Luôn đổi mới để phát triển
(Baonghean) - Năm 2013 là thời điểm tròn một thập kỷ Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) có trụ sở chính tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa đầu tư trực tiếp vào Nghệ An thông qua 1 trong 25 công ty con của mình là Công ty TNHH MTV Tân Khánh An. Sau 10 năm, Tân Khánh An đã chứng minh được hiệu quả của nguồn vốn đầu tư thể hiện bằng tốc độ phát triển vượt bậc, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và là một trong những đơn vị có đóng góp lớn cho ngân sách Nghệ An.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nghệ An Xuân Quý Tỵ năm 2013, tôi được biết Tân Khánh An là 1 trong 21 doanh nghiệp được khen thưởng của UBND tỉnh. Tại cuộc gặp với kỹ sư Phạm Văn Bình – Giám đốc Công ty, anh đã chia sẻ về những thành công cũng như trăn trở khi trực tiếp đứng mũi chịu sào chèo lái đưa công ty phát triển.
Trao đổi với anh Bình, mới vỡ lẽ nhiều điều về con đường đầu tư của Khatoco vào Nghệ An và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh đồng hành với nhà đầu tư để vực dậy một nhà máy vốn công nghệ cũ kỹ, công suất nhỏ, lạc hậu; cũng như trách nhiệm xã hội lớn đối với cuộc sống của 150 công nhân và gia đình họ. Đó là câu chuyện vào những năm đầu thế kỷ 21 của Nhà máy Thuốc lá Nghệ An. Trong suốt thời gian dài, nhà máy làm ăn kém hiệu quả, tài sản chỉ có vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng. Thời điểm đó Nhà nước tổ chức sắp xếp lại ngành thuốc lá trong cả nước, nên Chính phủ chỉ giới hạn cấp tạm tem sản xuất 3 tháng một lần và gia hạn thời hạn để chuyển đổi sản xuất hoặc giải thể. Đứng trước nguy cơ giải thể cao, câu hỏi lớn nhất lúc này đối với lãnh đạo nhà máy là, số phận của 150 công nhân gắn bó cả cuộc đời với nhà máy sẽ đi về đâu?
Xưởng sản xuất bao bì của Công ty Tân Khánh An.
Trăn trở đó là động lực chính thôi thúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An và lãnh đạo nhà máy nhanh chóng tìm ra hướng đi mới hiệu quả, vực dậy đơn vị. Và đây cũng là khởi nguồn cho mối “lương duyên” tròn 10 năm giữa Khatoco và tỉnh Nghệ An cho đến nay. “Đúng vào thời điểm khó khăn, chúng tôi trực tiếp liên hệ với nhiều công ty và cuối cùng thì Khatoco quyết định tiếp nhận nhà máy thành đơn vị hạch toán phụ thuộc từ đầu tháng 6 năm 2003 với tên gọi Tân Khánh An”, anh Bình nhớ lại. Bằng nguồn đầu tư, kinh nghiệm, kỹ thuật của Khatoco, Tân Khánh An – tên gọi hàm chứa nhiều ý nghĩa và kỳ vọng của một nhà đầu tư đến từ Khánh Hòa trên xứ Nghệ, nhà máy dần vượt qua cơn bĩ cực. “Giai đoạn này là bước chạy đà tối quan trọng cho sự hồi sinh của nhà máy và tiến tới vươn lên thành một đơn vị hạch toán độc lập sau này. Chúng tôi vừa sản xuất thuốc lá trên dây chuyền 6-7 triệu sản phẩm/năm, vừa chú trọng tổ chức sắp xếp lại đội ngũ lao động, cán bộ và chuẩn bị phương án đầu tư mở rộng ngành nghề sản xuất bao bì nhựa”, anh Bình cho hay.
Đến năm 2006, dự án chuyển đổi sản xuất bao bì hoàn thành, đi vào sản xuất, Khatoco quyết định chuyển đổi Nhà máy Tân Khánh An thành Công ty TNHH MTV Tân Khánh An hạch toán độc lập, ngành nghề sản xuất thuốc lá điếu, bao bì nhựa và kinh doanh thương mại.
Khi chúng tôi bước vào xưởng sản xuất bao bì nhựa, ghé vào tai tôi, Giám đốc Bình nói như để át đi tiếng máy: “Cả công ty ra quân sản xuất vào mồng 6 Tết để kịp có sản phẩm giao cho khách hàng. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, tìm được đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã có đơn hàng hết quý I năm nay rồi”. Hiểu hơn hiệu quả làm ăn của Tân Khánh An, khi cầm bảng biểu so sánh mức phát triển hàng năm của công ty từ năm 2007 đến 2012, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, số tiền nộp ngân sách tăng đều đặn hàng năm. Ví như, năm 2007, doanh thu chỉ mới đạt hơn 98,8 tỷ đồng thì đến năm 2012 đã tăng lên 256,6 tỷ đồng, điều phấn khởi hơn nữa là doanh thu từ sản xuất bao bì nhựa chiếm 3/4 doanh thu, thuốc lá chỉ chiếm 1 phần còn lại. Số tiền nộp ngân sách của công ty cũng tăng nhanh từ hơn 11,7 tỷ đồng năm 2007 lên 52,5 tỷ đồng năm 2012.
Dây chuyền sản xuất bao bì 25 triệu sản phẩm một năm và dây chuyền sản xuất thuốc lá điếu 30 triệu sản phẩm một năm hoạt động không nghỉ. Sản phẩm được bán cho các khách hàng cả nước từ Phú Thọ, Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế. Do đó, thu nhập, chế độ của cán bộ, công nhân được đảm bảo, lương trung bình đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Xuân Anh vào làm ở công ty được 7 năm nay, phấn khởi: “Làm ở đây có thu nhập ổn định và khá cao so với mặt bằng chung nên tôi yên tâm gắn bó lâu dài. Hiện nay, thu nhập trung bình của tôi đạt 5,2 triệu đồng/tháng”. Còn chị Nguyễn Thị Hồng Thắm – một công nhân khác cho biết: “Tôi thu nhập được 4 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng lễ, tết, bảo hiểm các loại rất đầy đủ. Tết vừa rồi, tôi được thưởng 10 triệu đồng nên gia đình có một cái Tết Nguyên đán rất chu tất”. Dưới góc độ một nhà đầu tư và một người sử dụng lao động, giám đốc Bình cho biết: “Lao động Nghệ An rất cần cù, nhanh nhạy trong sản xuất hơn so với lao động nhiều khu vực khác trong nước. Điều đáng tiếc nhất là tính kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp chưa cao. Do đó, tại nhà máy chúng tôi phải phân công rõ từng khâu trong dây chuyền đến từng người lao động. Có như vậy mới nâng cao ý thức từng người, có chế độ thưởng, phạt phân minh nhằm nâng cao trách nhiệm, phát huy được hết sở trường của người lao động”.
Quan điểm đó của anh Bình âu cũng là một nhìn nhận khách quan về lao động Nghệ An, vậy nên Tân Khánh An đã tìm ra phương pháp để phát huy hết phẩm chất của lao động Nghệ trên đất Nghệ trong 10 năm qua. Bởi nói về môi trường đầu tư Nghệ An, anh vẫn cho rằng, nguồn lao động dồi dào, cần cù vẫn là lợi thế của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư bên cạnh môi trường đầu tư đang được cải thiện và ngày càng thông thoáng hơn. “Nghệ An có rất nhiều tiềm năng phát triển. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu thu hút đầu tư nên cần chú trọng vào việc thay đổi môi trường xã hội và môi trường kỹ thuật nhằm tạo sức hút lớn hơn nữa. Ngoài ra, mỗi công dân, doanh nghiệp Nghệ An và cả những doanh nghiệp đang làm ăn tại Nghệ An cần được phát huy để trở thành cầu nối thu hút đầu tư cho tỉnh”, anh Bình chia sẻ.
Bài, ảnh: Thành Duy