Luân chuyển cán bộ: Tránh tư tưởng “đi nghĩa vụ”
(Baonghean) - Luân chuyển cán bộ là một trong phương pháp công tác nhằm đào tạo, rèn luyện và thử thách cán bộ. Tuy nhiên, lâu nay ở nhiều địa phương việc thực hiện luân chuyển cán bộ vẫn tồn tại tư tưởng “đi nghĩa vụ”. Khắc phục được vấn đề này cũng đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ghi nhận tại huyện Anh Sơn.
Rèn luyện, thử thách cán bộ
Đồng chí Đặng Đình Lục từ cương vị Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện được luân chuyển về xã Khai Sơn, đảm nhận vai trò Bí thư Đảng ủy xã từ tháng 6/2017. Từ một cán bộ quản lý ở lĩnh vực mang tính chuyên môn sâu, khi về cơ sở có thể nói, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, bởi yêu cầu nắm bắt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn.
Mặt khác, ở địa phương, trước đó một số cán bộ bị xử lý kỷ luật do có những sai phạm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, gây xáo trộn về cán bộ và đoàn kết nội bộ không cao; niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền cũng giảm sút và hoài nghi về cán bộ luân chuyển.
Một cuộc kiểm điểm giữa nhiệm kỳ tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Minh Chi |
Song, với tinh thần “đi cơ sở là để học tập, nâng cao kiến thức về mọi mặt”, đồng chí Đặng Đình Lục đã từng bước tiếp cận công việc trên cơ sở sâu sát cơ sở, lắng nghe nhiều hơn ý kiến, phát huy trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó tạo tiếng nói chung, vì phong trào chung.
Bằng phương pháp đó, đoàn kết nội bộ được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với cán bộ được cải thiện và khi 2 vấn đề mấu chốt đó được giải quyết, cộng với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương và quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, quan tâm của nhân dân, thực sự tạo động lực mới cho Khai Sơn.
Địa phương đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới và đang tập trung về đích cuối năm 2019 này; nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân từng bước giải quyết, như chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 7, đường Hồ Chí Minh; chuyển đất sử dụng sai mục đích, trái thẩm quyền...
Xây dựng thương hiệu chè gay đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cao Sơn. Ảnh: M.H |
Luân chuyển cùng thời điểm với đồng chí Đặng Đình Lục, đồng chí Nguyễn Đức Vĩnh từ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện luân chuyển làm Chủ tịch UBND xã Cao Sơn. Đến nay, sau gần 2 năm ở cương vị Chủ tịch UBND xã, đồng chí Nguyễn Đức Vĩnh cũng đã khẳng định được vai trò của mình trước cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Chia sẻ về những đóng góp của Chủ tịch UBND xã được luân chuyển, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Quốc Hiến cho rằng: Từ cán bộ quản lý cấp huyện, với trình độ cao và tầm bao quát rộng hơn, cộng với thâm niên, kinh nghiệm công tác lâu năm, khi về cơ sở, đồng chí Nguyễn Đức Vĩnh đã giúp cho cán bộ và nhân dân nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn các vấn đề.
Đặc biệt, đồng chí là lan tỏa được cho cán bộ, nhân dân hiểu muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương phải bằng nội lực, bằng chính suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân, từ đó khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Huy động lực lượng đoàn viên, thành niên nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông chính của xã Cao Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Minh Chi |
Theo đó, trong gần 2 năm qua, thông qua phong trào “Thắp sáng miền quê” do chính Chủ tịch UBND xã tham mưu cho cấp ủy triển khai; sức dân ở Cao Sơn được huy động nhanh hơn, mạnh hơn và nhiều công trình, phần việc được triển khai.
Điển hình có 5 ngôi đền được tôn tạo, nâng cấp; xây dựng 2 cổng làng; lắp đặt hệ thống chiếu sáng điện đường; trồng cây xanh trên các trục đường chính của xã. Đặc biệt hệ thống đường giao thông được mở rộng trên toàn các tuyến và bước đầu làm cứng đường, khắc phục tình trạng lầy lội trước đây.
Trong sản xuất nông nghiệp cũng đã chỉ đạo tạo ra được một số điểm sáng, như thành lập tổ hợp tác trồng chè gay thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP; chuyển đổi và trồng thử nghiệm thành công một số diện tích hoa ly, lay ơn, cúc trên đất màu...
Vấn đề đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng được chính đồng chí Nguyễn Đức Vĩnh tập trung giải quyết. Tính riêng năm 2018 vừa qua, trong 25 đơn thư, địa phương đã tập trung giải quyết xong 23 đơn, góp phần giảm đơn thư vượt cấp.
Tranh tạo ra tư tưởng “đi dễ, khó về” trong cán bộ luân chuyển
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Bá Từ khẳng định, luân chuyển cán bộ là một trong những biện pháp đào tạo, rèn luyện và thử thách cán bộ qua thực tiễn, tuyệt đối không có tư tưởng “đi nghĩa vụ”.
Đồng thời đây cũng là biện pháp chuyển tải phương pháp, cách làm của cấp trên đối với cơ sở, vừa là giúp cơ sở trong một số tình huống cụ thể như có phong trào yếu kém, cán bộ chủ trì cơ sở không phát huy được vai trò, trách nhiệm hoặc thiếu cán bộ chủ trì...
Bởi vậy, trên cơ sở kế thừa và rút kinh nghiệm công tác luân chuyển cán bộ ở các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này Huyện ủy đã có Quyết định số 848-QĐ/HU, ngày 31/8/2016 về ban hành Đề án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Theo đó, mục tiêu cụ thể được đưa ra, giai đoạn 2016 - 2020 luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở 4 - 6 người; luân chuyển ngang giữa các phòng, ban, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện 20 lượt người; đồng thời thực hiện thí điểm luân chuyển ngang cán bộ chủ trì cấp xã.
Đến thời điểm này, huyện đã luân chuyển 2 cán bộ huyện về làm chủ trì ở xã và luân chuyển ngang 11 cán bộ cấp huyện. Hiện tại huyện đang tiếp tục thực hiện quy trình luân chuyển 2 cán bộ huyện về 2 xã có nội bộ mất đoàn kết, đơn thư nhiều, phong trào trì trệ.
Riêng về luân chuyển dưới lên, tính từ khi ban hành đề án luân chuyển đến nay đã luân chuyển 2 cán bộ xã lên huyện. Đặc biệt, thông qua quán triệt đề án luân chuyển cán bộ, ý thức chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức ở cán bộ luân chuyển rất rõ ràng; đồng thời có tinh thần cầu thị, học hỏi và tích cực vào cuộc, tạo ra những hướng đi, cách làm mới với kết quả rất cụ thể ở cơ sở.
Đối với cán bộ cơ sở cũng có ý thức nỗ lực vươn lên, trăn trở để tạo ra bước phát triển cho địa phương, khẳng định tốt hơn vai trò người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tránh sức ỳ trong cán bộ chủ trì cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào ở từng địa phương phát triển.
Bên cạnh luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, huyện Anh Sơn cũng tập trung chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã, kế toán trường học. Trong ảnh: Công chức địa chính xây dựng, nông nghiệp, môi trường xã Phúc Sơn. Ảnh: Minh Chi |
Cùng với luân chuyển cán bộ quản lý, huyện Anh Sơn cũng quan tâm thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức cấp xã và kế toán các trường học theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong năm 2018, huyện đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 58 người, trong đó có 44 kế toán các trường học; 11 công chức tài chính - kế toán cấp xã; 3 cán bộ, công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường (trước đó năm 2017 đã chuyển đổi 25 người).
Rõ ràng, việc luân chuyển cán bộ ở Anh Sơn đã có những tác động rất tích cực, vừa được cán bộ, vừa được phong trào. Tuy nhiên vẫn còn băn khoăn đặt ra, đó là huyện chưa có một cơ chế rõ ràng, minh bạch đối với “đường về” cho cán bộ luân chuyển mà đang nói rất chung chung là cán bộ được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ được đề nghị bố trí chức vụ tương đương hoặc cao hơn.
Thiết nghĩ, không chỉ ở huyện Anh Sơn mà ở các cấp cần xây dựng một cơ chế “hậu” luân chuyển cho cán bộ, gắn với xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ luân chuyển để có sự sắp xếp tương ứng với sự cống hiến, đóng góp của cán bộ luân chuyển, tránh sự mập mờ, không rõ ràng như hiện nay hoặc tạo ra tư tưởng “đi dễ, khó về” trong cán bộ.