Mấy khúc sông Con...

26/07/2013 11:10

Dòng sông nào trên đất Việt mà không chở nặng phù sa. Thiên năng trĩu nặng ấy lại hóa thăng trầm trong nhịp “tháng ba tháng bảy” đôi bờ sông quê. Chúng tôi đã đến những trùng sóng đầu tiên của dòng sông Con vào một chiều hạ nắng vắng mưa nguồn, mà xuôi dòng ý nghĩ cảm cái trăn trở về một đời sông trên vùng đất Tân Kỳ…

(Baonghean) - Dòng sông nào trên đất Việt mà không chở nặng phù sa. Thiên năng trĩu nặng ấy lại hóa thăng trầm trong nhịp “tháng ba tháng bảy” đôi bờ sông quê. Chúng tôi đã đến những trùng sóng đầu tiên của dòng sông Con vào một chiều hạ nắng vắng mưa nguồn, mà xuôi dòng ý nghĩ cảm cái trăn trở về một đời sông trên vùng đất Tân Kỳ…

Xin được dẫn lại những dòng cảm xúc của ai đó: Sông Con chảy qua đất Tân Kỳ là một con sông rất lạ. Ở đất Nghĩa Đàn sông mang tên Hiếu, đến Tân Kỳ thành sông Con. Qua hết huyện Tân Kỳ, sông Con bỗng chảy ngoặt lên hướng Tây như lưu luyến không muốn từ giã đại ngàn, mãi mới chịu đổ vào sông Lam ở ngã ba Cây Chanh đất huyện Anh Sơn. Sông Lam là sông Mẹ, sông Cả, nên mới có Con có Hiếu! Tên sông đó phải chăng là ý nguyện con người? Đất Tân Kỳ sông Con là miền đất mới, đang tươi tốt sầm uất từng ngày....

Chúng tôi đã đến, khỏa chân xuống những trùng sóng đầu tiên của sông Con vào một chiều hạ nắng vắng mưa nguồn, mà xuôi dòng ý nghĩ cảm cái trăn trở về một “đời sông” thao thiết gần 40 cây số qua vùng đất “quê của muôn quê” Tân Kỳ… Đây, một vùng sóng nước mênh mang Vực Rạo thuộc xã Nghĩa Đồng như một thoáng nghỉ ngơi sau bao thác ghềnh sông Hiếu phía thượng nguồn. Mép khúc quanh sau bóng cây đa cổ thụ, là tiếng trẻ mục đồng ríu ran vùng vẫy bên đàn trâu béo mẫm đằm sông.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đồng Trần Văn Trung hào hứng nói: “Đối với đất Nghĩa Đồng thì cái lợi của sông Con mang lại rất rõ. Ngoài phù sa bãi bồi màu mỡ phát triển các loại cây trồng cho thu nhập tốt như ngô, dâu tằm, mía… thì sông còn là nguồn nước tưới cho 35 ha lúa nước của xã, là điều kiện để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi; năm 2013 xã phấn đấu ước đạt tổng giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp là 71.280 triệu đồng, ấy là nhờ dựa mạnh vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng chuyên canh hàng hóa trên đồng đất bãi màu. Mà, không có sông Con thì đâu làm được thế ”. Cái ghi nhận nữa ở Nghĩa Đồng, là địa phương đã thành công trong việc trồng cây chống xói lở. Đó là tre xanh “như lũy như thành” ngót hàng chục cây số búng ra bờ sông Con mấy thập niên nay, bồi thêm về cho Nghĩa Đồng hàng trăm héc-ta bãi màu cho ngút ngát lên vành đai keo nguyên liệu, cho xanh mướt bãi dâu đồng lúa, cho hiền hòa thôn mạc bớt nỗi lo mùa nước lũ…



Bãi bờ sông Con là điều kiện quan trọng để phát triển đàn đại gia súc
ở xã Nghĩa Đồng.

Từ Nghĩa Đồng, sông Con chảy suốt qua 16 xã tả - hữu ngạn của huyện Tân Kỳ trước khi qua địa phận Anh Sơn để nhập vào sông Lam. Kể ra thì từng bao đời sông Con lở bồi đôi bờ vẫn thuần hậu thế, nếu như không có cái hệ lụy cạn kiệt rừng đầu nguồn và nạn khai thác cát, sỏi trái phép khiến cho sông trở nên dữ dằn, biến dạng. Chúng tôi nhớ mãi cái vẻ bần thần của Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ Nguyễn Bá Thức khi ông nói rằng, nước sông Con tiếp nguồn sông Hiếu còn chở nặng bao nước nguồn suối khe trên đất Tân Kỳ mà ở những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, hàng nghìn người dân từ đồng bằng Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn lên đây lập nghiệp đã sớm yêu cái miên man xanh của núi rừng bên xanh trong những khe, suối ấy.

Bây giờ thì, có biết bao con suối như thế đã cạn dòng khiến sông này như thiếu đi nỗi niềm của đất này (!)… Ông Thức cũng cho biết thêm, khoáng sản cát, sỏi khúc sông Con không hiểu sao có chất lượng vượt trội hơn khúc sông Hiếu hay cả sông Lam, rất được thị trường xây dựng tỉnh nhà ưa chuộng, thế nên đã từng một thời gian dài sông Con đứng trước nguy cơ “bức tử” của nạn khai thác cát, sỏi tràn lan mà cho đến năm 2012 còn những 18 điểm mỏ khai thác, 15 bến tập kết và hơn 30 thuyền hút cát, sỏi trái phép… Thật may, đến đầu năm 2013 này, huyện Tân Kỳ đã siết chặt lại kỷ cương quản lý nhà nước trong khai thác cát, sỏi, xử lý hàng loạt đối tượng, thu giữ hàng chục phượng tiện hoạt động khai thác trái phép, phần nào trả lại sự bình yên cho dòng sông Con. Có lẽ ở Nghệ An, chưa có địa phương nào làm quyết liệt và hiệu quả như Tân Kỳ về việc này? Nhưng, còn đó nguy cơ sạt lở đất đôi bờ khi mùa mưa lũ về…

Xã Nghĩa Hợp giáp ranh xã Nghĩa Đồng bên bờ sông Con. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Chủ tịch UBND xã, trăn trở: Xã có 300 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 100 ha đất 2 vụ lúa. Trong số diện tích đất canh tác lúa, có 30 ha nhờ nguồn nước tưới từ sông Con, bằng Trạm bơm Đồng Khế. Trạm bơm Cây Khế xây dựng từ năm 1996; đến năm 2005, trong một đợt lũ lớn, đất đá bồi lấp lòng sông Con, sông đột ngột đổi dòng, xoáy cắt đứt một dải đất màu màu mỡ phía xã Nghĩa Thái và từ đó mỗi khi xã Nghĩa Hợp muốn vận hành Trạm bơm Đồng Khế sức máy, sức người múc cát, sỏi để khơi thông dòng chảy vào trạm bơm tốn 5-6 chục triệu đồng/năm.

Cũng từ cái hệ lụy đó, Dự án Thủy lợi Bản Mồng cho xã Nghĩa Hợp hưởng lợi một công trình trạm bơm nhằm thay thế Trạm bơm Đồng Khế hiện nay cạnh cầu Sen thuộc xã Nghĩa Đồng, xây tốn hàng chục tỷ đồng. Lũ về bất thường trên sông Con còn gây thiệt hại nặng nề cho hoa màu; các năm 2010-2011, Tân Kỳ từng mất hàng nghìn héc- ta ngô do lũ về sớm, thiệt hại những 25-30 tỷ đồng mỗi năm. Riêng với với xã Nghĩa Hợp, từ khi sông Con thay đổi dòng chảy, vùng Bãi Đình trước là vùng đất phù sa màu mỡ, mỗi năm trồng 3 vụ ngô; thì nay năm nào cũng bị vùi lấp một lớp đất đá, khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Và lòng sông ngày càng cạn, nên hàng năm số lần ngập lụt đối với xã Nghĩa Hợp nhiều hơn trước.

Bồi lấp dòng chảy sông Con gây khó khăn cho Nghĩa Hợp như thế, nhưng bên lở Nghĩa Thái xem ra còn “hoàn cảnh hơn”. Trước năm 2005, địa phương này có 100 héc-ta đất bãi ven sông, để gieo trồng, thu hoạch trên đó bà con nông dân có đường, có cầu, vận chuyển nông sản dễ dàng. Nhưng từ khi sông Con biến đổi dòng chảy đến nay, Nghĩa Thái đã mất tới 60 héc ta- đất bãi, người dân đi làm phải bằng đò ngang, nông sản các loại phải vận chuyển vòng lên xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp mới về tới nhà. Mà, ngay cả chuyến đò ngang sang Bãi Đá đang vất vả vì con nước ngày càng cạn.

Lở, bồi đâu phải đã hết chuyện trăn trở “đời sông”. Nhiều người dân các xã đầu dòng sông Con của huyện Tân Kỳ phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm của Nhà máy chế biến sắn Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) đóng bên bờ sông, ngay đoạn sông Hiếu chuyển tên thành sông Con. Trao đổi của ông Bùi Xuân Lý – Phó Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Tân Kỳ cho biết: Nhà máy chế biến sắn Nghĩa Khánh hoạt động từ 6 – 7 năm nay. Dù gây ô nhiễm môi trường chưa đến nghiêm trọng, nhưng Phòng Tài nguyên - Môi trường Tân Kỳ đã phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Nghĩa Đàn để nhắc nhở chủ xưởng chế biến sắn này phải có giải pháp xử lý môi trường trong quá trình sản xuất.

Đối với Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con, đơn vị này cho biết đã có nhiều giải pháp chống ô nhiễm môi trường do nước thải ra sông, nhưng trực tiếp “mục sở thị” hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, chúng tôi nhận thấy hệ thống bể lắng lọc nước thải của công ty được xây dựng quá thấp so với mực nước sông Con khi bình thường. Do vậy, khi có lũ lụt, mực nước sông Con có thể dâng cao 4 – 5 mét, lúc đó toàn bộ hệ thống bể lắng lọc nước thải này bị ngập, ai dám chắc hàng nghìn mét khối nước thải lưu cữu mùi hôi thối và và các chất độc hại không trôi theo dòng sông Con?

Chảy qua 16/22 xã, thị trấn của huyện Tân Kỳ, sông Con góp phần quan trọng làm nên sự sống một vùng đất, nhưng cũng là trở ngại lớn về giao thông của địa phương. Hiện mới chỉ có 3 cầu treo và 2 cầu cứng (cầu Rỏi và cầu Sen) nối đôi bờ sông Con, và hiện nay đang xây dựng một chiếc cầu cứng từ xã Nghĩa Hành sang xã Phú Sơn. Nhưng từng ấy chiếc cầu chưa thể đáp ứng nhu cầu qua lại hàng ngày của người dân, nên Tân Kỳ vẫn phải duy trì 4 bến đò ngang qua sông Con, trong đó 3 bến ở xã Phú Sơn (xã cuối cùng của huyện Tân Kỳ có sông Con chảy qua) và 1 bến Bãi Đá tại 2 xã Nghĩa Thái và Nghĩa Hợp... Khó khăn trong lưu thông khó kể hết nhưng cái lo thăn thắt là nguy hiểm đến tính mạng con người trong chòng chành mỗi chuyến đò ngang, nhất là vào mùa mưa lũ.

Sông Con cũng như bao dòng sông trên đất Việt, như nguồn sữa mát của Mẹ đất sinh dưỡng nên sự sống, nuôi khí chất quê hương Tân Kỳ chuyển mình đổi mới. Bấy nhiêu chuyện “đời sông” là chưa đủ với bao nhiêu trở trăn của người dân huyện Tân Kỳ đối với một dòng sông đang là điều kiện tự nhiên tác động mạnh đến đời sống sản xuất, môi trường dân sinh và mạch hệ sinh thái của huyện nhà. Nỗi trăn trở đó một phần gửi về phía đầu nguồn nơi rừng xanh nguy cơ cạn kiệt ngày một lớn; còn phần quan trọng nữa là dành cho lãnh đạo huyện Tân Kỳ hôm nay: Ngay từ bây giờ, hãy nhận thức đúng về sông Con, hành động vì sông Con, như việc phát động, hỗ trợ nhân dân sinh sống hai bên bờ trồng cây chống xói mòn, sạt lở; bảo vệ môi trường dòng sông trong sản xuất và sinh hoạt; chung sức lo toan mỗi cữ lũ về…


Bài, ảnh: Đình Sâm - Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Mấy khúc sông Con...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO