Kinh tế

'Màu Xuân' trên 'vùng lũ quét' ở Kỳ Sơn

Hoài Thu 08/02/2025 08:11

Xuân mới, khắp các nẻo núi rừng miền Tây xứ Nghệ đã thấm lạnh bởi những màn sương. Đặc biệt, ở những bản làng đã từng trải qua những cơn lũ quét kinh hoàng, nay đã hồi sinh cùng nhịp mùa Xuân tươi xanh nhựa sống nhờ những mô hình hay, cách làm hiệu quả…

Hồi sinh no ấm

Đứng ở ngã ba khe Huồi Giảng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn - tâm điểm cơn lũ năm xưa, nay những ngóc ngách của đất đá đã tươi xanh màu hoa lá, rau quả. Khu sản xuất của gia đình ông La Tuấn Ba nằm ngay bên dòng khe Huồi Giảng. “Trước khi xảy ra lũ dữ, nơi đây chưa có những tấm biển như thế này”, vừa mở cửa để vào thăm gia trại, Bí thư Chi bộ bản Hòa Sơn Mạc Văn Kỳ vừa giới thiệu tấm biển treo ngay ngắn “Mô hình rau sạch: Hộ gia đình ông La Tuấn Ba”.

Bí thư Chi bộ bản Hoà Sơn thăm mô hình kinh tế của ông La Tuấn Ba
Bí thư Chi bộ bản Hòa Sơn thăm mô hình kinh tế của ông La Tuấn Ba. Ảnh: Hoài Thu

Nói rồi, anh Mạc Văn Kỳ chỉ tay về phía cuối con đường bê tông mới được làm hồi đầu năm 2024 cho biết thêm: “Dọc từ đây đến cuối đường, sang tận mép khe còn nhiều mô hình thế này”.

Vui vẻ đón chúng tôi, ông La Tuấn Ba - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ đã nghỉ hưu, chủ mô hình trồng rau sạch cho hay: Mía là cây trồng lần đầu tiên tôi thử nghiệm. Trồng đến đâu bán hết đến đó. Mùa nắng nóng thì không đủ để bán.

Cơ ngơi gia trại của ông La Tuấn Ba cũng như hàng chục hộ gia đình khác có được như ngày nay, chính là nhờ những tháng ngày bền bỉ cải tạo lại vùng đất hoang tàn sau cơn lũ quét kinh hoàng tháng 10/2022.

Nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệud odonfg mỗi năm từu trồng rau sạch
Nhiều hộ gia đình ở xã Tà Cạ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng rau sạch. Ảnh: Hoài Thu

Ông Ba tiếp lời: “Toàn bộ khu gia trại của tôi lúc đó bị lũ vùi lấp hầu như không còn gì”. Chỉ tay về ao cá trước mặt, ông Ba nói tiếp, đất đá trên núi lúc đó không chỉ nhấn chìm ruộng lúa, ruộng rau, mà ao cá cũng biến thành bãi đất đá. Phải gần một năm sau lũ quét thì người dân bản Hòa Sơn mới có thể trở lại sản xuất. Thêm một năm nữa, màu xanh cây trái mới tươi tốt được như hôm nay.

Cơ ngơi của ông La Tuấn Ba nay đã khôi phục trở lại với ruộng mía cho thu nhập trên 15 triệu đồng mỗi năm. Thêm vào đó là đàn lợn đen thường xuyên duy trì 8 - 10 con, đàn bò 15 con và còn có ruộng lúa, rau màu, mùa nào thức nấy... Chỉ sau 2 năm bị lũ dữ tàn phá, những người dân sống giữa vùng thiên tai như ông Ba để có được cơ ngơi cho thu nhập từ 50 đến trên 100 triệu đồng mỗi năm là cả một sự diệu kỳ, minh chứng cho sự hồi sinh. Trong sự diệu kỳ hồi sinh ấy không chỉ có sự vươn lên bền bỉ của người dân, mà còn có sự hỗ trợ quan tâm đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương...

Người dân bản Hoà Sơn dùng máy móc phục vụ xản xuất nông nghiệp Ảnh Hoàii Thu
Người dân bản Hòa Sơn dùng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoài Thu

Rời gia trại ông Ba, đi bộ men theo con đường bê tông còn mới, rẽ qua khu ruộng bậc thang với đủ loại rau vụ đông đã xanh tốt, để đến khu sản xuất của gia đình chị Vi Thị Việt. Chị Việt đang bon bon điều khiển máy cày mini chuẩn bị trồng vụ rau cải thứ 3 của năm nay. “Sau khi khôi phục lại ruộng bị lũ vùi lấp, được Nhà nước hỗ trợ máy cày thay cho việc phải dùng cuốc, cào làm đất; nên năng suất tăng hơn nhiều, lại tiết kiệm được thời gian, công sức. Vụ này tôi chuẩn bị trồng các loại rau cải, rau xà lách, đậu, dưa chuột và thử nghiệm trồng ngô ngọt. Mùa nào thức nấy cũng đủ để lo cho cuộc sống, con cái học hành” – chị Vi Thị Việt vui vẻ cho hay.

Cũng như chị Việt, nhiều hộ gia đình ở tâm lũ Hòa Sơn năm nào được Nhà nước hỗ trợ công cụ, máy móc, hỗ trợ kinh phí lắp đặt đường ống dẫn nước, làm bờ rào bảo vệ ruộng vườn, chuồng trại, hỗ trợ con giống để phát triển các mô hình kinh tế, hồi phục sản xuất sau thiên tai. Ông Vi Văn Mằn – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết, nhờ những hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ dân 2 bản bị ảnh hưởng lũ quét, cùng với sự nỗ lực của bà con, sản xuất nông nghiệp được phục hồi nhanh chóng. Năm 2023, có 7 hộ được hỗ trợ máy phay đất mini, nhiều hộ được nhận con giống, cây giống.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, nguồn hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu Quốc gia cho người dân xã Tà Cạ các năm từ 2022 đến 2024 dự kiến hơn 1,3 tỷ đồng, tập trung cung cấp giống bò và lợn đen địa phương sẽ tiếp thêm nguồn lực để người dân vươn lên khắc phục những thiệt thòi do thiên tai, sớm tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống.

Dự kiến năm 2024 xã Tà Cạ được hỗ trợ con giống từ các chương trình MTQG hơn 1,3 tỷ đồng
Dự kiến từ năm 2022 đến 2024 xã Tà Cạ được hỗ trợ con giống từ các chương trình MTQG hơn 1,3 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Thu

Xây dựng đời sống văn hoá

Sau những giờ lao động trên nương, những người nông dân vùng tâm lũ năm nào ở Tà Cạ lại tụ họp nhau tại nhà văn hóa để luyện tập các tiết mục dân ca, dân vũ. Cùng với đà đi lên của tinh thần nỗ lực hồi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đồng bào các dân tộc ở xã Tà Cạ cũng lạc quan xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Minh chứng cho điều đó, đầu năm 2024, Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ xã Tà Cạ ra đời với hơn 20 thành viên. Những “cây văn nghệ” của câu lạc bộ chủ yếu là các chị em Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã “ban ngày cầm cuốc cầm cày, đêm đêm lại sum vầy ca hát. Cùng nhau vui văn nghệ, tập đàn, tập múa hát khiến bao mệt nhọc mưu sinh được xua tan, để ngày mai lại phấn chấn lên nương lên rẫy” như lời chị Vi Thị Mằn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ bộc bạch.

Trong những thành viên tham gia tập luyện, chúng tôi đặc biệt chú ý đến cô gái nhỏ nhắn với gương mặt xinh xắn luôn đứng ở vị trí “làm mẫu” trong các điệu múa, đặc biệt là điệu lăm vông ca ngợi tình đoàn kết Việt - Lào.

1(2).jpg
Câu lạc bộ Dân ca, dân vũ xã Tà Cạ múa hát mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ. Ảnh: Hoài Thu

Anh Vi Văn Cường – cán bộ Văn hóa xã Tà Cạ giới thiệu, đó là chị Su Ny, người con gái đến từ đất nước Triệu Voi, làm con dâu của bản Hòa Sơn. Bà con vẫn quen gọi Su Ny là Y Pùng, vợ của Y Hoàng (Vi Văn Hoàng) có nhà ngay trung tâm bản.

Su Ny vừa có vẻ đẹp mặn mà, duyên dáng của cô gái Lào, vừa vui vẻ nhanh nhẹn của người con gái Việt cần cù, chịu khó và luôn lạc quan, yêu đời. Về làm dâu ở bản Hòa Sơn, Su Ny cũng như bao chị em ở bản, chăm chỉ lao động, vượt qua gian khó và vẫn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào mùa Xuân tươi đẹp, cố gắng lao động, chăm lo gia đình và nhiệt tình tham gia các phong trào đoàn thể, gìn giữ bản sắc văn hoá của bản làng.

Cô dâu Su Ny (giữa) tham gia luyện tập cùng chị em CLB Dân ca dân vũ của quê hương Việt Nam
Cô dâu Su Ny (giữa) tham gia luyện tập cùng chị em CLB Dân ca, dân vũ của quê hương Việt Nam. Ảnh: Hoài Thu

Chúng tôi đã nhiều lần tác nghiệp ở những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Mỗi lần trở lại đều có những đổi thay. Dù ở tâm lũ Hòa Sơn, xã Tà Cạ năm nào, dù ở tâm lũ Lượng Minh (huyện vùng cao Tương Dương) vừa mới diễn ra đầu tháng 10/2024, đều có những điểm chung, ấy là sự chung tay của cộng đồng, sự hỗ trợ của các cấp ủy chính quyền và sự lạc quan nỗ lực vươn lên của chính đồng bào. Những điều đó đã giúp chính quyền, người dân có thêm động lực để vượt qua khó khăn, dần xoá mờ những vết tích tàn phá của lũ dữ năm nào.

Mới nhất

x
'Màu Xuân' trên 'vùng lũ quét' ở Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO