Màu xanh Tân Sơn
(Baonghean) - Là 1 trong 9 xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Quỳnh Lưu, xã Tân Sơn đang phát huy nội lực mạnh mẽ từ thực hiện những chủ trương, chính sách đúng. Về Tân Sơn, thấy được sự chuyển biến lớn từ một màu xanh ngút đồng ruộng, những chuyến xe ô tô nườm nượp chở hàng nông sản đi tiêu thụ khắp nơi.
Từ ngã ba Tuần (QL48), con đường trải nhựa phẳng lỳ chừng 5km dẫn vào xã Tân Sơn là cánh đồng lớn phủ một màu xanh của đủ loại rau quả như bắp cải, dưa chuột, đậu cô ve, cà xanh… xen những thửa ruộng vừa được gieo cấy. Bà con nông dân đang tiến hành chăm bón và thu hoạch các loại rau quả. Không khí sản xuất đầu năm mới thật hào hứng.
Tân Sơn được biết đến là một địa phương có nội lực và vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của huyện Quỳnh Lưu. Đây là một “vựa” rau, quả lớn của huyện, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn rau, quả các loại. Ông Hồ Cảnh Nam, xóm trưởng xóm 6, một trong những người trồng rau sớm của xã cho biết: Từ năm 1964, theo chủ trương của Nhà nước, người dân các xã đồng bằng và ven biển di cư lên đây để phát triển kinh tế. Trong đó, có một bộ phận người dân xã Quỳnh Lương, nơi có truyền thống trồng rau của huyện Quỳnh Lưu. Khi lên đây, bà con đem theo nghề trồng rau và từ đó, cây rau màu bắt đầu phát triển mạnh trên đồng ruộng Tân Sơn. Mỗi năm, toàn xã có khoảng 372 ha rau màu, 211 ha ngô và gần 100 ha lạc, các cây trồng khác là 192 ha. Nếu so sánh với các xã đồng bằng thì diện tích và sản lượng rau của Tân Sơn cung cấp ra thị trường hàng năm không thua kém.
Nông dân xóm 2 xã Tân Sơn thu hoạch dưa chuột vụ xuân 2013.
Cây rau màu đang góp phần quan trọng làm cuộc sống của người dân Tân Sơn thay da đổi thịt từng ngày. Gia đình chị Hoàng Thị Toàn, xóm 6 hiện đang trồng hơn 2 sào dưa chuột và 1 sào đậu cô ve. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập từ 70-100 triệu đồng. Chị cho biết: Gia đình bắt đầu trồng rau màu được hơn 15 năm nay, nhờ đó điều kiện kinh tế ngày càng khấm khá, nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Hôm chúng tôi đến, chị Toàn đang bán hơn 60kg dưa cho thương lái (mỗi năm gia đình chị thu về 20 triệu đồng từ dưa chuột). Hiện nay, bình quân giá trị thu nhập trên đất canh tác ở Tân Sơn là 68 triệu đồng/ha/năm. Diện tích có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm là 130ha, nhờ đó thu nhập của người dân Tân Sơn không ngừng được tăng lên. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của Tân Sơn là 10,94 triệu đồng nhưng bước sang năm 2012, con số này đã tăng lên 15,9 triệu đồng.
Sản xuất nông nghiệp phát triển kéo theo ngành nghề dịch vụ phát triển. Trước nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản, nhiều người dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua sắm ô tô phục vụ khâu thu gom và tiêu thụ. Hiện cả xã có khoảng 50 chiếc ô tô chuyên chở hàng hóa của người dân đi tiêu thụ khắp các địa phương trong tỉnh. Chị Phan Thị Mơ, một người chuyên đi thu mua rau cho biết: Rau, quả của bà con làm đến đâu được tiêu thụ đến đó. Mỗi ngày, tôi thu gom và vận chuyển lên các chợ trung thâm thị trấn gần 1 tấn hàng.
Sự cần cù, chịu khó của người dân Tân Sơn đã mở ra một hướng đi trong phát triển kinh tế cho họ. Nhưng để có những thành quả như hôm nay, không thể không nhắc đến sự linh hoạt trong việc chỉ đạo, định hướng phát triển của Đảng ủy, chính quyền xã Tân Sơn. Năm 2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định 1 trong 3 chương trình lớn là “Xây dựng cánh đồng thu nhập cao”. Đây là bước đi nhằm tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích của các cấp, các ngành đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của xã. Hơn nữa, nó vừa hình thành quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau hơn 2 năm triển khai, xã đã tiến hành khảo sát và quy hoạch thành 5 vùng sản xuất chính gồm vùng sản xuất lúa (302 ha), vùng luân canh 2 vụ lúa và 1 vụ màu/năm (80ha), vùng luân canh 2 vụ màu và 1 vụ lúa/năm (60 ha), vùng chuyên canh rau màu (25 ha), vùng trồng cây công nghiệp (200 ha). Trong đó, có 2 vùng cánh đồng thu nhập cao với diện tích 200 ha.
Bài, ảnh: Phạm Bằng