Luân canh cho hiệu quả kinh tế cao ở Tân Kỳ

27/12/2011 19:01

(Baonghean.vn) Xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao là mục tiêu của huyện Tân Kỳ đang hướng tới, để từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu mang tính tự cung, tự cấp chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hoá, tạo ra những vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến công nghiệp. Nhờ có định hướng phát triển và chính sách hỗ trợ, trong quá trình thực hiện đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên để nhân ra diện rộng còn gặp không it khó khăn...

(Baonghean.vn) Xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao là mục tiêu của huyện Tân Kỳ đang hướng tới, để từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu mang tính tự cung, tự cấp chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hoá, tạo ra những vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến công nghiệp. Nhờ có định hướng phát triển và chính sách hỗ trợ, trong quá trình thực hiện đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên để nhân ra diện rộng còn gặp không it khó khăn...

6 công thức luân canh


6 công thức luân canh, thâm canh cây trồng mà huyện Tân Kỳ xây dựng, gồm: Đầu tư thâm canh 2 vụ lúa kết hợp nuôi thêm cá vụ 3; chuyển đổi từ đất 2 lúa sang luân canh 3 vụ; chuyển đổi từ đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng rau, dưa và ngô; mở rộng diện tích rồng dâu, nuôi tằm; chuyển đổi đầu tư thâm canh mía kết hợp với nuôi bò vỗ béo và phát triển diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, với hy vọng làm thay đổi cung cách làm ăn và tăng thu nhập cho người dân ở vùng đất này.

Để điều này trở thành hiện thực, huyện đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, đồng thời trích nguồn ngân sách hỗ trợ cho các địa phương xây dựng mô hình điểm. Tuỳ thuộc vào vào điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất để xây dựng mô hình cụ thể. Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng NN&PTNT Tân Kỳ cho biết: "Mặc dù kinh phí gặp khó khăn, nhưng huyện vẫn đầu tư hỗ trợ cá giống nuôi trên diện tích 20 ha chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi cá, hỗ trợ mô hình trồng 10 ha rau, màu ở xã Nghĩa Phúc và Giai Xuân, hỗ trợ 5 ha dưa hấu và trồng rau vụ đông tại xã Nghĩa Dũng, hỗ trợ trồng cỏ giống mới VA06 tại Nghĩa Đồng, chuyển 2 ha đất trồng lúa cao cưỡng sang trồng mía ở xã Nghĩa Dũng, chuyển đổi đất ngô ven bãi kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm tại Nghĩa Đồng. Nhờ có sự hỗ trợ này, người dân đã mạnh dạn đầu tư thực hiện luân canh, thâm canh tạo ra giá trị hàng hoá".



Chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm ở Nghĩa Đồng (Tân Kỳ)


Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của huyện và nỗ lực của người dân, các mô hình đang từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt, có những công thức luân canh, thâm canh đã tạo ra bước "đột phá" trong sản xuất nông nghiệp ở Tân Kỳ, như: Công thức chuyển đổi từ đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng rau, dưa và ngô. Từ chỗ chỉ làm thí điểm 5 ha ở Nghĩa Dũng, nay đã phát triển rộng ra trong xã, đồng thời mô hình này được người dân Kỳ Tân, Nghĩa Hành, Tân Phúc, Tân Hương áp dụng thành công khi chuyển đổi trên diện tích đất màu đồng, đất bãi cao với trên diện tích 78 ha. Theo cách tính của bà con nông dân, trước đây trên diện tích 1ha chưa chuyển đổi, mỗi năm làm cật lực và thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ thu nhập được gần 43 triệu đồng, nhưng sau khi chuyển đổi đã tăng tổng thu nhập lên gần 193 triệu đồng. Hay việc chuyển đổi đầu tư thâm canh mía kết hợp với nuôi bò vỗ béo là công thức được áp dụng trên diện tích lớn nhất (1.000 ha).

Do trên địa bàn huyện đã có sΩn diện tích mía nguyên liệu, chỉ vận động, hỗ trợ đầu tư cho người dân sẽ đạt hiệu quả trong nuôi bò vỗ béo. Đây là một lợi thế của Tân Kỳ, nên trong thời gian qua, người dân ở vùng nguyên liệu mía Tân Kỳ không những có thu nhập cao nhờ tăng nhanh năng suất cây mía từ 60 - 70 tấn lên 100 - 120 tấn/ha, mà còn phát triển thêm nghề chăn nuôi bò vỗ béo.

Hiệu quả này được chứng minh qua con số là trước đây cũng trên diện tích 1 ha trồng mía mỗi năm chỉ thu nhập khoảng 39 triệu đồng, nhưng khi đầu tư thâm canh tăng năng suất và kết hợp nuôi bò vỗ béo đã cho thu nhập hơn 68 triệu đồng. Rồi phong trào nuôi cá vụ 3 ở Tân Kỳ cũng phát triển rộng với hơn 138 ha, mà trước đó không lâu chỉ thông qua mô hình 20 ha của huyện đầu tư thâm canh 2 vụ lúa kết hợp nuôi cá vụ 3. Xã Nghĩa Thái là "đầu tàu" trong việc nuôi cá vụ 3 tạo ra hiệu quả kinh tế cao nhất, giúp cho người dân nơi đây thu nhập trên 80 triệu đồng/ha...


Rất vui khi biết rằng, ở một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã mạnh dạn đầu tư tìm ra cách làm ăn mới, tạo thu nhập cao cho người dân và đang từng bước khẳng định được chủ trương, cách làm đúng đắn. Theo cán bộ của phòng NN&PTNT Tân Kỳ, sau khi thực hiện 6 công thức luân canh, thâm canh thì người dân đã thực hiện chuyển đổi 1.821 ha, đây là những mô hình tốt, cách làm hay để Tân Kỳ nhân rộng ra trong thời gian tới.


Những việc cần làm


Bên cạnh những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện 6 công thức luân canh, thâm canh thì Tân Kỳ vẫn còn "sức ì" rất lớn, ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đó là do đặc thù của huyện miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất lạc hậu nên việc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KH - KT vào sản xuất gặp khó khăn.

Ngoài việc đầu tư xây dựng các mô hình tại cơ sở, Trung tâm Khuyến nông Tân Kỳ còn rất chú trọng đến công tác tập huấn, nâng cao trình độ thâm canh cho người dân bằng cách mở lớp tập huấn quá trình, kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng theo các hình thức chuyển đổi. Đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao như: Giống lúa lai TH3-3, PIONNEEPHB71, giống thuần Vật tư NA1, BTE1, Nhị ưu 725; giống ngô CP3Q, 30D55, 30Y87, DK9901, B06, NK66, NK 66-54, NK 4300 và giống lạc L23... Sự "ngại" đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH- KT của người dân làm cho hiệu quả kinh tế chưa cao và nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển các mô hình ra diện rộng. Mô hình chuyển đổi đất 2 lúa sang luân canh 3 vụ hiệu quả kinh tế rất rõ và được chứng minh thực tế tại xã Nghĩa Dũng, thu nhập trước khi chuyển đổi hơn 45 triệu/ha/năm và sau khi chuyển đổi đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm, nhưng do phong tục, tập quán sản xuất của bà con nên kế hoạch của mô hình này đặt ra mục tiêu 100 ha nhưng chỉ thực hiện được 25 ha.


Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, đối với huyện Tân Kỳ còn khó khăn do diện tích đất nông nghiệp lớn, bố trí trên nhiều địa hình phức tạp và bên cạnh đó hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng được yêu cầu canh tác liên hoàn, nên người dân rất khó thực hiện được việc phát triển các mô hình. Nuôi cá vụ 3 thì không chủ động được nước, đất đồi, vệ, đất màu đồng, đất vùng bãi phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, khi gặp điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp sẽ rủi ro, gây thiệt hại cho người dân.

Bên cạnh đó là sự bất cập về cơ chế, chính sách và nhất là nguồn vốn đầu tư đã hạn hẹp lại dàn trải và chỉ dừng lại ở mức đầu tư mô hình mà chưa đủ để kích cầu mở rộng vùng sản xuất. Với những trở ngại đó, Tân Kỳ rất khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thực tế thấy rằng, hiện tại huyện mới định hình rõ nét về vùng nguyên liệu tập trung cây mía, cây cao su, còn lại các loại cây trồng khác vẫn đang trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và phát triển theo kiểu tự phát.


Tân Kỳ có tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 23.570 ha (trong đó diện tích lúa 7.108 ha, ngô là 5.956 ha, lạc là 1.102 ha, sắn 2.226 ha...). Đây là lợi thế rất lớn cho huyện trong việc đầu tư khai thác lĩnh vực nông nghiệp. Nếu thực hiện tốt việc chuyển mô hình luân canh, thâm canh thì đây sẽ là những động lực quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp Tân Kỳ phát triển.

Rõ ràng, đối với 6 công thức luân canh, thâm canh ở Tân Kỳ cần được quan tâm, đầu tư đúng mức và trước hết là về nguồn vốn. Giải pháp quan trọng này nếu được "khai thông" sẽ có tác động tích cực trong việc phát triển nhanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giống cây trồng và diện tích... Cùng với đó, huyện cần có định hướng cụ thể cho từng vùng sản xuất với cơ cấu loại cây trồng phù hợp và đây là cơ sở để từng bước hình thành nên các vùng chuyên canh tập trung. Vấn đề khuyến nông cũng phải quan tâm trong thời gian tới. Làm tốt lĩnh vực này, người dân sẽ thay đổi được tập quán canh tác, chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hoá.


Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Luân canh cho hiệu quả kinh tế cao ở Tân Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO