Thời sự

Mãi dâng cho đời bài tình ca Đất Phương Nam

Hiền Anh 02/04/2025 08:37

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (tên thật là Lê Văn Gắt), sinh năm 1936, tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Với hơn 200 nhạc phẩm , với hàng chục cuốn sách về câu hò, điệu ví , hát ru... nhà thơ Lư Nhất Vũ đã được tặng thưởng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, và nhiều phần thưởng cao quý khác.

nhacsilunhatvu-cover.png

Hiền Anh • 02/04/2025

Vào những ngày tháng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh bạn ở Hội Cựu giáo chức thành phố mang tên Bác thông báo Chương trình gặp mặt "Về nguồn" của đoàn cán bộ giáo dục, y tế cùng vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Nam Bộ đầu năm 70, trong đó có một nửa thời gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, một nửa thời gian đi Tây Ninh thăm lại chiến trường xưa. Anh bạn còn nói thêm, thành phố đang chuẩn bị đêm thơ nhạc Lê Giang - Lư Nhất Vũ, nếu trúng dịp đoàn mình gặp mặt sẽ tìm vé cùng đi. Lòng thắc thỏm rạo rực mong chờ ngày được gặp lại hai vợ chồng nhà thơ, nhạc sĩ mà chúng tôi từng ngưỡng mộ, từng gắn bó ở chiến khu Lò Gò - Sa Mát Tây Ninh. Nhưng rồi đột ngột nhận được tin nhạc sĩ Lư Nhất Vũ qua đời vào ngày 29 tháng 3, sau 7 tháng chống chọi với bệnh tật, bao kỷ niệm lại ùa về.

Chân dung nhạc sĩ Lư Nhất Vũ
Chân dung nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Còn nhớ cuối năm 1970 đầu năm 1971, đến ngày 30/4/1975, trong căn cứ của R (Trung ương Cục miền Nam), bên suối Cây - một nhánh nhỏ của sông Vàm Cỏ Đông, hễ ở đâu có dịp tụ họp là anh, chị em lại kể cho nhau nghe chuyện tình văn nghệ kháng chiến của cặp đôi nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ như là huyền thoại.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (tên thật là Lê Văn Gắt), sinh năm 1936, tại Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ông sớm tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn Gia Định, năm 1955, tổ chức bố trí cho ông ra Bắc bằng đường biển, theo thuyền đánh cá của ngư dân qua bờ sông Bến Hải. Ra miền Bắc, ông tiếp tục vào học Trường học sinh miền Nam. Ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường ông đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc và đã có những tác phẩm đầu tay phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1962, ông tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội và được điều về các đơn vị Thanh niên xung phong, các đoàn văn công vừa thâm nhập thực tế, vừa sáng tác. Thời thanh niên sôi nổi Lư Nhất Vũ đã là một nhạc sĩ nổi tiếng với hơn 20 bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được nhiều đoàn văn công dàn dựng. Tiêu biểu nhất là các bài: Chiều trên bản mèo, Nhớ anh Trần Văn Ơn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn...

nhacsilunhatvu-box1.png

Lư Nhất Vũ sáng tác bài "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" năm 1968, tại Khâm Thiên (Hà Nội). Dịp ấy ông vừa tiễn đưa các người bạn Diệp Minh Tuyền, Lê Anh Xuân lên đường về miền Nam chiến đấu. Lư Nhất Vũ thường lên Bờ Hồ xem bản tin miền Nam. Khi thấy hình ảnh các cô gái Nam Bộ tải đạn ra chiến trường ông nảy ra ý tưởng phải viết một cái gì đó về những người con gái đang trực tiếp chiến đấu, thế là đêm ấy ông về thức sáng đêm viết xong nhạc phẩm "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn". Sáng ra ông viết làm 2 bản, 1 bản gửi Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, 1 bản đưa đến Đoàn Ca múa miền Nam, nơi ông đang công tác dàn dựng.

Chỉ 1 tuần sau, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" do nghệ sĩ Vũ Dậu lĩnh xướng, tốp nữ phụ họa. Bài hát mang âm hưởng Dân ca Nam Bộ với nhịp điệu rộn ràng, trong sáng mô tả tinh thần lạc quan cách mạng của những nữ chiến sĩ giải phóng quân... nhanh chóng lan tỏa trong công chúng khắp cả 2 miền Nam, Bắc. Đầu năm 1970, Lư Nhất Vũ cùng một số văn nghệ sĩ được cử vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Lưu Hữu Phước, Hồ Bông ở rừng Tây Ninh năm 1971
Các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Lưu Hữu Phước, Hồ Bông ở rừng Tây Ninh năm 1971.

Sau 4 tháng vượt Trường Sơn hành quân vào căn cứ Trung ương Cục ở chiến khu Đ Tây Ninh, Lư Nhất Vũ được phân công về Tiểu ban Văn nghệ miền Nam do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Trưởng tiểu ban. Nhưng không may ông bị cơn sốt rét ác tính hành hạ, cơ thể suy nhược. Có lúc tưởng như không thể qua khỏi. Trong những giờ phút thập tử nhất sinh ấy có một người nữ bác sĩ vừa theo dõi chữa trị cho ông bằng Tây y, vừa vào rừng tìm những lá thuốc về giã rồi kiên trì bón cho ông từng thìa một, chăm sóc ông từng bữa cháo, bữa rau. Người nữ bác sĩ ấy cũng có máu nghệ sĩ, đam mê thơ ca từ thuở kháng chiến 9 năm ở chiến trường Cà Mau, chị là bác sĩ Trần Thị Kim, sinh năm 1930, bên bờ sông Ghềnh Hào (Cà Mau), hoạt động cách mạng từ năm 1945, vào Đảng năm 1949, tập kết ra Bắc, chị từng làm Chủ nhiệm khoa ở Bệnh viện Việt - Đức. Chị về Nam Bộ năm 1963, khi chị gặp bệnh nhân nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tại Bệnh viện dân y Miền, chị đang giữ chức Chánh Văn phòng Ban Dân y Miền kiêm bác sĩ của Bệnh viện Dân y.

Những tháng cuối năm 1970, đáng nhớ ấy trong tán rừng già bên suối cây, mối tình văn nghệ kháng chiến giữa nữ bác sĩ nhà thơ Trần Thị Kim, bút danh Lê Giang và bệnh nhân nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nảy nở. Sau đó, chị Lê Giang tên thường gọi trong chiến khu là chị Năm Kim hay chị Năm Lê Giang được Trung ương Cục điều chuyển về Ban Văn nghệ Miền cùng cơ quan với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cùng sống và sáng tác.

Vợ chồng Lư Nhất Vũ – Lê Giang – Ảnh chụp từ sách Đời và nhạc của Lư Nhất Vũ
Vợ chồng Lư Nhất Vũ – Lê Giang. Ảnh chụp từ sách "Đời và nhạc" của Lư Nhất Vũ

Tôi có may mắn là những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, được ở gần vợ chồng Lư Nhất Vũ và Lê Giang. Anh chị ở căn cứ Ban Văn nghệ Miền, tên bí mật là B2, chúng tôi ở Ban Giáo dục Miền, tên bí mật là B3, 2 căn cứ ở gần nhau, cách nhau một cánh rừng ven suối và 20 phút đi bộ bằng con đường mòn nhỏ. Các bác, các chú lãnh đạo 2 cơ quan lại cùng sinh hoạt trong Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, biết và thân nhau từ thời 9 năm đánh Pháp, bên Văn nghệ là các bác Lưu Hữu Phước, Lý Văn Sâm, Thanh Trúc... bên Giáo dục là các chú Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Văn Nhật... Mỗi lúc bên Văn nghệ có dịp biểu diễn văn nghệ, ca nhạc giới thiệu sáng tác mới, dàn dựng chương trình mới đều tin cho bên Giáo dục qua xem. Hay cả những lúc bên này hay bên kia có người săn được nai, heo rừng đều chia xớt cho nhau. Có lần chú Lưu Hữu Phước mời chú Tư Dũng (nhà giáo Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục, quê Nam Đàn) qua chơi và dùng cơm, tôi bấy giờ làm ở Phòng Tuyên truyền được chú Tư Dũng cho tháp tùng. Lần ấy tôi được gặp vợ chồng anh chị Năm- Lư Nhất Vũ và Lê Giang, tại căn nhà lợp lá trung quân của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Bữa ăn có món cá đồng kho quẹt, món đặc sản của vùng đất Cà Mau Nam Bộ, do chị Năm Kim làm đầu bếp. Chỉ với mấy con cá chèn, cá lóc do anh em ở trại tăng gia gửi về, với gia vị đơn sơ gồm muối hột to, đường thốt nốt, tiêu, ớt mua ở khẩu Trại Bí, đĩa hoa chuối rừng trộn lá giang chua... chị Năm bày lên mâm nhìn ngon mắt, ai ăn cũng khen ngon.

Vợ chồng nhà thơ Lê Giang - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ
Vợ chồng nhà thơ Lê Giang - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Sau bữa ăn chúng tôi được anh chị mời qua nhà chơi. Nhà anh chị là một mái lá trung quân nhỏ, phía dưới là căn hầm kèo, 2 cánh võng mắc liền nhau. Vách nhà treo cái đàn ghi ta đã cũ. Chú Tư Dũng khen nhà của vợ chồng nhạc sĩ "chim kêu" ấm áp mà đẹp lắm. Chả là bài hát "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" bắt đầu bằng câu "chim kêu trên rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai", rất phổ biến trong các trường học trong vùng kháng chiến, nên thầy giáo và học sinh thường nói bài hát CHIM KÊU và thân thiết gọi vui nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là nhạc sĩ CHIM KÊU.

