Mặn hơn muối!

(Baonghean) - Bức ảnh không hút mắt người ta bằng sắc màu. Tác giả Hồ Các đã để cho những nhân vật, khung cảnh đồng muối ngày mưa hiện lên với cái vẻ giản dị nhất, chỉ có 2 màu: đen và trắng. Màu đen của những bóng người, bóng những kho muối, của chiếc xe cút kít, màu trắng của màn mưa xối xả, của những hạt muối đang nằm trên xe, nằm trên những ô ruộng đang tan cùng mưa.
Tôi vẫn biết, màu sắc ấy, không chỉ để diễn tả về sự giản dị, mà đen và trắng còn được dùng để nói về nỗi đau. Hẳn rằng, tác giả của bức ảnh “Chạy mưa trên đồng muối” (giải Khuyến khích Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc vàng”) cũng đã ngầm ẩn ý như vậy khi gửi đến chúng ta nỗi xót xa của chính lòng ông. 
Tác phẩm “Chạy mưa trên đồng muối” của Hồ Các.
Tác phẩm “Chạy mưa trên đồng muối” của Hồ Các.
Hồ Các kể lại rằng, bữa ông theo bạn bè đi sáng tác ở miệt biển Diễn Châu hôm ấy, trời tháng 6 nắng to lắm. Ai cũng hào hứng vì có được những bức ảnh đẹp về nghề cá, về biển. Cả đoàn quay về đồng muối Diễn Kim, nơi ấy bà con đang tất bật trong cái nắng cháy. Với người làm muối, nắng càng to, thì càng “được” muối. Cả trưa và chiều, bà con ra đồng hết. Nhưng, bất ngờ, cơn mưa rào ập xuống, nhanh đến mức, xối xả đến mức tất cả không kịp trở tay. Cả một cánh đồng bỗng chốc ngập tràn sự hoảng hốt. Người xúc, người đẩy xe, người che muối… Chẳng có ai kịp mang cho mình một tấm áo tơi. Mà có bao giờ đâu, diêm dân ra đến đồng muối còn nghĩ về mình nữa. Lúc ấy, mọi tâm trí họ dành cho muối. 
Bằng tất cả xúc động, bằng tất cả cảm thương, Hồ Các đã chọn cho mình một góc chụp dưới mưa. Với “thợ ảnh” thì mưa cũng đáng sợ không kém, nếu chẳng may nó làm ướt máy và ống kính. Nhưng, Hồ Các khi ấy đã nâng máy của mình lên như một sự sẻ chia, mong mỏi ghi lại chân thực nhất nỗi vất vả đến cùng cực của bà con diêm dân. Trên cái nền là màn mưa giăng trắng, xa xa là bóng những kho muối đơn sơ được xây bằng gạch hay làm thành lán với mái rạ chơ vơ giữa cánh đồng là bóng của 4 người đang tất bật, hối hả “cứu muối” trên những ô ruộng. Bức ảnh gần như đã diễn tả hết được hoạt động của diêm dân trên cánh đồng hôm đó. Nó ám ảnh trong lòng người xem ở những tấm lưng cong hình dấu hỏi, ở những đôi tay như gồng lên, những bước chân vội vã, ở chiếc nón lá trên đầu người phụ nữ mải miết xúc muối bị mưa đánh bạt đi. Và dường như ta đang thấy mồ hôi, nước mắt của diêm dân đang nhỏ xuống ruộng muối, thấm vào trong muối, mặn hơn cả muối.
Ai sinh ra ở miệt biển, lớn lên với sóng, với gió và cái nắng nung người trên những ô ruộng muối, chắc hẳn sẽ mang cảm giác ấy. Như thể đang nhìn thấy nó, nỗi đau, sự vất vả đang chảy xuống trên những gương mặt nhạt nhòa kia, hòa lẫn trong mưa…
Tôi cũng vậy, đã ngắm rất lâu, rất kỹ bức ảnh đen trắng giản dị của Hồ Các. Tôi nhớ về vùng quê biển của mình. Tôi nhớ về những ô ruộng muối trắng lóa lên trong nắng chói và tiếng rao “muối đơi” mỗi tinh sương. Tôi nhớ về câu chuyện một ông vua khi muốn truyền ngôi cho 3 cô con gái đã hỏi con mình “Tình yêu của các con dành cho cha được so sánh với thứ gì?”. Hai cô con gái đầu đã so tình yêu ấy với biển, với trời, với châu báu, chỉ có nàng út trả lời “con yêu cha như yêu hạt muối”. Vị vua đã đuổi cô con gái ấy ra khỏi vương quốc của mình, cho đến một ngày ông nhận ra, muối gắn bó máu thịt, không thể thiếu trong cuộc sống của con người… Tôi nhớ đến câu ca người ta nhắn gửi nhau “gừng cay muối mặn”. Ai đã cất lên câu ca ấy, hẳn cũng đã biết được hạt muối trắng tinh khôi kia, không chỉ kết tinh từ nước biển, nắng trời mà chan chứa trong đó bao nhọc nhằn của người dân quê biển. Và, những tấm lưng người dân biển, mãi ngàn đời miệt mài trên ruộng muối, mãi vẫn cong như dấu hỏi: Trời hôm nay được nắng, hay mưa?
Thùy Vinh

tin mới

Báo chí dữ liệu

Báo Nghệ An: Bước chuyển từ báo in truyền thống đến báo chí dữ liệu

(Baonghean.vn) - Ngày 15/3 tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ chương trình Hội Báo toàn quốc 2024, Diễn đàn Báo chí được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đóng góp vào diễn đàn, Báo Nghệ An đã có video trình chiếu với nội dung "Báo Nghệ An: Bước chuyển từ báo in truyền thống đến báo chí dữ liệu".