới và chẳng có ruộng đất gì. Tôi cũng không hiểu tại sao mẹ tôi chọn loại lúa này mà không phải là lúa mùa nhưng tôi chắc là mẹ vui và tự hào vì hạt lúa đó có từ mồ hôi và công sức của mẹ.
Cơm gạo lúa mới có mùi thơm đặc trưng nó là hỗn hợp của hương quê, hương đồng, hương lúa và hương tần tảo của người nông dân. Trước đây, lúa chét là thức ăn của đàn vịt thả đồng bởi giá lúa không thể bù vào giá công thu hái. Còn giờ, máy móc đã thay người nên đất cát cũng không thể nghỉ ngơi. Người ta đã xen canh giữa hai vụ lúa bằng một vụ màu thay vì bỏ đồng trống hoặc để lúa chét tự sinh.
Tuổi thơ tôi cũng theo đó mà lớn lên. Cũng áo tơi, nón lá, tay liềm, cơm mo ra đồng. Ấy thế mà nhớ hoài, mà thương hoài cho dù nhớ thương ấy chỉ là nhớ thương của đám trẻ quê, mộc mạc, trong sáng như hạt sương long lanh trên hạt lúa chét.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Quê tôi còn nhiều gia đình neo đơn vất vả lắm nên hạt lúa chét vẫn là cứu cánh của họ khi mà mùa bão lũ, lụt lội luôn chờ chực hoành hành. Hạt lúa cho dù là lúa chét cũng là hạt ngọc nên được người quê nâng niu, quý trọng…
Cuối đông trời se se lạnh, ngồi ấm áp trong bốn bức tường xây ở phố bỗng dưng thương quê đến cồn cào. Thương những mảnh đời áo tơi, nón vá chênh chao trên dòng nước nổi đục ngầu để thu hái những bông lúa chét mong manh cuốn theo chiều nước. Gợi nhớ đến mình ngày nào mà thương xót vô bờ, mà khoé mắt cay…
Lý Thị Minh Châu