Mái nhà tranh quê ngoại
Đầu năm 1901, sau khi mẹ mất, cậu bé Nguyễn Sinh Cung được cha đưa trở về quê hương. Không lâu sau, bé Cung lại trải qua nỗi buồn tê tái, khi người em út cũng mất theo mẹ. Bà ngoại và làng Trùa đã trở thành điểm tựa tinh thần duy nhất, chở che, bao bọc chị em Sinh Cung trong những năm tháng tuổi thơ gian khó nhọc nhằn, song cũng nhiều ký ức đẹp đẽ.
Tiếng khóc của gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc đã báo cho bà con hai làng Kim Liên, Hoàng Trù tới chia buồn. Ai cũng bùi ngùi xúc động không cầm được nước mắt, thương tiếc vô hạn trước cái chết đột ngột của bà Loan, một người phụ nữ hiền lành, đoan trang, đẹp người, đẹp nết.
Nỗi buồn trong nhà càng da diết khi bé Xin vì khát sữa và bị cảm nặng trên đường từ Huế về quê nên ít lâu sau cũng mất theo mẹ..
Đã ngoài 60 tuổi, trước hai cái tang của con gái đầu lòng và đứa cháu bé xấu số, cụ Nguyễn Thị Kép bị suy sụp hẳn, nhưng rồi cụ phải gượng dậy, cố nén đau thương để an ủi, chăm sóc các cháu.
Em Xin mất đi lại gieo vào tâm hồn trẻ thơ của Nguyễn Sinh Cung một nỗi buồn tê tái. Trong cảnh tang tóc, tình ruột rà giữa bà cháu, cha con, chị em càng thêm thắm thiết bội phần. Thương bà, Sinh Cung đã giúp bà nhiều việc trong nhà, ngoài vườn. Khóm hoa huệ trong mảnh vườn trước sân luôn được cậu chăm sóc, hoa trắng nở mịn màng. Gốc mít, vườn cau, bờ dâu, bụi chuối đều như trở thành những bạn thân của chị em cậu.
Ông Sắc choáng váng, chao đảo trước nỗi bất hạnh của gia đình. Để vơi dần nỗi sầu tang tóc, ông lại mở lớp dạy học theo yêu cầu của bà con trong làng xóm. Nhiều người gần xa gửi con đến nhờ ông dạy dỗ. Các bậc phụ huynh mượn mấy gian nhà ngoài của ông Hương Nhàn (cũng ở trong làng Hoàng Trù) làm lớp học. Anh em cậu Cung vẫn được học với cha. Vốn chữ Hán của Sinh Cung đã khá. Vào lớp học, Sinh Cung vẫn thích nhất là giờ tập đối chữ; ai đối được câu hay thường được thầy khen và bạn bè tán thưởng. Có lần, trong tiết tập làm câu đối ứng khẩu, thầy ra vế đối: “Bạch thanh nhãn”, nghĩa là “Mắt trắng mắt xanh”. Một số bạn xướng lên câu đối của mình, nhưng chưa được thầy khen. Nhác thấy trong lớp có bạn vì mắt đau phải che mảnh vải đỏ lên mé đầu, Sinh Cung liền xin đối: “Hồng hắc đầu”, nghĩa là “Đầu đen đầu đỏ”. Thế là cả lớp được một mẻ cười thoải mái. Ông cử Sắc thấy con mình được cái nhanh ý, nhưng đôi lúc còn mải chơi, chưa thật chăm học.
Lúc nào bận việc, ông đồ Sắc lại nhờ thầy Vương Thúc Độ dạy thay. Đối với Sinh Cung, thầy Độ còn là chỗ bà con họ hàng về bên ngoại. Cậu gọi thầy Độ bằng “dượng” (chú). Khác với nhiều thầy đồ thời ấy, thầy Độ hầu như không bao giờ đánh học trò. Thầy thường tâm sự với đồng nghiệp: phải thương trẻ em như thương mình thì mới dạy chúng học tốt được.
Tuy học với thầy Vương Thúc Độ không nhiều nhưng Nguyễn Sinh Cung rất quý trọng và biết ơn thầy. Sách có chữ rằng, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Ông Sắc hài lòng và cảm ơn thầy Độ đã giúp dạy thay khá nhiều buổi để tạo điều kiện cho ông có thời giờ nghiền ngẫm văn chương. Đường cử nghiệp của ông hãy còn dang dở.
Kỳ thi hội khoa Tân Sửu (giữa năm 1901) đã đến. Cụ Nguyễn Thị Kép chẳng ngại tuổi già sức yếu, đã nhận trông nom các cháu để con rể trẩy kinh cho kịp thời gian thi cử.
Đối với Nguyễn Sinh Cung, làng Trùa chính là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cậu chào đời trong căn nhà lá đơn sơ, dưới rặng tre vườn, nơi có biết bao kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu:
Làng Trùa mến cảnh vui thay,
Trên chùa, dưới giếng đã hay địa hình.
Ve mùa Hè, nắng tràn và gió lộng, bạn bè thường rủ Sinh Cung chơi trò thả diều. Có lần, diều vừa bay lên đã quay tít rồi đâm đầu xuống ruộng. Sửa chữa vài ba lần, nó vẫn thế. Các bạn nản chí, bảo nhau phá đi làm cái khác; nhưng Sinh Cung kiên trì sửa mãi, cuối cùng, diều đã bay vút lên trời xanh cao giữa tiếng reo vui của đám trẻ làng Trùa.
Làng Trùa có nhiều ao, đầm, câu cá cũng là một thú vui mà Sinh Cung và các bạn đều thích. Một buổi trưa, bạn Thuyên và Sinh Cung đang câu cá; phao động, Thuyên giật mạnh cần, lưỡi câu ngoắc vào vành tai Sinh Cung làm chảy máu. Thuyên hốt hoảng kêu lên, nhưng Sinh Cung vẫn bình tĩnh hái mấy ngọn lá niệt vò nát rồi đắp vào chỗ đau. Để cho bạn yên tâm, Sinh Cung luôn miệng bảo: “Không can chi, không can chi! Cầm máu là khỏi thôi mà!”.
Hấp dẫn nhất đối với trẻ em vùng Chung Cự là chơi trò kéo co trên núi Chung. Các bạn nhỏ thích về cùng phe với Sinh Cung; không phải vì cậu khỏe kéo mà do nhanh ý, có mẹo nên thường thắng cuộc. Vả lại, có khi bị thua, cậu vẫn bình tĩnh, không văng tục, nổi khùng. Đối với các bạn ít tuổi hơn, cậu thường ân cần bày vẽ, không ỷ thế lớn tuổi mà bắt nạt.
Cụ Nguyễn Thị Kép rất mực thương yêu, chiều chuộng đứa cháu bé nhất trong nhà; chẳng mấy khi cụ quở mắng, nhưng cụ cũng không để cho cháu chơi lêu lổng. Ông Sắc đi Huế được ít lâu, cụ gửi cháu sang làng Hữu Biệt (nay thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) để tiếp tục học chữ Hán với thầy đồ Hoàng Phan Quỳnh. Lớp học đặt ở gian nhà ngoài của cụ Nguyễn Trọng Vỹ. Sinh Cung mới vào học mấy hôm đã được thầy giáo chú ý.
Thấy Sinh Cung vừa bằng tuổi con trai lớn của mình (tức Hoàng Phan Kính, còn gọi là cậu Trông) mà học khá, lễ độ, thầy đã xin cụ Kép cho cậu sang ở hẳn trong nhà thầy ăn học để làm gương cho con mình. Hai anh em Trông và Mọng (tức Hoàng Phan Soạn) tuy là con thầy giáo nhưng học lực hơi non. Sinh Cung học khá hơn, thường làm bài và học thuộc bài trước hai bạn.
Những lúc rảnh, Sinh Cung thường kể chuyện cho các bạn nghe. Trông và Mọng rất mê những chuyện lạ ở kinh đô Huế mà Sinh Cung kể mãi vẫn không hết. Không bao giờ Trông và Mọng quên người bạn dễ mến của hai cậu. Riêng Sinh Cung, mãi tới nửa thế kỷ sau, hình ảnh người thầy giáo đáng kính và hai bạn đồng lứa còn in mãi trong trí nhớ của cậu./.