Lương tăng, giá vẫn ổn định
Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã... đã tăng từ ngày 1-10. Rất may, giá cả vẫn khá ổn định.
Doanh nghiệp: Tăng lương không ảnh hưởng nhiều
Từ ngày 1-10, mức lương tối thiểu cao nhất áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (các đô thị trực thuộc trung ương) sẽ nâng lên mức 2 triệu đồng/tháng, vùng II là 1,78 triệu đồng/tháng; vùng III 1,55 triệu đồng/tháng; vùng IV 1,4 triệu đồng/tháng.
Ông Bùi Viết Quang - Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần may Sông Hồng (Nam Định) cho biết, về nguyên tắc, Cty phải chấp hành quy định của Nhà nước. Việc tăng lương tối thiểu trong thời điểm này đối với Cty Sông Hồng không có gì bất ngờ. Vì, hiện Cty Sông Hồng đã trả lương cho cán bộ công nhân viên cao hơn mức lương tối thiểu (vùng I) từ 1,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Chợ cóc luôn rình rập tăng giá theo lương. Ảnh: Hồng Vĩnh
“Lo lắng nhất của doanh nghiệp là việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến Cty phải bỏ ra khoản tiền đóng bảo hiểm khá lớn hơn so với hiện nay” - ông Quang nói. Theo ông Quang, với hơn 6.000 cán bộ công nhân viên hiện nay, khi tăng lương tối thiểu, chắc chắn Cty sẽ phải bỏ ra thêm khoảng gần 2 tỷ để đóng bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên.
Một số giám đốc Cty cho biết, việc tăng lương tối thiểu chưa chắc đã tăng thu nhập và đời sống cho công nhân. “Vì, có thể doanh nghiệp sẽ tuân thủ tăng lương tối thiểu, nhưng các khoản tiền tăng thêm khác họ sẽ cắt giảm”.
Tại cuộc giao ban Bộ Công Thương ngày 3-10, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết dù là ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhưng các doanh nghiệp thuộc Vinatex không gặp khó khăn do đợt tăng lương này. Để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã phải trả mức lương cao hơn khá nhiều so với mức lương tối thiểu mới được áp dụng.
Điển hình, tại TPHCM và Hà Nội, công nhân may trong doanh nghiệp của Vinatex được trả lương trên 5 triệu đồng/tháng. Tại Hưng Yên, Đà Nẵng, Huế, công nhân may có thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng.
Giá không ăn theo lương
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Fivimart cho biết, hiện, các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, thịt, rau xanh đang giữ ở mức giá ổn định. Riêng thịt lợn trong tháng 9, chúng tôi giảm giá ba đợt từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Còn rau xanh do mưa bão nên giá rau tăng 1.000 - 2.000 đồng/sản phẩm.
Theo bà Hậu thì dù có tăng lương cơ bản nhưng về phía siêu thị do lượng hàng dự trữ nhiều nên không có chuyện tăng theo giá lương một cách ồ ạt.
Theo khảo sát của PV, tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giá thịt lợn vẫn giữ ở mức giá 110.000- 140.000 đồng/kg; thịt gà ta 145.000 - 155.000 đồng/kg; thịt bò 180.000 - 185.000 đồng/kg; tôm 120.000 đồng/kg; ngao 18.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương ở chợ, do nguồn cung thịt dồi dào nên giá vẫn giữ ở mức ổn định. Riêng rau xanh, do mấy ngày mưa bão nên giá có tăng khoảng 1.000 đồng/mớ, do mưa nhiều, nguồn cung giảm.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội phân tích, nếu lương cơ bản tăng thì có hiện tượng tăng giá do tâm lý, nhưng chưa ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả hàng hóa thiết yếu nói chung. Các siêu thị luôn giữ giá ổn định do họ dự trữ hàng hóa từ giữa năm đủ dùng cho đến hết năm.
Theo Tiền phong