Lý do không phải ai cũng vào được "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới"

16/04/2016 18:53

Được mệnh danh là "thiên đường hạnh phúc nhất thế giới" nhưng Bhutan không đẩy mạnh hút khách vì lo ngại những tác động tiêu cực từ du lịch.

Bhutan là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đất nước bé nhỏ nhưng được mệnh danh là "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới", là xứ sở thần tiên đối với bất kỳ ai từng đặt chân tới. Khi đến Bhutan, du khách có thể cảm nhận được không khí bình yên ở vương quốc bí ẩn - nơi nền văn hóa Phật giáo truyền thống trên dãy Himalaya tách biệt khỏi xu hướng phát triển chóng mặt của toàn cầu. Có thể nói Bhutan là vùng đất thiên đường trên trái đất, nhưng trên thực tế, vì nhiều lý do mà số lượng khách du lịch hàng năm đến đây rất ít.

Chính sách hạn chế du lịch

Bhutan là một nước đặt ra yêu cầu rất khắt khe đối với du khách. Visa du lịch đến đây chỉ cấp theo yêu cầu của các nhà khai thác du lịch được cấp phép bởi chính phủ, và chỉ cho những ngày đi cụ thể mà tour du lịch đã được sắp xếp và thanh toán trước. Tuy nhiên, kể cả đối với các tour được chấp thuận tới Bhutan, chính phủ cũng đặt ra một mức giá tối thiểu là 200 USD/ người/ ngày (khoảng 4,5 triệu) cho toàn bộ chi phí.

Vì vậy, nếu bạn là khách du lịch tự túc tới đây thì sẽ không được cấp visa. Điều này được lý giải bởi lo ngại của chính phủ Bhutan về những tác động tiêu cực mà du lịch có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng và hệ sinh thái nhạy cảm của đất nước nhỏ bé này.

Chính phủ Bhutan tập trung vào việc truyền bá văn hóa quốc gia thông qua du lịch nhiều hơn là quan tâm đến lợi ích kinh tế mà ngành này mang lại. Ảnh: Heavenlybhutan
Chính phủ Bhutan tập trung vào việc truyền bá văn hóa quốc gia thông qua du lịch nhiều hơn là quan tâm đến lợi ích kinh tế mà ngành này mang lại. Ảnh: Heavenlybhutan

Hiện nay, chính sách đối với du lịch đã thông thoáng hơn nhưng số lượng du khách ở Bhutan vẫn bị hạn chế. Hàng năm chỉ có khoảng 35.000 khách nước ngoài đến đây bởi chính phủ tập trung vào việc truyền bá văn hóa Bhutan thông qua du lịch nhiều hơn là quan tâm đến lợi ích kinh tế mà ngành này mang lại cho quốc gia.

Ngành hàng không

Ở Bhutan có duy nhất sân bay quốc tế là Paro, cách thủ đô Thimphu 65 km. Du khách muốn bay tới Bhutan phải quá cảnh ở Bangkok (Thái Lan), Calcutta, Dhaka, Delhi, Bagdogra (Ấn Độ) hoặc Kathmandu (Nepal). Ngoài ra, hãng hàng không duy nhất có lịch trình bay đến đây là Druk Air - hãng hàng không hoàng gia Bhutan. Số lượng vé cho các chuyến bay này cũng không nhiều và không thể đặt trước. Bạn chỉ có thể mua vé trực tiếp ở sân bay nếu xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ của tour du lịch đã thanh toán và được cấp phép bởi chính phủ nước này.

Trao đổi tiền tệ khó khăn và giá cả đắt đỏ

Ở Bhutan, rất khó để có thể tìm thấy ngân hàng hoặc cây ATM ngoài thủ đô Thimphu. Ảnh: Thedailystar
Ở Bhutan, rất khó để có thể tìm thấy ngân hàng hoặc cây ATM ngoài thủ đô Thimphu. Ảnh: Thedailystar

Bhutan sử dụng đồng ngultrum (Nu), được ấn định tỷ giá theo đồng rupee Ấn Độ. Ở đây, thẻ visa và master chỉ được chấp nhận ở một số khách sạn và nhà hàng lớn, vì vậy khi đến du lịch, bạn tốt nhất nên đem theo USD rồi đổi sang đồng Nu ở sân bay. Nếu ra khỏi thủ đô Thimphu, sẽ rất khó để có thể tìm thấy ngân hàng hoặc cây ATM và việc giao dịch ở đây cũng tốn rất nhiều thời gian. Đây là một trong những khó khăn mà du khách gặp phải khi du lịch ở Bhutan.

Ngoài ra, một trong những lý do khác khiến du khách ít tới thăm Bhutan là giá cả ở đây rất đắt đỏ. Chính phủ Bhutan áp dụng chính sách đánh thuế tất cả mặt hàng đối với khách du lịch, bao gồm thuế hướng dẫn viên, tài xế, xe riêng... Ngay cả các tour du lịch trọn gói bao gồm chỗ ở, ăn uống, tham quan, lệ phí nhập cảnh, lệ phí visa... cũng bị đánh thuế rất cao. Thông thường, một khách tới đây tham quan phải mất tới 300 USD/ ngày (khoảng 6,7 triệu đồng) vào mùa cao điểm và 240 USD/ ngày (khoảng 5,4 triệu đồng) vào mùa thấp điểm.

Ẩm thực Bhutan

Người ta sử dụng ớt cay để làm nguyên liệu chính cho các món ăn chứ không phải là gia vị. Một trong những món ăn truyền thống của người Bhutan là eme daste, bao gồm ớt xanh quả lớn ăn kèm với sốt phô mai.

Ớt cay là nguyên liệu không thể thiếu trong các bữa ăn của người Bhutan. Ảnh: Asherworldturns
Ớt cay là nguyên liệu không thể thiếu trong các bữa ăn của người Bhutan. Ảnh: Asherworldturns

Phật giáo kim cương thừa là quốc giáo ở Bhutan, hai phần ba số dân ở đây theo tôn giáo này. Vì vậy văn hóa ở quốc gia nhỏ bé cũng mang đậm màu sắc Phật giáo, đó là lý do các loại rau củ quả là đồ ăn phổ biến ở đây. Mặc dù các khách sạn dành cho khách du lịch có thể được quốc tế hóa bằng cách phục vụ nhiều thịt và giảm bớt độ cay trong đồ ăn, đây vẫn là một trong những thử thách khiến cho những ai có ý định đến thăm quốc gia này phải cân nhắc suy nghĩ trước khi quyết định.

Theo vnexpress

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Lý do không phải ai cũng vào được "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO