Mẹ ơi, sữa của con đâu?

06/03/2014 20:12

(Baonghean) - Mình có chị bạn trước đi du học ở Pháp, về Việt Nam lấy chồng sinh con được gần 2 năm nay. Tự dưng hôm trước nhớ đến bà chị quý báu một thời, mình lò dò vào facebook xem thằng cu Đậu xanh lớn bằng từng nào, giật mình thấy cả cái facebook của bà chị chẳng khác gì trang đại diện của đại lý... sữa và đồ ăn trẻ em xách từ Pháp.

Quái lạ, hay mình vào nhầm facebook của ai? Nhắn tin hỏi thì đúng là bà chị mình thật, lại còn bị bà ấy cười vào mũi: "Mối quan tâm hàng đầu của các ông bố bà mẹ là sữa bột cho con, cậu còn trẻ trâu sao hiểu được!". Lại còn được bà chị cập nhật thông tin về vụ sữa vừa tăng giá, trước giờ chỉ biết giá xăng, giá điện, giá gạo, giá vàng tăng chứ giá sữa tăng thì lần đầu tiên mình nghe thấy!

Bây giờ thì sữa là một sản phẩm dinh dưỡng phổ biến và gần như không thể thiếu trong một chế độ ăn khoa học. Ấy thế mà cách đây tầm 20 năm, tức là cái hồi mà mình bằng tuổi mấy đứa con nít ngậm bình sữa bây giờ, cả tuổi thơ mình không biết đến mùi sữa bột. Không phải nhà mình không có điều kiện mà vì sữa bột thời đó là một cái gì xa xỉ một cách không cần thiết. Thế nên mình chuyên đời được ăn bột sắn dây đun liu riu trên bếp cho đến lúc thành một thứ "cháo" quánh sền sệt.

Phô mai, bánh quy dinh dưỡng,... thì tất nhiên là không biết tròn méo, mùi vị ra làm sao rồi. Ngay đến mẹ mình lúc mang bầu cũng cứ suốt ngày cơm rang và cơm nguội, lâu lâu được bữa cháo cá chép, chứ nào được ăn thực phẩm bổ sung này nọ như các bà bầu bây giờ. Thế mà mình vẫn lớn như khoai và, chẳng phải mình khoe khoang gì đâu, đi học vẫn giấy khen, phần thưởng đều đều như gà siêu trứng.

Nói thế không phải là mình tẩy chay sữa bột các loại. Mức sống tăng lên, có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung và chế độ ăn uống nói riêng là biểu hiện tích cực của một xã hội phát triển. Rõ ràng so sánh Việt Nam với Nhật, Hàn hay Trung Quốc, phải thừa nhận chúng ta tụt hậu so với họ về kinh tế và cả về... chiều cao. Một phần là vì chế độ ăn uống của họ đầy đủ và khoa học hơn, dẫn đến việc "cải thiện nòi giống". Chiều cao của người Việt mình cũng bắt đầu cải thiện dần, thể hiện sự lớn mạnh về thể chất của cộng đồng. Ấy là nhờ tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và số lượng dinh dưỡng. Đây là tín hiệu tốt cho sự phát triển của xã hội bởi, một cơ thể khoẻ mạnh nuôi một trái tim và bộ não khoẻ mạnh.

Tuy nhiên, bất cập là từ chỗ một nhu cầu xác đáng và khoa học, nhu cầu dùng sữa bột nói riêng và các thực phẩm bổ sung nói chung gần như trở thành một trào lưu, một cơn sốt mà các bậc phụ huynh chạy đua một cách điên cuồng. Người thì máy móc đến cực đoan, nhất định phải uống bao nhiêu ml sữa, vào thời điểm nào, loại sữa nào,... Người thì chạy vạy tìm mọi cách mua bằng được nhãn mác sữa ABC, XYZ ở tận Đông tận Tây, không chịu dùng sữa nội. Thế nên những người khôn khéo nắm bắt được thị hiếu "Tây học" đó nhanh chóng nhảy vào thị trường kinh doanh thực phẩm cho trẻ sơ sinh và bà bầu, như bà chị mình vậy.

Nói chung mình không phản đối việc cho trẻ và bà mẹ dùng các thực phẩm bổ sung, mẹ khoẻ con khoẻ thì tốt chứ sao? Nhưng phải tỉnh táo và linh hoạt, không a dua một cách máy móc như con vẹt ai nói gì cũng hóng theo. Người Việt, sữa ngoại, không thể khớp vừa như in được đâu mà phải "biến tấu" cho phù hợp với lối sống, lối ăn uống và cả điều kiện kinh tế của xã hội mình. Bởi, nếu ngay từ những ngày tháng đầu đời mà ta đã tiêm vào lũ trẻ suy nghĩ "sính ngoại, bài nội" thì rồi đây chúng sẽ sống như người Tây, người Tàu, hay người gỉ người gì trên cái đất nước Việt Nam này?

Hải Triều (Email từ Paris)

Mới nhất
x
Mẹ ơi, sữa của con đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO