Miền Trung chống chọi với bão lớn
Từ 12h trưa nay, nhiều địa phương vùng tâm bão từ Hà Tĩnh tới Huế, gió đã mạnh dần lên kèm theo mưa lớn, sóng biển dâng cao. Siêu bão Wutip bắt đầu đổ bộ vào miền Trung khiến nhiều nhà tốc mái, cây đổ.
Ngay từ đầu giờ chiều nay, mưa lớn dần tại Hà Tĩnh, kèm theo gió mạnh. Hiện địa phương này đã di dời khoảng 22.000 hộ dân, chủ yếu ở huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân. Trước đó, vào buổi sáng nay, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp với các ban ngành tại thành phố Hà Tĩnh để bàn cách đối phó với bão.
Tại Lệ Thủy, Quảng Bình, khu vực dự kiến là tâm bão đi qua, gió hiện rất mạnh cùng mưa lớn. Trụ sở UBND xã Như Thủy Bắc bị gió đánh vỡ toàn bộ cửa kính. Một học sinh 15 tuổi ở xã Quảng Minh (huyện Quảng Trạch) bị ngã khi chuyển một khối đá nặng hơn 10 kg lên chèn mái bếp chống bão. Em đã bị chính khối đá trên rơi vào đầu, nghi chấn thương sọ não, bất tỉnh. Một thanh niên ở xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) trong lúc đang trèo chặt cành cây bị ngã gãy xương đòn trái. Cả hai đã được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị (Quảng Bình).
Địa phương này đã đưa gần 4.000 tàu thuyền vào bờ và nơi neo đậu an toàn, khoảng 5.000 - 6.000 hộ dân được di dời.
Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của cơn bão, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các sở, ban, ngành... triển khai nhanh các biện pháp phòng chống bão.
Tại xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) sóng lớn đã làm hơn 300 m bờ kè sạt lở ăn sâu vào đất liền khoảng 4 m. UBND xã đã quyết định di hơn 1.000 khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, đến trưa nay, một số người dân lại tìm cách quay về nhà dù được khuyến cáo nguy hiểm.
Tại huyện miền núi A Lưới, công tác phòng chống bão vẫn đang tiếp diễn. Quốc lộ 49 đã thông xe. Đèo Phú Gia trên quốc lộ 1 ghi nhận một số điểm sạt lở. Dọc theo tuyến đường huyết mạch này, cây cối và nhiều dây điện đứt ngang, nhiều biển hiểu dọc ven đường bị gió đánh hỏng.
Theo báo cáo nhanh của ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, đến trưa nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh cơ bản đầy. Các hồ dung tích lớn như Sông Sào, Vực Mấu đã thực hiện phương án xả tràn sâu. Hệ thống đê điều toàn tỉnh trong mức đảm bảo an toàn.
Người dân Hà Tĩnh sơ tán đề phòng nguy hiểm do bão. Ảnh: Hải Bình |
Về tàu thuyền, Nghệ An có hơn 4.000 phương tiện với trên 23.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản, tất cả đã vào nơi trú ẩn an toàn. Phương tiện đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung cũng đã vào các khu vực trú bão an toàn.
Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, hiện nay số hộ dân ở vùng ven biển nơi bão đổ bộ trực tiếp cần phải sơ tán là gần 3.900 hộ. Nếu bão đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị và khi lũ lớn xảy ra thì số hộ cần sơ tán là khoảng 20.500; UBND tỉnh đã khẩn trương thành lập 5 đoàn công tác về tận các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn miền Trung - Tây Nguyên sáng nay, hiện các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đang vận hành bình thường, dung tích các hồ còn ở mức trung bình, hầu hết ở mức 20-70% dung tích thiết kế.
Số hồ đầy và sắp đầy tập trung tại các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, hồ chứa vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên có dung tích hồ đang ở mức cao, hầu hết trên 80% dung tích thiết kế. Nhiều hồ chưa nhỏ có có nguy cơ mất an toàn như Quảng Trị có 07 hồ: Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen; Huế có 1 hồ Hòa Mỹ; Q.Nam có 1 hồ An Long; Quảng Ngãi có 3 hồ là Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, đập Ea Kmiên 3, huyện Krông Năng, Đắk Lắk do lượng nước về lớn hơn khả năng thoát lũ nên mực nước trong hồ dâng cao và có nguy cơ mất an toàn.
Theo VnExpress - TH