Mạch nguồn chảy mãi

14/12/2014 09:09

(Baonghean) - Ngày 27/11, Dân ca ví, dặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân sự kiện này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc có bài viết: “Phát huy giá trị Dân ca ví, dặm trong dòng chảy văn hoá nhân loại”, đăng trang 1, Báo Nghệ An, số ra thứ Tư, ngày 3/12. Bài viết không chỉ nói lên niềm vinh dự, tự hào của người dân xứ Nghệ trước sự kiện này, mà còn đề cập đến những giải pháp, định hướng lâu dài nhằm phát huy giá trị của Dân ca, ví dặm trong dòng chảy văn hóa nhân loại…

Tiết mục “Khúc hát giao duyên phường vải” do các nghệ sỹ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ biểu diễn.Ảnh: công mạnh
Tiết mục “Khúc hát giao duyên phường vải” do các nghệ sỹ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ biểu diễn.

Dân ca Nghệ Tĩnh có vị ngọt ngào, duyên dáng riêng làm say đắm lòng người. Những câu hát dân ca không chỉ đọng lại những cung bậc tình cảm, những da diết của tâm hồn thông qua ngôn ngữ âm nhạc mà còn là sự thể hiện tính triết lý, ví von, hóm hỉnh của mỗi ca từ. Bởi thế mà Dân ca Nghệ Tĩnh thường phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, hàm súc về ca từ và ý vị chất thơ. Có thể nói, Dân ca Nghệ Tĩnh như sợi chỉ se duyên đối với những con người bám hồn đất, hồn làng hoặc gợi nhớ, gợi thương với những người con đành đoạn phải rời xa quê cha, đất tổ.

Từ thượng nguồn sông Lam, sông La đến Cửa Lò, Cửa Hội; từ khe Nước Lạnh đến đèo Ngang, nơi đâu cũng có nghệ nhân hát hay, hát giỏi. Ở đó, đằng sau lũy tre, bến nước, sân đình còn ẩn chứa biết bao làn điệu quý giá. Không chỉ ví, dặm mà còn có cả hát xẩm, ca trù, hát thầy cúng, hát tuồng... Những di sản quý báu này đang được các nghệ nhân truyền lại từ đời này sang đời khác. Nhưng những di sản này đang được tồn tại dựa vào những nghệ nhân dân gian tuổi hạc đã cao, gần đất xa trời. Nếu không được khai thác, lưu truyền thì vốn quý này sẽ dần mai một...

Chúng ta tự hào khi Dân ca ví, dặm được cả thế giới tôn vinh, thể hiện sức sống mãnh liệt, lâu bền và sự hội nhập văn hóa thế giới đầy ấn tượng. Nhưng điều đó cũng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong công tác gìn giữ, phát huy giá trị dân ca trong thời kỳ mới. Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đặt ra vấn đề: “Để Dân ca ví, dặm trường tồn, chúng ta cần làm cho nó xuất hiện thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc, trong nhiều không gian, thời gian”. Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá Dân ca ví, dặm dưới nhiều hình thức. Bên cạnh nghiên cứu, sưu tầm và dàn dựng sân khấu hóa Dân ca ví, dặm, là tăng cường hướng dẫn, xây dựng hệ thống mạng lưới CLB dân ca ở các địa phương; kết nối các địa phương trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều cuộc giao lưu, quảng bá, giới thiệu sâu rộng Dân ca ví, dặm đến với nhân dân cả nước. Hằng năm, cần lập hồ sơ kiểm kê di sản, hồ sơ các nghệ nhân trình các cấp xem xét phong tặng danh hiệu; phối hợp với các ban, ngành nghiên cứu các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca, hỗ trợ các CLB hoạt động và có phương án đào tạo thế hệ người hát dân ca kế cận.

Ở khía cạnh khác, ngành VH-TT & DL cần đẩy mạnh kết nối, hợp tác với các đơn vị lữ hành du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu khách du lịch đến với các địa điểm có những khu di tích và các câu lạc bộ dân ca; xây dựng và có chiến lược, chính sách kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đầu tư khai thác tiềm năng, kho tàng vô giá còn tiềm ẩn trong những câu dân ca ví, dặm.

Tin rằng, với những chính sách phát triển đúng đắn, kịp thời và phù hợp với xu thế của thời đại, chắc chắn sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị của Di sản Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh sẽ thành công. Dân ca sẽ là mạch nguồn chảy mãi đến muôn đời sau…

Người xây dựng

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Mạch nguồn chảy mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO