Mất nhiều hơn được
(Baonghean) - Đó là nhận định chung của các chuyên gia, học giả quốc tế khi bình luận về động thái của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Báo chí quốc tế tiếp tục đăng nhiều bài viết phản đối hành động sai trái của Trung Quốc.
Theo Tiến sỹ Tomotaka Shoji, Trưởng phòng Nghiên cứu Á – Phi, Ban Nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, với các hành động gây hấn của mình, "Trung Quốc đang đánh mất quan hệ với Việt Nam". Tiến sỹ Tomotaka Shoji phân tích: "Trung Quốc là đối tác quan trọng đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực nên Việt Nam đã rất nỗ lực trong khoảng thời gian rất dài để ổn định mối quan hệ này. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam sẽ khiến Việt Nam phải xem xét toàn cục trước khi thực hiện bất cứ hành động nào". Cũng theo Tiến sỹ Tomotaka Shoji, dù Trung Quốc có thể tăng cường thêm ảnh hưởng và sự khống chế trên thực địa, tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ có cái mất. Trong đó, cái mất lớn nhất chính là quan hệ với Việt Nam và hơn nữa là quan hệ với ASEAN".
Tiến sỹ Tomotaka Shoji. |
Trả lời báo chí, Tiến sỹ Jonathan London, giáo sư người Mỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của ĐH Hồng Kông, cho rằng: "Phải để thế giới thấy rõ rằng Việt Nam xứng đáng nhận được sự ủng hộ". Theo Tiến sỹ Jonathan, "có một sự thống nhất chung trên bình diện quốc tế là Bắc Kinh triển khai giàn khoan chủ yếu mang tính chính trị". Hành động của Trung Quốc phục vụ ít nhất 3 mục đích khác biệt nhưng có liên quan với nhau. Đó là thay đổi hiện trạng bằng cách khai thác tài nguyên ở những khu vực tranh chấp trái với quy tắc quốc tế, thăm dò phản ứng của các quốc gia khác, trong đó chủ yếu là Việt Nam và Mỹ, và tham gia chính sách ngoại giao cưỡng ép. "Việc Trung Quốc mở rộng quân sự và tuyên bố chủ quyền vô lý bên ngoài nước nhằm khơi ngòi một cuộc chạy đua vũ trang khu vực".
Không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ song phương, việc Trung Quốc ngang nhiên đem giàn khoan vào vùng biển Việt Nam còn là hành động bội tín với cả khối ASEAN, đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã đặt bút ký với các nước ASEAN từ năm 2002. Ông Gregory Poling, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, khẳng định: Với mỗi bước đi như thế này, Trung Quốc đã phá hủy thiện chí mà họ xây dựng tại Đông Nam Á, đẩy các quốc gia láng giềng gần gũi nhất ngày một rời xa, tự tạo nên hình ảnh của một kẻ phá đám trong hệ thống quốc tế, hoàn toàn không thể trở thành một cường quốc đang nổi có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Các nước sẽ mất lòng tin vào cam kết của Trung Quốc đối với các hiệp định khác.
Giáo sư, Tiến sỹ Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc, liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cho rằng: "Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được". Thông qua hành động lần này, Trung Quốc cho thấy không có ý định từ bỏ quyền lợi ở khu vực này, song dù có lắp đặt thành công giàn khoan, Trung Quốc cũng không được cộng đồng quốc tế công nhận khu vực đó là chủ quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang mong muốn vai trò lãnh đạo của mình gia tăng trong khu vực theo mô hình kiểu G2, song căn cứ vào sự phản kháng mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng khó có thể tiến hành khai thác dầu trên thực tế tại khu vực này.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang mâu thuẫn, tranh chấp sâu sắc với Nhật Bản và Philippines xung quanh vấn đề chủ quyền lãnh thổ, hành vi đơn phương của Trung Quốc không chỉ khiến Việt Nam mà còn khiến các quốc gia trong khu vực Đông Á, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á, thêm hoài nghi việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh kinh tế và quốc phòng. Điều này không có lợi cho Trung Quốc dù nước này tuyên bố nhiều lần "mong muốn trỗi dậy hòa bình".
Tờ LeMonde của Pháp số ra ngày 19/5 cũng có bài viết và bình luận tố cáo thái độ hiếu chiến của Trung Quốc trong vụ đưa giàn khoan dầu khổng lồ tới khu vực Biển Đông của Việt Nam. Bài viết của phóng viên Bruno Philippe thường trú tại Đông Nam Á đã gọi những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là “mưu đồ bá chủ”. Theo ông Bruno Philippe, lúc này thật khó có thể tin tưởng Trung Quốc. Bài báo nhắc lại dẫn chứng hồi tháng 4 khi một công ty dầu khí của Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan dầu tại khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có bất kỳ sự tham vấn hay đồng ý nào của Chính phủ Việt Nam. Trong khi chỉ 6 tháng trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố hai nước sẽ tìm kiếm các biện pháp trên cơ sở sự thống nhất trong các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí.
Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam, một tờ báo hàng đầu ở Hồng Kông, Trung Quốc mới đây đã đăng tải bài viết có nhan đề “Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông”, chỉ trích kịch liệt cách hành xử “hung hăng, ngạo mạn và chủ nghĩa nước lớn” của Trung Quốc. Theo tác giả bài viết, phóng viên, nhà phân tích kỳ cựu Philip Bowring, người đã có 39 năm sống ở châu Á, “sự mặc cảm tự tôn và cách hiểu lịch sử Đông Nam Á một cách có lựa chọn của Trung Quốc đã trở thành thứ rượu độc đốt nóng lên tình hình căng thẳng ở Biển Đông”. Ông cũng cho rằng, cách hành xử hiện nay của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông là "hung hăng, ngạo mạn, mang tư tưởng chủ nghĩa sô-vanh nước lớn và chủ nghĩa vị chủng".
Trong khi đó, mạng tin “Đa chiều” của Hồng Kông nhận định, Chính phủ Trung Quốc cần phải thay đổi quan niệm, chấp nhận tầm quan trọng của việc cố gắng duy trì hiện trạng, đồng thời học hỏi tinh thần của luật pháp quốc tế, nhận thức chính xác lại các vấn đề do lịch sử để lại.
H.Điệp (tổng hợp)