'Luật sư' miễn phí của đoàn viên, người lao động

Diệp Thanh 05/08/2021 10:10

(Baonghean.vn) - Không chỉ tư vấn pháp luật miễn phí, những thành viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An) còn sẵn sàng đứng ra làm luật sư miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, lao động trong các vụ tranh chấp lao động.

Lao động nào cũng cần biết luật

Nhu cầu tìm hiểu và được tư vấn kiến thức pháp luật là một trong những nhu cầu rất lớn của đông đảo công nhân, lao động. Đây cũng là điều dễ nhận thấy tại buổi gặp mặt giữa Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và các Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Khối Doanh nghiệp tỉnh diễn ra vào ngày 26/7 vừa qua. Được trực tiếp đối thoại với những người đứng đầu tổ chức công đoàn tại Nghệ An, các Chủ tịch CĐCS đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động công đoàn, Luật Lao động, kiến nghị, đề xuất... Qua đó, rất nhiều Chủ tịch CĐCS bày tỏ nguyện vọng được tiếp cận, hỗ trợ nhiều hơn ở mảng kiến thức pháp luật.

Nhiều Chủ tịch CĐCS chia sẻ về khó khăn trước những tranh chấp phức tạp liên quan đến Luật Lao động. Ảnh: D.T

Trong phát biểu của mình, anh Nguyễn Anh Thương - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH điện tử BSE chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi rất đông công nhân, lao động, nhiều vấn đề cần giải quyết, trong khi những cán bộ công đoàn như chúng tôi đều kiêm nhiệm, đi lên từ phong trào, thời gian hạn chế, kỹ năng không chuyên sâu. Vì thế, với những tranh chấp có tính phức tạp trong quan hệ lao động, những bất đồng nghiêm trọng, chúng tôi không đủ năng lực và kiến thức về luật để giải quyết”.

Không chỉ tại diễn đàn nói trên, dạo quanh các khu công nghiệp, các nhà trọ công nhân, không khó để bắt gặp những bất bình, thắc mắc của công nhân, lao động xoay quanh các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của mình. Chị Vũ Thị Hà (công nhân đang thuê trọ tại KCN Bắc Vinh) bức xúc chia sẻ: “Tôi và những đồng nghiệp của mình không hiểu tại sao mỗi lần nhận lương chúng tôi đều phải ký xác nhận trên 2 văn bản với 2 số liệu khác nhau. Chúng tôi hiểu như thế là gian dối nhưng không biết quyền lợi của mình có bị ảnh hưởng không. Ý kiến nhiều lại sợ mất việc nên thôi”.

Công nhân, lao động thường là đối tượng thiệt thòi trong các vụ tranh chấp lao động. Ảnh: D.T

Chưa nói đến cơ hội được tiếp cận kiến thức pháp luật một cách bài bản, chính xác, không ít công nhân lao động học hành dang dở, không đầy đủ và họ trở thành đối tượng yếu thế, thiệt thòi và dễ tổn thương trong quan hệ lao động.

Âm thầm trợ giúp pháp lý cho người lao động

Trước những trăn trở của các Chủ tịch CĐCS, chị Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động cho biết: “Theo quy định, chúng tôi còn có trách nhiệm hỗ trợ CĐCS trong giải quyết vấn đề và tìm sự giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng để bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động. Suốt 10 năm qua, LĐLĐ tỉnh đã tham gia giải quyết 35 vụ đình công tập thể và 10 lần cùng người lao động ra tòa khởi kiện, tư vấn cho hàng trăm lượt tập thể, cá nhân công nhân, lao động. Nói thế để thấy rằng, hơn ai hết, tổ chức công đoàn rất hiểu nhu cầu về tư vấn pháp luật của đoàn viên và người lao động và luôn đồng hành cùng họ”.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Chí Công giải đáp thắc mắc của các Chủ tịch CĐCS. Ảnh: D.T

Với vợ chồng chị Đặng Thị Thu, việc khởi kiện công ty ra tòa có lẽ là một trong những sự kiện nằm ngoài tưởng tượng của anh chị. Quay lại sau thời gian nghỉ thai sản, chị Thu bị công ty sa thải không lý do. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đè nặng lên đôi vai của anh Trần Văn Cường - cũng là một công nhân với đồng lương còm cõi. Anh chị tìm đến sự giúp đỡ của LĐLĐ tỉnh để mong đòi lại quyền lợi cho mình. Sau thời gian hòa giải với chủ doanh nghiệp bất thành, LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, đồng hành cùng vợ chồng chị Thu khởi kiện ra tòa. Nhận số tiền bồi thường gần 50 triệu đồng, vợ chồng chị Thu không chỉ đòi lại được công bằng cho mình mà còn khiến chủ sử dụng lao động phải nhìn nhận lại những sai phạm không đáng có của mình.

Trường hợp của vợ chồng chị Thu là 1 trong nhiều trường hợp được LĐLĐ tỉnh đứng ra làm luật sư miễn phí để bảo vệ quyền lợi hợp pháp trước tòa. Tranh chấp có thể xảy ra với nhiều lý do như nợ lương, bị cho thôi việc vô cớ, sai phạm trong bồi thường tai nạn lao động...

Chia sẻ thêm về Trung tâm Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Chí Công khẳng định, tất cả đoàn viên, người lao động đều nhận được sự tư vấn, hỗ trợ miễn phí từ tổ chức công đoàn thông qua trang TTĐT, đường dây nóng, chuyên mục trên báo... Không ít người lao động vì không nắm được điều này nên đã mất một số tiền lên đến hàng chục triệu đồng để thuê luật sư giải quyết vấn đề của mình, chi phí này khiến họ đã khó khăn lại càng thêm chật vật.

Vợ chồng chị Thu anh Cường chúc mừng LĐLĐ tỉnh nhân ngày kỷ niệm thành lập tổ chức công đoàn và bày tỏ sự biết ơn sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn trong việc đòi lại công bằng quyền lợi cho mình. Ảnh: ĐVCC
Vợ chồng chị Thu anh Cường chúc mừng LĐLĐ tỉnh nhân ngày kỷ niệm thành lập tổ chức công đoàn và bày tỏ biết ơn sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn trong việc đòi lại công bằng quyền lợi cho mình. Ảnh: ĐVCC

Từng bị “bủa vây” bởi hàng trăm câu hỏi trong các cuộc đình công, từng bị chủ sử dụng lao động thách thức với thái độ gay gắt, từng là tất cả hy vọng của những công nhân khốn cùng, những cán bộ công đoàn như anh Công, chị Hương cần luôn tỉnh táo, nắm rõ quy định của pháp luật và có bản lĩnh vững vàng để hoàn thành nhiệm vụ. Những kiến thức pháp luật liên tục được sửa đổi, bổ sung đòi hỏi cán bộ công đoàn phải học và cập nhật mới mỗi ngày. Để đảm bảo tính chính xác trong từng câu chữ, những chuyên gia này thường phải luôn mang theo cuốn sổ tay pháp luật bên mình để kiểm tra, rà soát lại mỗi khi cần. Với người lao động, họ là những chiếc phao cứu sinh, vì thế họ không được phép mắc sai lầm.

Chị Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ: “Bên cạnh việc nắm rõ kiến thức luật, chuyên nghiệp trong kỹ năng, chúng tôi cũng rất cẩn trọng trong thái độ khi làm việc với chủ doanh nghiệp. Trong tất cả các cuộc tranh chấp, chúng tôi luôn ưu tiên phương án hòa giải trong êm đẹp và hạn chế tối đa việc phải khởi kiện ra tòa với mục đích giữ thể diện cho doanh nghiệp và duy trì mối quan hệ tốt đẹp sau này. Đó cũng là lý do chúng tôi hạn chế tối đa việc công khai thông tin của doanh nghiệp và những vụ kiện”.

“Không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác từ chủ doanh nghiệp. Rất nhiều đơn vị vì quá tự tin vào kiến thức pháp luật và những mối quan hệ của mình nên đã có thái độ thách thức, gay gắt với cả công nhân lao động và cán bộ công đoàn. Tuy nhiên, sau khi thua kiện, không ít doanh nghiệp tìm đến, chủ động kết nối với chúng tôi để được tư vấn thêm về kiến thức pháp luật nhằm tránh những sai phạm không đáng có” - chị Hương nói thêm.

Với công việc nhiều áp lực này, niềm vui của những cán bộ công đoàn chuyên tư vấn pháp luật cho người lao động và khi đòi lại được công bằng và lợi ích chính đáng cho người lao động. Bằng tinh thần trách nhiệm và mong muốn được giúp đỡ, sẻ chia, họ thực sự đã trở thành những người bạn sát cánh cùng công nhân, lao động.

Bên cạnh số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Tư vấn pháp luật (0375.037.037), người lao động cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua chuyên mục tư vấn trực tuyến trên website của Tổng LĐLĐ Việt Nam (www.congdoan.vn) hoặc trang TTĐT của LĐLĐ tỉnh Nghệ An (www.laodongnghean.vn).

Người lao động có thể truy cập trang TTĐT của Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc LĐLĐ tỉnh Nghệ An để kết nối và được tư vấn pháp luật miễn phí. Ảnh: Chụp màn hình.

Mới nhất

x
'Luật sư' miễn phí của đoàn viên, người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO