Mãi xanh niềm hy vọng

01/12/2011 15:52

Đó là năm 2008, Phan Văn Kiên nhớ lại một mốc quan trọng trong cuộc đời anh cũng như nhiều người bạn cùng cảnh ngộ khác, khi mà các anh chị tìm đến với nhau trong một mái nhà chung để sẻ chia, nương tựa và góp sức cho cộng đồng trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ HIV. Cái tên “Sông Lam xanh” là kết quả  bao đêm suy nghĩ, trở trăn của con người đã một lần lỡ bước ấy…

(Baonghean) - Đó là năm 2008, Phan Văn Kiên nhớ lại một mốc quan trọng trong cuộc đời anh cũng như nhiều người bạn cùng cảnh ngộ khác, khi mà các anh chị tìm đến với nhau trong một mái nhà chung để sẻ chia, nương tựa và góp sức cho cộng đồng trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ HIV. Cái tên “Sông Lam xanh” là kết quả bao đêm suy nghĩ, trở trăn của con người đã một lần lỡ bước ấy…

Đặt tên nhóm tự lực của những người có H trên địa bàn T.P Vinh là “Sông Lam xanh”, Phan Văn Kiên và bè bạn mong muốn được thêm một lần gọi tên dòng sông quê hương, là dòng sông mãi mãi chảy trôi, xanh màu hy vọng, để nhắc nhở mỗi người hãy sống thiết tha với cuộc đời như thế. Khi cơn bão ma túy tràn qua những năm 1995, 1996, Phan Văn Kiên mới 19 tuổi, đã nghỉ học từ năm lớp 11, bị bạn bè rủ rê, anh “dính” ma túy. Khi được cộng đồng vận động đi cai nghiện, tại Trung tâm GDLĐXH 3, anh biết mình đã nhiễm HIV. Vật lộn để vượt qua cú sốc lớn, qua cả những cơn nghiền thuốc quả là một việc làm vô cùng khó khăn. Sau 2 năm cai nghiện tại trung tâm, anh đã đoạn tuyệt được với ma túy, nhưng khi trở về cùng cộng đồng, ban đầu anh không khỏi hoang mang, lo lắng mình sẽ tái nghiện. Nhưng rồi, cái ý chí phải sống một cuộc đời có ý nghĩa từ đây đã giúp anh chiến thắng mọi cám dỗ và nỗi buồn tủi.

Những năm đó, trên địa bàn thành phố, không ít người nhiễm H đã mang trong mình những nỗi tủi buồn như thế. Cái bản án tử thần treo trên đầu, cộng thêm sự kì thị, xa lánh, nhiều người đã chọn lối sống thu mình lầm lũi, hay bất cần tất cả. Trong bản thân những con người ấy, ngay cả những người tỏ ra mạnh mẽ nhất, cũng mang chứa một tâm hồn yếu đuối, cần những bàn tay chìa ra, nắm lấy tay mình trong sự thấu hiểu, sẻ chia. Và rồi, từ những nguyện ước, mong mỏi, 30 người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố đã có một ngày tụ họp tại Phòng Tư vấn của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, để ghi dấu sự ra đời của nhóm tự lực đầu tiên cho người nhiễm H trên địa bàn tỉnh vào năm 2008. Nhóm hoạt động với mục đích kêu gọi quyền và lợi ích hợp pháp cho người có H và bị ảnh hưởng bởi HIV, tăng cường sự tham gia hoạt động của người có H trong hoạt động xã hội có liên quan đến HIV/AIDS, nhận sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân dành cho người nhiễm H và người bị ảnh hưởng theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí…



Anh Phan Văn Kiên - Trưởng nhóm Tự lực Sông Lam xanh đang bán gạo cho khách hàng.

Sau hơn 3 năm hoạt động, từ 30 thành viên ban đầu, đến giờ nhóm tự lực đã có gần 50 thành viên. Được sự giúp đỡ, ủng hộ của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cùng nhiều tổ chức, đoàn thể, cộng với sự nỗ lực, hết mình của mỗi thành viên, “Sông Lam xanh” đã làm nên những dấu ấn riêng có, được cộng đồng ghi nhận. Không chỉ giúp mỗi thành viên có H và gia đình họ có thêm niềm vui sống, nhóm tự lực “Sông Lam xanh” thường xuyên có những buổi truyền thông phòng chống HIV và tệ nạn xã hội ở khối, xóm, tập huấn kiến thức phòng tránh lây nhiễm cho người có nguy cơ cao. Hàng trăm buổi truyền thông của nhóm đã đến với từng góc phố suốt 3 năm qua. Có người nhiễm H qua đời, nhóm đã phải chia nhau đến động viên gia đình, và lo toàn bộ việc đưa đám cho người đã khuất, vì bà con chòm xóm sợ không dám vào gánh vác. Không ít lần phải thấy, phải nghe những ánh nhìn kì thị, những lời nói đau lòng, nhưng rồi dần dà, niềm tin đã thắp sáng trong ánh mắt, những vòng tay gần lại niềm cảm thông. Nhóm định kỳ sinh hoạt hàng tháng vào ngày 24, khi thì ở “trụ sở”, khi thì ở nhà một thành viên, có khi là một địa điểm mà nhóm chọn đi picnic, hay ở một góc công viên… 50 thành viên ấy đã cùng nhau làm nên một đại gia đình, người ốm đau được thăm hỏi, sẻ chia công việc, người khó khăn được quyên góp, giúp đỡ. Cũng từ “mái ấm chung”, công việc chung vì cộng đồng, không ít người đã tìm thấy niềm hạnh phúc riêng ngỡ như không bao giờ có thể. Ấy là câu chuyện của chị Nguyễn Thị H, người phụ nữ mảnh mai qua bao nhiêu giông bão cuộc đời vẫn cháy sáng một nghị lực mãnh liệt. Nghị lực ấy đã khiến cho một người đàn ông không có H cảm phục và yêu thương. Họ đã đến với nhau trong niềm vui chung của tất cả mọi người ở nhóm tự lực. Hay như câu chuyện của chính trưởng nhóm Phan Văn Kiên, anh đã tìm thấy người bạn qua một lời giới thiệu và sau đó là những lần cùng làm công tác cộng đồng. Bạn gái anh, chị Nguyễn Thị G cũng là một người có H… Còn rất nhiều số phận, hoàn cảnh khác đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi mà tất cả tưởng như đã ở đáy vực thẳm. Như câu chuyện của Hồ Huyền T, một người đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, đang có một công việc ổn định cho đến khi phát hiện mình bị lây nhiễm H từ người chồng nghiện ngập và chết vì AIDS. Công việc dở dang, cuộc đời như đã khép cửa, bao nhiêu nước mắt cũng đã cạn khô trong những ngày tuyệt vọng không cùng ấy. Để một ngày, T ngồi kể lại chuyện đã qua, trên gương mặt đẹp đã ánh lên vẻ bình thản, tự tin và nói : “Mỗi người chỉ có một cuộc đời, và tự mỗi người phải định đoạt lấy nó, lựa chọn để sống sao cho ý nghĩa”. Giống như T, Phan Xuân M cũng đã tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, đã đi làm, và bị ma túy dẫn dụ đến cái kết HIV. Nhưng với anh, “những tiếc nuối không thể làm lại. Vậy nên hãy bắt đầu ngay từ bây giờ để không phải tiếc nuối thêm một lần nữa”.

Sau khi các dự án tài trợ cho người nhiễm H bị rút dần, nhóm tự lực của các anh chị đã khá khó khăn trong hoạt động. “Khó, nhưng chúng ta không vì thế mà nản lòng” , họ đã động viên nhau như thế. Những mái đầu chụm lại để bàn tính phương cách duy trì hoạt động, đồng thời tìm công việc cho các thành viên. Hợp tác xã Sông Lam Xanh đã ra đời, đánh dấu mô hình kinh doanh đầu tiên cho tập thể những người nhiễm H trên địa bàn tỉnh. Cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm với thương hiệu gạo xứ Nghệ tại địa chỉ 15 - Nguyễn Viết Xuân - T.P Vinh ra đời ngày 12/9 vừa qua có những câu khẩu hiệu rất lạ được sơn trên tường, khiến không ít người ngạc nhiên: “Sống trong đời cần một tấm lòng.”… “ Đã có nhiều người hỏi, và chúng tôi giải thích cặn kẽ về mình để mọi người cùng biết, cùng hiểu, cùng sẻ chia. Chúng tôi cũng muốn đây là một địa điểm tuyên truyền về phòng tránh căn bệnh thế kỉ và giảm sự kì thị ở cộng đồng”- Chủ nhiệm HTX Phan Văn Kiên cho biết.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng những xã viên của HTX đặc biệt này vẫn hy vọng sẽ có ngày, các anh, các chị có được những sản phẩm gạo xứ Nghệ được đóng gói với bao bì có in chữ: HTX Sông Lam Xanh. Và bài học giản dị từ chính mỗi thành viên đã mang đến cho chúng tôi, những người tìm đến để viết bài viết này chính là triết lý: Con người có thể mất mọi thứ, nhưng không nên đánh mất niềm hy vọng. Nó là tia sáng giúp con người đi qua những vũng lầy tăm tối.


Thùy Vinh

Mới nhất
x
Mãi xanh niềm hy vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO