Kinh tế

Miền Tây Nghệ An '4 tại chỗ' để chủ động phòng, chống mưa lũ

Xuân Hoàng - Quang An 27/07/2024 14:02

Vào mùa mưa bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu. Miền Tây Nghệ An chủ động phòng chống với phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ động với phương châm “4 tại chỗ”

Những ngày này, huyện Quế Phong “nóng” hơn bởi sự cố sụt lún nghiêm trọng trên Quốc lộ 16, đoạn qua Dốc Chuối, xã Châu Kim. Sự cố sụt lún không chỉ cắt đứt mạng lưới giao thông huyết mạch, mà còn đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân sinh sống phía dưới.

Điểm sụt lún trên Quốc lộ 16 đoạn qua Dốc Chuối, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng
Điểm sụt lún trên Quốc lộ 16 đoạn qua Dốc Chuối, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngoài ra, trong đợt mưa vừa qua, trên các tuyến đường vào các xã Nậm Giải, Quang Phong… cũng bị sạt lở núi, gây ách tắc giao thông, địa phương đã phải huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để giải tỏa, khắc phục những điểm tràn bị hư hỏng. Đó là tín hiệu ban đầu cho thấy, huyện Quế Phong đang đối mặt với những rủi ro do thiên tai có thể gây ra tiếp theo trong mùa mưa bão này.

Điểm sụt lún trên Quốc lộ 16, đoạn qua Dốc Chuối, xã Châu Kim, huyện Quế Phong đang đe dọa người dân sinh sống ở phía dưới. Ảnh: Xuân Hoàng
Điểm sụt lún trên Quốc lộ 16, đoạn qua Dốc Chuối, xã Châu Kim, huyện Quế Phong đang đe dọa người dân sinh sống ở phía dưới. Ảnh: Xuân Hoàng

Để chủ động ứng phó với thiên tai, từ đầu tháng 4, UBND huyện Quế Phong đã ban hành phương án ứng phó. Xác định huyện Quế Phong không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây ra mưa, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng; với địa hình bị chia cắt bởi sông, suối và mạng lưới giao thông dốc, bám các sườn núi, dễ xảy ra sạt lở đất…, do vậy, hàng năm, huyện Quế Phong thường chịu ảnh hưởng từ 3 – 7 trận lũ lớn, nhỏ từ 3 con sông chính (sông Quàng, sông Nậm Giải, sông Nậm Việc) và các dòng suối lớn, nhỏ khác.

Đối với sạt lở đất, phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn toàn huyện, nhưng nguy cơ cao là các tuyến đường vào các xã biên giới: Nậm Giải, Thông Thụ, Tri Lễ.

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quế Phong cho biết: Huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, với phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, lực lượng tại chỗ gồm: Quân đội, công an, dân quân tự vệ, đội xung kích và các lực lượng khác được cấp huyện, xã huy động trên địa bàn. Phương tiện, trang thiết bị tại chỗ là ca nô, xuồng, các loại áo phao, máy múc, máy cưa, các trang thiết bị chuyên dụng khác.

“Những năm qua, huyện đã được trang bị 1 chiếc máy múc, sẵn sàng ứng phó khi cần thiết, ngoài ra, trên địa bàn có trên 10 doanh nghiệp xây dựng, khi có sự cố xảy ra là huy động xe, máy đến hiện trường. Ngoài ra, chúng tôi sẽ trưng dụng các loại vật tư khác như bao bì, cát, đá… của người dân để kịp thời ứng phó với thiên tai”, ông Phan Trọng Dũng cho hay.

Điểm tái định cư bản Piêng Cu, xã Tiền Phong (Quế Phong). Ảnh: Xuân Hoàng
Điểm tái định cư bản Piêng Cu, xã Tiền Phong (Quế Phong). Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Tiền Phong có 3 bản tái định cư, là vùng đất mới nên dễ xảy ra sạt lở đất. Ông Võ Khánh Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho rằng: Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa bão là địa phương rất vất vả, thường xuyên túc trực vào những ngày có mưa lớn để sẵn sàng hỗ trợ người dân mỗi khi nhận được tin báo có sạt lở đất. Ngoài những điểm dễ bị lũ gây ngập dọc các khe, suối, thì xã Tiền Phong lo ngại nhất là tại 3 điểm tái định cư, bởi khu vực này là vùng đất mới san ủi, mỗi khi có mưa to thường bị sạt lở.

Có mặt tại khu tái định cư bản Piêng Cu, xã Tiền Phong cho thấy, nhiều tuyến đường đã bị hư hỏng, nhiều điểm trong khu dân cư đang trong tình trạng nguy cơ cao về sạt lở.

Ông Hà Văn Phòng - Trưởng bản Piêng Cu không khỏi lo lắng chia sẻ, hàng năm vào mùa mưa lũ, bà con thấp thỏm ngủ không yên. Tình trạng sạt lở đất ở đây xảy ra từ lúc mới tái định cư đến nay, mặc dù sau này cây cối đã mọc lên nhiều, giảm sạt lở đất, nhưng vẫn không đủ chống chọi lại những lúc mưa to kéo dài.

Tuyến đường vào bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) bị sạt lở sau trận mưa to trong đêm 21/7. Ảnh: CSCC
Tuyến đường vào bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) bị sạt lở sau trận mưa to trong đêm 21/7. Ảnh: CSCC

Các huyện rẻo cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu… lũ ống, lũ quét có thể xảy ra lúc nào, ở bất kỳ đâu. Do vậy, các địa phương này luôn đề phòng, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất. Mới đây nhất, vào đêm 21/7, một trận mưa to kéo dài đã gây ra lũ tại một số xã của huyện Tương Dương: Tam Thái, Tam Đình, Tam Quang, Lượng Minh, thị trấn Thạch Giám, Yên Na, Yên Thắng, Yên Tĩnh, Hữu Khuông… làm ảnh hưởng đến nhiều nhà dân và hoa màu, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt…; tổng thiệt hại ước khoảng 671 triệu đồng.

Với phương châm đề phòng để giảm thiệt hại, khi xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, công tác ứng cứu đặt lên hàng đầu, vì vậy, các huyện miền núi đã sớm ban hành phương án ứng phó thiên tai, với phương châm “4 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho rằng, địa phương đã từng xảy ra trận lũ ống, lũ quét lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và Nhà nước. Do đó, ngay từ tháng 4, huyện đã ban hành phương án ứng phó thiên tai từ huyện đến cấp xã. Trong đó, điểm “nóng” về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn Kỳ Sơn được xác định tại các xã: Tà Cạ, Mường Típ, Bảo Nam, Bảo Thắng, Hữu Lập…

Cảnh báo mưa lớn xuất hiện nhiều trong năm nay

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện trạng thái ENSO (bao gồm hiện tượng EL Nino và La Nina) đang ở giai đoạn trung tính.

Thống kê cho thấy, trong những năm La Nina xuất hiện thì lượng mưa thường vượt trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ, thấp hơn trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, nhất là trong các tháng mùa Thu.

Trận mưa lũ trong đêm 21/7 xảy ra trên địa bàn huyện Tương Dương gây hư hỏng nhiều công trình thủy lợi. Ảnh: CSCC
Trận mưa lũ trong đêm 21/7 xảy ra trên địa bàn huyện Tương Dương gây hư hỏng nhiều công trình thủy lợi. Ảnh: CSCC

Trong điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp trên, các địa phương cần chủ động, thường xuyên rà soát các điểm xung yếu, lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa, bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Cụ thể hơn, từ cuối tháng 7 đến tháng 9, có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%. Từ tháng 10 đến tháng 12, La Nina xuất hiện với xác suất khoảng 70-90%.

Như vậy, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn. Hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện từ 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, trong đó, có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; không loại trừ khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh trên Biển Đông. Khi bão xuất hiện trên Biển Đông thì diễn biến nhanh và rất khó lường, gây khó cho công tác phòng, chống bão.

Ngoài ra, khoảng tháng 7 - 8, lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 9-11, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ tăng lên khoảng 10-30%. Từ tháng 7-9, lượng mưa ở Trung Bộ tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 10-20% và từ tháng 10-12, lượng mưa có khả năng tăng từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, trong đó có Nghệ An, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất. Để ứng phó với thiên tai, việc ban hành phương án ứng phó thiên tai, với phương châm “4 tại chỗ” là hết sức cần thiết./.

Mới nhất
x
Miền Tây Nghệ An '4 tại chỗ' để chủ động phòng, chống mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO