Miền Tây - mùa cơm mới
hận được điện thoại từ những người bạn ở các huyện miền Tây: “Vài ngày nữa gia đình ta tổ chức làm cơm mới, mời nhà báo lên chung vui”. Vậy là xếp đặt hành trang ngược rừng để thưởng thức hương vị lúa mới, để được say men rượu cần và hòa nhịp cùng tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí với đồng bào.
(Baonghean.vn) - Nhận được điện thoại từ những người bạn ở các huyện miền Tây: “Vài ngày nữa gia đình ta tổ chức làm cơm mới, mời nhà báo lên chung vui”. Vậy là xếp đặt hành trang ngược rừng để thưởng thức hương vị lúa mới, để được say men rượu cần và hòa nhịp cùng tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí với đồng bào.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là gia đình ông Mùa Phái Chia ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Không còn ở trên những đỉnh núi cao mây phủ nhưng người Mông ở Sơn Hà vẫn gắn bó thủy chung với giống lúa của tổ tiên truyền lại. Hạt gạo người Mông tròn mẩy, nở to pha màu nâu của đất, vị thơm lừng. Chủ nhà cho biết: “Lúa ngoài rẫy đã sắp chín. Mấy ngày trước, bà vợ và con dâu ta ra rẫy đưa một ít lúa chắc xanh về phơi khô, giã bằng chày, chọn những hạt nguyên để nấu bữa cơm hôm nay, trước hết là cảm tạ đất trời, tổ tiên, sau nữa là mời anh em, họ hàng, láng giềng và khách quý”.
Trước bàn thờ đã bày sẵn mâm cơm, gồ 2 đĩa cơm to đang bốc hơi nghi ngút, hương thơm phả khắp gian nhà. Cạnh đó là 2 đĩa thịt bò, 2 đĩa thịt lợn và 2 bát canh cải Mông. Ông thầy cúng đang tiến hành làm các thủ tục, lời cúng khi bổng, khi trầm. Ông Mùa Phái Chia ghé tai nói nhỏ: “Thầy cúng đang thay mặt gia đình để tạ ơn trời đất, ông bà tổ tiên đã phù hộ mưa nắng thuận hòa, cho bông lúa trĩu hạt cho con thú đi xa và mời các vị về đây hưởng hương hoa của lúa, phù hộ cho năm sau lại được mùa”. Thầy cúng làm xong thủ tục. Cả chủ và khách lần lượt đến vái tạ trước bàn thờ. Sau đó, mọi người cùng ngồi vào mâm và bữa ăn mừng cơm mới chính thức bắt đầu. Ba cái mâm mây được đặt dọc theo sàn nhà, chủ và khách quây kín.
Bữa mừng cơm mới tại gia đình ông Mùa Phái Chia (bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn).
Trong tiệc rượu, tục lệ của người Mông không cầm mỗi người mỗi chén, mà tất thảy mọi người chỉ uống chung 4 chiếc chén. Bốn chiếc chén này được bỏ lên 2 chiếc đĩa, chủ nhà rót đầy, tuyên bố lý do rồi cạn chén. Cạn xong, vị chủ nhà rót tiếp 2 chiếc chén mời người khách bên phải và trao chai rượu lại cho chính người đó. Còn chiếc đĩa và 2 chiếc chén còn lại được trao cho người ngôi bên trái theo hướng đi ngược chiều với chiếc đĩa và 2 chiếc chén ban đầu. Uống xong, người này lại rót mời và trao chai cho người cạnh bên. Cứ thế, hết vòng này đến vòng khác, chai rượu vơi lại đầy, đầy rồi lại vơi... Vừa uống rượu vừa chuyện trò râm ran. Những người nông dân rẻo cao cùng ôn lại một năm vất vả với ruộng nương, rồi bàn bạc chuyện bản chuyện làng, chuyện học hành cưới hỏi của con cháu.
Từ vùng biên giới Tà Cạ, chúng tôi xuôi về bản Khe Quỳnh, xã Xiêng My (Tương Dương). Đã hẹn trước nên Trưởng bản Lô Văn Ba đã chờ sẵn ở cổng. Bước lên sàn nhà, hầu như các thành phần tham dự đã đông đủ. Khác với người Mông, người thực hiện các nghi lễ cúng cơm mới của người Thái chính là người đàn ông chủ nhà. Sau thủ tục thắp nén hương trước bàn thờ để bày tỏ lòng biết ơn các vị thần linh và tổ tiên đã phù hộ cho năm qua mưa thuận gió hòa, cho thóc lúa đầy bồ, chó sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui và không quên mời thần linh, tổ tiên về cùng an hưởng, chủ nhà sắp xếp chỗ ngồi cho khách rồi tuyên bố bữa mừng cơm bắt đầu.
Chủ nhà vừa ăn uống, vừa chuyện trò và giới thiệu với khách miền xuôi về tục mừng cơm mới. Trước vụ gặt gần 1 tháng, khi hạt lúa trên nương đã tròn hạt và còn ngậm sữa chứ chưa đến độ chín, người nhà lên gặt về một ít. Những bó lúa xanh gặt về được đập lấy hạt, sau đó được luộc chín rồi phơi khô. Phơi xong, lúa được gác lên mái bếp để đảm bảo cho hạt vừa khô, vừa giòn. Khoảng 5-7 ngày sau, lúa được đem xuống giã để loại bỏ lớp vỏ trấu, lấy những hạt gạo nếp chắc mẩy nhất. Giã xong, hạt nếp được vò kỹ rồi bắc lên hông. Bà con vùng cao thường dùng hông gỗ, xôi sẽ ngon hơn và giữ được hương vị đặc trưng của núi rừng. Khi chiếc hông trên bếp tỏa ra hương, ấy chính là lúc xôi vừa chín. Chủ nhà sẽ bày xôi lên mâm cùng với các loại thực phẩm quen thuộc như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, cá moọc và rượu dâng lên bàn thờ. Xong thủ tục với thần linh và tổ tiên, mâm cỗ được dọn ra. Lúc này khách khứa bao gồm bà con hàng xóm và họ hàng gần xa cũng đã đến đông đủ. Chum rượu cần thơm nức được mở ra, mọi người cùng nhau uống cạn và trao đổi tâm tình.
Khi men rượu đã thấm, mọi người cùng cất lên câu lăm, điệu xuối và tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng pí, tiếng khèn lần lượt vàng lên. Điệu múa lăm vông bắt đầu nhịp nhàng, uyển chuyển. Bữa cơm mới thật thắm thiết nghĩa tình. Hương thơm, tiếng hát, tiếng khèn và điệu múa làm xốn xang tấm lòng những người khách miền xuôi. Cảm phục biết bao vẻ hồn nhiên, yêu đời và tinh thần đoàn kết cộng đồng ở các bản làng vùng cao, dẫu cho cuộc sống còn không ít vất vả.
Công Kiên