Sau lần ấy, mỗi dịp Đài Phát thanh giải phóng ngâm thơ Lê Giang hoặc hát bài hát của Lư Nhất Vũ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của vợ chồng anh chị Năm. Anh Năm nhạc sĩ người dong dỏng cao, trầm tĩnh kiệm lời, chị Năm da trắng tóc đen cặp môi hồng, miệng cười rất duyên, chị đẹp mặn mòi trong chiếc áo bà ba đen rất đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về tham gia Ủy ban Quân quản thành phố Cần Thơ, sau đó, được điều về Ban Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cùng chị và hai vợ chồng tá túc trên căn hộ chung cư tầng 6 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

nhacsilunhatvu-box2.png

Những ngày mới giải phóng, các đoàn văn công từ Hà Nội vào thường có các buổi biểu diễn ở Nhà hát lớn gần trụ sở Ủy ban Quân quản thành phố sau này là Trụ sở UBND thành phố, chúng tôi lúc đó, ở trụ sở Bộ Giáo dục, 70 Lê Thánh Tôn, nhờ mối quan hệ riêng và cũng đam mê văn nghệ nên đêm nào cũng có vé đi xem và được gặp lại anh chị Lư Nhất Vũ - Lê Giang, những người hàng xóm trong rừng chiến khu Đ. Thấy chị vẫn giản dị trong tấm áo bà ba và chiếc khăn rằn vắt cổ vẫn giọng nói rổn rảng ấm áp, anh chị ngồi khiêm nhường ở hàng ghế dưới, mặc dù anh chị là khách mời, quan trọng là tác giả của những bài hát có trong đêm diễn.

Đầu năm 1976, chúng tôi trở về miền Bắc công tác, không còn có điều kiện gặp lại anh chị vợ chồng nhà thơ - nhạc sĩ nhưng theo dõi đài, báo hàng ngày, biết anh tham gia nhiều trọng trách lớn như Phó Thư ký Hội nhạc sĩ thành phố, Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, được biết cặp đôi anh chị dắt díu nhau hơn nửa thế kỷ , đi khắp 3 miền Bắc -Trung -Nam để sưu tầm các điệu hò, câu ví, lời ru... nhất là vùng đồng bằng Nam Bộ để đãi cát tìm vàng, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, lưu lại những di sản tinh thần quá giá của cha ông, liên kết với các hãng phim, các nhà xuất bản in ấn phát hành hàng chục cuốn phim, tập sách về văn hóa Nam Bộ, đồng thời, sáng tác nhiều bản nhạc, hợp xướng, nhạc kịch, nhạc phim mang hơi thở, hồn cốt Nam Bộ.

Trong một buổi ghi âm dân ca Sông Bé năm 1987. Từ trái sang: nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nghệ nhân hát dân ca, nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Phan Nhân, nhà thơ Từ Nguyên Thạch
Trong một buổi ghi âm Dân ca Sông Bé năm 1987. Từ trái sang: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nghệ nhân hát dân ca, nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Phan Nhân, nhà thơ Từ Nguyên Thạch.

Năm 1997, nhạc phẩm bài ca "ĐẤT PHƯƠNG NAM" ra đời (nhạc Lư Nhất Vũ, lời thơ Lê Giang). Đây là bản nhạc viết cho bộ phim cùng tên, nhưng nhạc phẩm có giá trị độc đáo riêng, được nhiều ca sĩ nổi tiếng dàn dựng, được nhanh chóng lan tỏa trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Với hơn 200 nhạc phẩm , với hàng chục cuốn sách về câu hò, điệu ví , hát ru... nhà thơ Lư Nhất Vũ đã được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu trao Huy hiệu 75 năm, 70 năm tuổi Đảng đối với đồng chí Trần Thị Kim (nhà thơ Lê Giang) và Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng đối với đồng chí Lê Văn Gắt (Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ). Nguồn ảnh: Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu trao Huy hiệu 75 năm, 70 năm tuổi Đảng đối với đồng chí Trần Thị Kim (nhà thơ Lê Giang) và Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng đối với đồng chí Lê Văn Gắt (Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ). Nguồn ảnh: Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh

Và chúng tôi mỗi lần nhớ đến những kỷ niệm với anh chị Năm Lư Nhất Vũ - Lê Giang lại nhớ đến biểu tượng của mối tình văn nghệ kháng chiến gắn kết với nhau son sắt hơn nửa thế kỷ bằng tình yêu nước nồng nàn, tình yêu văn học, nghệ thuật sâu sắc và cả tình yêu trai gái muôn thuở đã cùng nhau sáng tác những tác phẩm thơ, nhạc, sưu tầm nghiên cứu mang hồn cốt khát vọng của nhân dân, dân tộc và thời đại.

Có một lần, một nhà báo phỏng vấn chị Năm, nếu lấy một câu ca dao để nói lên mối tình chung thủy của anh chị, thì chị chọn câu: Anh em mình như thể bẹn cau/anh bẹn em bẹn ấp nhau trọn đời. Xuân này, anh đã về miền "trời xanh mây trắng bên dòng Cửu Long Giang", một bẹn đã lìa cành, còn chị 96 tuổi đời, vẫn đang ôm ấp mối tình son sắt với người bạn đời để tiếp tục dâng cho đời bài tình ca "Đất phương Nam".

Chân dung Lư Nhất Vũ (trái), Lê Giang trên bìa sách của tác giả
Chân dung Lư Nhất Vũ (trái), Lê Giang trên bìa sách của tác giả.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Mãi dâng cho đời bài tình ca Đất Phương Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO