Mai này có còn nghề giấy dó?

11/08/2014 08:24

(Baonghean) - Chẳng ai nhớ rõ nghề làm giấy dó ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc) hình thành tự bao giờ, các cụ cao niên trong làng cũng chỉ biết khi mình lớn lên đã nghe rõ tiếng chày giã niệt, dó rậm rịch suốt ngày. Một thời, nghề làm giấy dó cứu đói, cứu bần cho người dân làng Phong Phú, thu hút gần 100% số hộ dân trong làng tham gia làm nghề. Nhưng nay thu nhập từ nghề quá thấp, cộng với nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, nghề làm giấy dó đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Người dân làng nghề Phong Phú phơi giấy dó.
Người dân làng nghề Phong Phú phơi giấy dó.

Để làm ra những tấm giấy dó mỏng manh, người làm nghề phải lên rừng thuộc các huyện miền Tây như Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương… hay sang một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hoá tìm cây niệt, cây dó đem về làm nguyên liệu sản xuất. Gia đình ông Bạch Quốc Lam ở xóm Phong Phú hiện có 40 khuôn giấy đổ hàng ngày, là một trong những hộ còn làm nhiều giấy dó của làng nghề. Ông Lam năm nay 62 tuổi, có thâm niên làm nghề ngót nghét 40 năm. Ông bộc bạch, bây giờ các con đã thành lập gia đình riêng, chỉ còn đứa út đang học Trường Đại học Y khoa Vinh, nên nhà còn hai ông bà tranh thủ làm nghề. Cái khó nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu sản xuất, nay tôi tuổi đã cao, vẫn phải đi hàng tuần lên vùng miền núi Tân Kỳ, Quỳ Châu… tìm kiếm cây niệt, cây gió leo về để làm nghề. Các công đoạn làm giấy dó khá công phu, cây niệt và cây gió phải tuốt sạch lá, chỉ tước lấy phần vỏ cây, cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, phần vỏ trắng được nhồi với nước vôi đem nấu trong một ngày. Sau khi nấu xong, vỏ cây đã mềm bở, đưa ra ao hồ ngâm rửa sạch nước vôi, tiếp tục đem ra đâm, giã thật mịn. Nguyên liệu được đặt trên một tấm đá dày, bằng phẳng, dùng chày gỗ để đập kỹ thành một thứ bột ướt màu nâu. Rồi đem bột này hoà với nước, ngâm với thuốc tẩy cho trắng, lọc sạch bã. Tiếp tục lấy vỏ cây bìm bìm ngâm lấy nước, đem hoà với nước niệt đã tẩy trắng thành hợp chất sền sệt, múc nước này tráng lên khuôn màn 1m2 phơi cho thật khô, bóc ra thành tấm giấy mỏng màu trắng đục. Ấy là sản phẩm giấy dó.

Nghề này không làm giàu được, nhưng cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Với 40 khuôn, mỗi ngày gia đình ông Lam đổ được 2 lần, có 80 tờ giấy dó, giá bán hiện nay 2.500 đồng/tờ, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 130.000 đồng/ngày. Hai vợ chồng ông đều là nông dân chẳng có lương, nhờ làm nghề mà có tiền trang trải hàng ngày. Nghề này làm quanh năm, chỉ trừ những hôm trời mưa phải nghỉ vì không phơi được giấy. Cũng nhờ chăm chỉ làm nghề, gia đình ông lo được cho 4 người con ăn học. Nay các anh chị đã lập gia đình, còn cô em út Bạch Thị Hằng đang học Đại học Y khoa Vinh, những ngày nghỉ hè cũng chăm chỉ giúp bố mẹ đổ khuôn, bóc giấy. Hằng nói với tôi, em chịu khó làm để gom góp tiền trang trải cho năm học mới, đầu ra của giấy dó rất thuận lợi, nhà em cứ vài hôm lại có người đến thu mua, trả tiền liền tay, chẳng kỳ kèo chi. Thế nhưng cái khó là thiếu nguyên liệu và các công đoạn khá mất thời gian, công sức.

Gia đình bà Bạch Thị Tâm, xóm Phong Phú làm nghề có tiếng ở làng với những khuôn giấy mịn trắng. Tính từ thời bố mẹ chồng bà làm nghề đến nay đã hơn 70 năm. Tiếng là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng gia đình bà chưa bao giờ xem nhẹ nghề này, bởi nhờ nghề mà nhà bà vẫn đảm bảo lương thực trong những ngày giáp hạt. Đất Nghi Phong cát trắng bạc màu, nhà làm 10 sào ruộng, gồm lúa và màu, nhưng năng suất thu hoạch kém, làm nông nghiệp chẳng ăn thua. Bà Tâm luôn chịu khó làm thêm nghề phụ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Một ngày của bà thường bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng, vừa lo bữa sáng cho gia đình, vừa tranh thủ tráng hàng chục khuôn giấy dó đem phơi cẩn thận, rồi mới đi làm đồng…

Giấy dó Phong Phú được các tư thương mua phục vụ thị trường làm quạt giấy, quấn hương trầm, dán bụng cá biển, làm vàng mã. Có bao nhiêu giấy dó cũng bán hết. Thế nhưng, do gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, thu nhập thấp, dẫn đến số hộ làm nghề đang dần thu hẹp. Ông Nguyễn Văn Ngãi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Phong cho biết: Nghề làm giấy dó ở làng Phong Phú tồn tại hàng trăm năm nay, xưa kia các cụ làm tự phát, phục vụ tiêu thụ nội địa. Tuy thu nhập từ nghề không cao, nhưng là nghề cứu đói, cứu bần cho bà con địa phương. Thời hưng thịnh trước đây, làng có 70 - 80 hộ làm nghề, cứ 3 - 4 giờ sáng hàng ngày xóm làng đã thậm thịch tiếng chày giã niệt, đàn ông, đàn bà, già trẻ, gái trai thi nhau giã niệt để chuẩn bị nguyên liệu cho những mẻ giấy mới. Nhất là những tháng mùa hè trời nắng ráo, giấy dó phơi trắng phau khắp làng… Thế mà nay, những hình ảnh ấy chỉ còn trong ký ức. Hiện nhiều hộ đã bỏ nghề để làm việc khác có thu nhập cao hơn, số hộ làm nghề chỉ còn khoảng 30 hộ. Rất ít người còn mặn mà với nghề tổ tiên để lại, làng nghề chủ yếu những người già, lao động lớn tuổi làm nghề, còn lao động trẻ thích đi làm ăn xa hay làm công nhân ở các khu công nghiệp trong tỉnh. Cái khó của làng nghề giấy dó Phong Phú là nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, khó tìm. Nguyên liệu chính dùng để sản xuất giấy dó là cây niệt, loài cây này sinh trưởng ở vùng miền núi cao xa xôi. Các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương… nơi nào cũng in dấu chân người làng Phong Phú đi tìm niệt. Mỗi lần khai thác xong, phải đợi 6 - 7 năm sau mới có thể tái khai thác.

Tìm nguyên liệu đã khó, quá trình sản xuất cũng trải qua nhiều công đoạn vất vả, trong khi giá thành sản phẩm không cao so với thời buổi trượt giá này. Chính vì vậy, nghề giấy dó Phong Phú đang dần mai một, chính quyền địa phương dù biết, dù nuối tiếc, song hiện vẫn chưa có giải pháp gì để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề bền vững. Trong thời gian tới, nếu không thay đổi được phương thức sản xuất, e rằng nghề làm giấy dó nơi đây rất có thể phôi phai theo năm tháng, và hình ảnh những khuôn giấy trắng đường làng, ngõ xóm chỉ còn lại trong ký ức của người dân nơi đây.

Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Mai này có còn nghề giấy dó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO