Giáo dục

Lựa chọn và thay đổi nguyện vọng lớp 10: Đã đến lúc cần những tính toán kỹ càng hơn

Lê Thanh Nga 21/06/2024 09:14

Việc thay đổi nguyện vọng đăng ký vào các trường yêu thích hoặc để đảm bảo an toàn trong kỳ thi lớp 10 những năm gần đây đã trở nên quen thuộc với người học, nhất là ở bậc học Trung học phổ thông.

Đây là một nỗ lực nhằm tạo điều kiện để người học tăng thêm cơ hội được tiếp tục học tập ở các trường công lập, sau khi hoàn thành chương trình học ở bậc Trung học cơ sở. Có một số địa phương vẫn dành một thời gian nhất định, đủ để thí sinh cân nhắc lựa chọn. Sự lựa chọn có thể dựa trên nhiều tiêu chí mà người học, cùng với gia đình có thể lấy làm căn cứ như khả năng trúng tuyển, năng lực tài chính, điều kiện giao thông...

bna_2-2-.jpg
Thí sinh tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Đức Anh

Cách làm này trước hết cho thấy những tính toán chiến lược mang ý nghĩa nhân văn: Cho phép thí sinh đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân và gia đình; thể hiện được tinh thần của Đảng và Nhà nước về quyền được học tập của mỗi người.

Mặt khác, nó cũng tạo điều kiện để các trường “tốp dưới” mở ra nhiều cơ hội tuyển sinh, vừa tránh được cảnh đìu hiu trong nỗi thấp thỏm của ban giám hiệu và cán bộ, công nhân viên nhà trường về việc liệu có tuyển đủ chỉ tiêu để một mặt giữ hoặc nâng cao uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Mặt khác nữa, có thể ở một chừng mực nào đó là nâng cao chất lượng tuyển sinh, trường vẫn có thể tuyển được những học sinh mà trình độ, năng lực thuộc vào diện có thể ít nhiều “thi thố” với các trường khác, các trường công lập trong các cuộc thi thường niên, như thi học sinh giỏi, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật...

Nghĩa là chủ trương này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các trường “tốp trên” với “tốp dưới”, công lập với dân lập và tư thục, phổ thông và giáo dục thường xuyên... Nếu dựa trên những tính toán hợp lý, sẽ có những hiệu ứng tích cực không chỉ đối với việc phát triển một đơn vị giáo dục cụ thể, mà còn góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao dân trí và những đóng góp khác cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của một vùng.

z5512260863721_2f3cc5a753f3ba50fce561fd07e08263-1-.jpg
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Đức Anh

Tuy nhiên, có thể thấy việc cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng hiện nay vẫn còn một số bất cập và hệ lụy.

Trước hết là việc thực hiện không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước. Trong khi ở kỳ tuyển sinh vừa rồi, ở Hà Nội, “nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn đặt câu hỏi vì sao không có chính sách được điều chỉnh nguyện vọng như một số địa phương khác”. Trong khi tại Thành phố Hồ Chí Minh, thí sinh vẫn được thay đổi nguyện vọng nhưng chỉ được thực hiện trước khi thi. Còn một số địa phương khác lại dành thời gian từ 3 đến 5 ngày sau khi thi để thí sinh thay đổi nguyện vọng, như tại Nghệ An.

Hiện tượng này trước hết thể hiện tính chất thiếu đồng bộ, thậm chí là tình trạng “cát cứ” trong tư duy quản trị và chiến lược phát triển giáo dục, cho dù mỗi địa phương đều có những lý do để thanh minh dựa vào đặc thù kinh tế - xã hội và giáo dục của địa phương mình. Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những chỉ đạo cụ thể hơn với những quy chế, quy định nhằm tiến tới thống nhất quan điểm này?

bna_ht-8d50c3df48e6645791399680ac625d3a.jpg
Rất nhiều thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) đã quyết định chuyển nguyện vọng sau khi hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Đức Anh

Đối với việc triển khai cho thí sinh đăng ký hơn một nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng có thể dẫn đến những biến động tuyển sinh mà ngay trước mắt, có thể thấy những hệ lụy nhất định. Trước hết là nó tạo sự bất an về tâm lý cho các thí sinh, cho các gia đình sĩ tử và cả xã hội.

Đã có những trang thông tin dùng từ “nháo nhào” để mô tả tâm thế của phụ huynh, học sinh khi nhận được thông tin về thay đổi nguyện vọng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại Nghệ An.

Trạng thái tâm lý ấy chắc chắn sẽ khiến thí sinh gặp rắc rối trong việc tập trung tinh thần để ôn tập và sẽ có tác động không nhỏ đến việc làm bài của các em trong các buổi thi. Và điều quan trọng nhất là nó sẽ dẫn đến sự lung lay niềm tin của người học và xã hội đối với những quyết sách của ngành.

Cũng có thể thấy, sự biến đổi nhiều khi không hẳn đã là tín hiệu vui trong cơ cấu tuyển sinh, cụ thể là sự dịch chuyển trung tâm ra ngoại biên và ngoại biên vào trung tâm, cũng là những biến động về số lượng, chất lượng người học ở từng cơ sở giáo dục cụ thể.

Điều này thể hiện rõ nhất ở sự biến động số lượng hồ sơ đăng ký và điểm chuẩn của các trường ở những địa phương cố gắng tạo điều kiện để thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng. Có thể nhìn rõ điều này ở Nghệ An vài năm lại nay.

Điều bất thường nhưng không gây ngạc nhiên là dù ở các trường có bề dày truyền thống, có thương hiệu, có thực lực, mấy năm lại nay cơ bản mức điểm chuẩn ít có biến động, hoặc có biến động nhưng không đáng kể, thì ở một số trường, từ khi cho đổi nguyện vọng, điểm chuẩn bỗng cao hơn, thậm chí đến 4 hay 5 điểm so với trước đó. Nguyên nhân là sự dịch chuyển nguyện vọng từ các trường “tốp trên” xuống các trường “tốp dưới”, từ trung tâm ra ngoại vi, từ thành phố về nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi.

truong-thcs-quang-trung-hung-nguyen-tu-van-truc-tiep-cho-phu-huynh-hoc-sinh.jpg
Ông của một học sinh ở Trường THCS Quang Trung (huyện Hưng Nguyên) đến xin tư vấn nhà trường trước khi đổi nguyện vọng cho cháu. Ảnh: Mỹ Hà

Khi định chế đã cho phép thì việc lựa chọn phương án an toàn hiển nhiên sẽ là lựa chọn của đa số. Nhưng, theo quan sát của người viết bài này, chính quá trình dịch chuyển này sẽ đóng dần những cánh cửa trường công lập, thậm chí trường THPT đối với những học sinh có học lực kém hơn, mà nếu với tình hình trước đây, cánh cửa ấy vẫn rộng mở.

Khi học sinh ở thành phố tràn về các vùng phụ cận, thông thường các em học sinh sở tại khó lòng cạnh tranh. Bởi, cùng một chỉ số trí tuệ bẩm sinh, nhưng con em các gia đình ở thành phố luôn luôn được tạo điều kiện tối đa để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt này, phần thua thiệt hiển nhiên thuộc về những kẻ yếu thế.

Điều đáng nói là, sau khi học được một thời gian ở các trường “tốp dưới”, “ngoại vi”, học sinh lại có thể chuyển về trường “tốp trên”, vùng “trung tâm”, chừa lại những chiếc ghế trống trong lớp học mà lẽ ra, trước đó nó thuộc về một người khác, ngay tại địa phương. Và người lẽ ra phải ngồi chiếc ghế ấy, đã bị đẩy đến một trường khác mà họ không mong muốn.

Hiện tượng lâu nay có một số học sinh các vùng phụ cận phải vào thành phố để học các trường dân lập, tư thục với mức học phí khó chịu so với thu nhập của gia đình, hoặc chuyển sang học nghề, dù không mong muốn, là điều quan trọng trong những điều khiến ta phải suy nghĩ.

Và vì những gì đã nói, để tạo ra một cuộc cạnh tranh công bằng trong lựa chọn nguyện vọng, có lẽ đã đến lúc cần những tính toán kỹ càng hơn./.

Mới nhất
x
x
Lựa chọn và thay đổi nguyện vọng lớp 10: Đã đến lúc cần những tính toán kỹ càng hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO