Luật Chi trả bản quyền tác giả âm nhạc: Cần được thực hiện nghiêm túc
(Baonghean) - Lẽ thường, những đứa con tinh thần của các nhạc sỹ sau khi được “ra lò” và được phổ biến đến công chúng thông qua các băng đĩa, các chương trình biểu diễn sẽ được trả tiền nhuận bút – quyền tác giả theo như quy định. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện luật chi trả bản quyền tác giả âm nhạc vẫn còn buông lỏng.
Nhạc sĩ Hoàng Thành |
Mặc dù bận bịu với bao nhiêu việc ở Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Chi hội trưởng, Chi hội nhạc sỹ Việt Nam tại Nghệ An nhưng nhạc sỹ Hoàng Thành – tác giả của những bài hát trữ tình sâu lắng như Buông áo em ra, Màu tím hoa sim, Tiếng sáo diều tuổi thơ, Khúc lăm tơi và anh lính tình nguyện… vẫn dành thời gian để ngồi bên cây đàn piano và nghĩ về những bài hát mới. Đây đã là năm thứ hai ông về nghỉ hưu sau hơn 40 năm công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 nhưng điều đó không có nghĩa là ông ngừng sáng tác mà ngược lại càng có thêm thời gian để ông đầu tư cho âm nhạc, nhất là khi trong gia đình ông hiện hai cậu con trai cũng đi theo con đường sáng tác của bố. Là một trong những nhạc sỹ có tiếng ở Nghệ An, trong đó có nhiều bài hát đã được nhiều ca sỹ nổi tiếng thu âm và biểu diễn tại nhiều chương trình ca nhạc ở trong và ngoài nước nên nhạc sỹ Hoàng Thành cũng rất quan tâm đến vấn đề chi trả bản quyền âm nhạc. Trên thực tế, đây là quyền lợi chính đáng và đã được thể hiện qua nhiều văn bản của Nhà nước, trong đó có nghị định của Chính phủ về chế độ nhuận bút, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Dân sự và nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Bản thân ông, kể từ khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đi vào hoạt động ông cũng đã được chi trả tiền bản quyền. Cụ thể, cứ một quý một lần, Trung tâm sẽ trực tiếp gửi tiền thông qua tài khoản cho ông. Số tiền ứng với những lần bài hát được sử dụng.
Tuy nhiên, theo ông số tiền một vài triệu đồng mà ông nhận mỗi lần hiện nay là quá ít, bởi chủ yếu chỉ có Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đài truyền hình ở các tỉnh phía Nam chi trả. Còn lại, có rất nhiều chương trình khác sử dụng bài hát của ông nhưng chưa trả quyền tác giả thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả, trong đó có nhiều chương trình được dàn dựng trong tỉnh. Ông cho biết: Người nhạc sỹ có nhiều bài hát được công chúng biết đến và đón nhận là một điều may mắn rồi. Nhưng một sản phẩm âm nhạc cũng là kết tinh của trí tuệ, công sức thế nên nếu người sử dụng các bài hát biết trân trọng nhạc sỹ và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chi trả quyền tác giả thì người nhạc sỹ sẽ có thêm động lực để làm việc.
Thực tế tại Chi hội nhạc sỹ Việt Nam tại Nghệ An vẫn còn rất nhiều nhạc sỹ đang phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, trong đó chỉ một số người may mắn có lương còn lại sống nhờ vào việc dàn dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Hiện cũng chỉ một vài nhạc sỹ hàng năm được trả tiền bản quyền tác giả, còn đa phần chưa được biết đến số tiền này. Ngay như nhạc sỹ Lê Hàm, tác giả của các ca khúc nổi tiếng như Vinh – Thành phố bình minh, Yêu lắm một miền quê, Yêu sao cô giáo vùng cao cũng chỉ biết mỗi một quý một lần mình được Trung tâm Bản quyền chuyển cho vài triệu đồng vào tài khoản, gọi là tiền “nhuận bút” còn nguồn tiền ấy thu từ các chương trình nào, do ai trả ông đều mù mờ. Còn tác giả Nguyễn Văn Đờn, nhạc sỹ của các ca khúc như Đêm hội Thẳm Bua, Đò đêm, Tiếng cồng gọi bạn lại chia sẻ rất thật rằng: “Từ trước đến nay, tôi chỉ mới được trả tiền bản quyền một lần vào năm 2011. Còn lại từ đấy đến nay chưa được trả thêm lần nào…”. Dịp ra Giêng này, một ca khúc khá nổi tiếng của ông là “Rằm xuân nhớ Bác” cũng được phát đi phát lại nhiều lần trên sóng phát thanh, đặc biệt là trong ngày Thành lập Đảng 3/2, nhưng với ông thì: “Được phát là vui rồi cũng không nghĩ gì được trả tiền bản quyền vì điều đó còn thấy xa xôi lắm…”.
Theo Mục 8, Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ thì sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra khá phổ biến với nhiều mức độ khác nhau, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, chương trình máy tính, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, kỹ thuật số. Nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức, hiểu biết, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng còn nhiều hạn chế và chưa nghiêm túc, hệ thống thực thi quyền tác giả, quyền liên quan của các cấp chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Ngay như tại tỉnh ta, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch là đơn vị chịu trách nhiệm về công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nhưng lâu nay vấn đề này vẫn chưa được quan tâm. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan gửi tới các đơn vị trực thuộc, trong đó yêu cầu các nhà hát, đoàn nghệ thuật, hãng phim, nhà sản xuất, cơ quan báo chí, công ty sản xuất băng, đĩa ca nhạc sân khấu, các tụ điểm ca nhạc, các đơn vị tổ chức biểu diễn, tổ chức sự kiện, các khách sạn, khu du lịch, dịch vụ karaoke trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải nghiêm túc và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tuy vậy, việc quản lý và kiểm tra vẫn chưa được sát sao.
Điều đó, dẫn đến tình trạng các chương trình biểu diễn, các nhà sản xuất vẫn vô tư biểu diễn các tác phẩm của các nhạc sỹ mà “lờ” đi trách nhiệm của mình và không quan tâm đến quyền bảo hộ tác giả. Về phía chi hội nhạc sỹ Việt Nam tại Nghệ An, lâu nay vấn đề này cũng chưa được quan tâm dù đó là để bảo vệ quyền lợi cho các thành viên của mình. Do đó vẫn có tình trạng “mạnh ai nấy đăng ký” còn ai được bao nhiêu, đơn vị nào trả thì các thành viên không biết. Hoặc cũng chưa được hướng dẫn cụ thể để họ đi “đòi” quyền lợi cho mình.
Cũng liên quan đến việc chi trả quyền tác giả, mới đây Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng đã mở văn phòng đại diện tại Nghệ An. Bước đầu, trung tâm đã tổ chức tập huấn và đã triển khai việc thu phí bản quyền tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Theo đó, tùy theo quy mô, địa bàn và số phòng hoạt động các cơ sở sẽ phải nộp tiền bản quyền tác giả âm nhạc với mức đóng từ 880.000 đồng/phòng/năm đến 1.320.000 đồng/năm. Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp để kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke khi họ đến đăng ký, xin giấy phép hoạt động. Bà Nguyễn Thùy Dung, đại diện Trung tâm Bản quyền tại Nghệ An cho biết: Thời gian tới, sau khi trung tâm đi vào hoạt động ổn định, việc thu phí cũng sẽ mở rộng tới các lĩnh vực khác như truyền hình, chương trình ca nhạc… Hy vọng, đó cũng sẽ là tín hiệu mừng cho các nhạc sỹ tỉnh nhà trong dịp năm mới này và là một cách gián tiếp để người sử dụng trân trọng tài năng, công lao của các nhạc sỹ.
Mỹ Hà