Mang danh kiểm lâm nhưng không có quyền xử phạt

06/01/2012 18:17

Kiểm lâm viên, hạt trưởng hạt kiểm lâm rừng đặc dụng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (*). Ấy vậy mà vẫn có những người mang danh kiểm lâm nhưng không có thẩm quyền xử phạt. Đó là việc xảy ra tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hiện đang được giao quản lý 116.824ha rừng đặc dụng. Việc khai thác gỗ trái phép ở vùng đệm, việc săn, bẫy bắt các loài động vật hoang dã diễn ra khá phổ biến, phức tạp.

Theo quy định tại điều 79 Luật bảo vệ và phát triển rừng, nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16-10-2006 về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm: Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước có chức năng bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm, trong đó có kiểm lâm rừng đặc dụng, là công chức, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Hạt trưởng hạt kiểm lâm rừng đặc dụng có quyền khởi tố, điều tra hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

Pháp luật quy định là vậy, thế nhưng hiện nay hạt kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có 125 viên chức sự nghiệp được “khoác áo” kiểm lâm viên mà không có một công chức hành chính nào. Nguyên nhân là khi mới thành lập, do không có biên chế công chức hành chính nên UBND tỉnh Quảng Bình phải tạm giao biên chế viên chức (thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh) cho Hạt kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng để bảo vệ rừng. Từ đó đến nay, hằng năm biên chế công chức hành chính được Bộ Nội vụ giao cho tỉnh Quảng Bình nhỏ giọt, mỗi năm vài biên chế. Ngay cả Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn còn thiếu 124 biên chế so với định mức.

Theo quy định của Luật cán bộ, công chức, nay đã tách Luật viên chức riêng và các văn bản pháp luật khác thì viên chức không có chức năng thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng (có hiệu lực ngày 1-3-2011) tiếp tục quy định “định biên tối đa 500ha rừng đặc dụng có một công chức kiểm lâm”. Như vậy với việc quản lý 116.824ha rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng phải được giao 233 công chức kiểm lâm. Định biên này pháp luật đã quy định rõ, các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện chứ không phải ban phát bằng cơ chế xin cho.
Để bảo vệ được hệ thống rừng đặc dụng tại khu bảo tồn đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, Bộ Nội vụ cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật để tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế công chức kiểm lâm theo định mức cho tỉnh Quảng Bình để giao cho Ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Xử phạt theo quy trình riêng

Ông Phan Hồng Thái, hạt trưởng Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết từ trước đến nay kiểm lâm vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn xử phạt hành chính các vụ vi phạm về rừng và lâm sản xảy ra trên địa bàn theo quy trình: kiểm lâm viên, các trạm, các tổ tuần tra khi phát hiện người vi phạm thì bắt giữ và lập biên bản, sau đó chuyển biên bản lên hạt. Hạt trưởng căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử phạt, chứ kiểm lâm viên không có thẩm quyền xử phạt trực tiếp vì là viên chức. Trong 10 năm qua vườn quốc gia xử phạt 345 lần, riêng năm 2011 là 14 lần.

HĐND tỉnh đã thông qua chỉ tiêu tăng thêm 115 biên chế kiểm lâm cho vườn quốc gia kể từ năm 2012. Nếu có thêm số lượng kiểm lâm như vậy, công tác giữ rừng sẽ tốt hơn.


Theo Tuổi trẻ

Mới nhất
x
Mang danh kiểm lâm nhưng không có quyền xử phạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO