"Miệng ăn, núi lở"!

11/10/2014 10:09

(Baonghean) - Nền kinh tế nước nhà vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn. Ai cũng biết, cũng cảm nhận được điều đó. Nhưng không phải ai cũng nắm được “thể trạng” thật của nền kinh tế đang nằm ở mức độ nào. Vì thế, khi nghe ông Chủ tịch Quốc hội cảnh báo trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 9/10 rằng, làm được đồng nào xài hết đồng đó; chi thường xuyên tăng liên tục, phát hành trái phiếu rồi đi vay để đảo nợ... đã khiến không ít người phát hoảng.

Phát hoảng là đúng thôi! Lâu nay cứ nghĩ là nền kinh tế nước nhà khó khăn thật, nhưng không hề nghĩ là lại khốn khó đến thế. Cứ tưởng là chỉ thiếu thốn tí chút vì thấy lâu lâu báo chí lại đưa tin nền kinh tế “có nhiều khởi sắc”, “ đang tăng trưởng tốt”...; rồi thì số người có việc làm mới tăng cao tới những 1,6 triệu người, tỷ lệ người thất nghiệp thấp nhất thế giới, chỉ chiếm 1,84%... Nghe, mà thấy hởi lòng, hởi dạ. Vì kinh tế có phát triển thì mới tạo thêm nhiều việc làm như thế. Vậy mà... Hóa ra, những đánh giá, những con số đó chỉ là “liệu pháp tinh thần” thôi. Vì thực tế hiện tại ta làm chưa đủ ăn, biểu hiện ở việc chi thường xuyên tăng, từ mức 60% giai đoạn 2011 - 2012 lên mức 67 - 70% năm 2014, phản ánh tình cảnh vay về để ăn là chính. Mà “vay để ăn là chính” nghĩa là dành rất ít cho đầu tư phát triển, thì lấy gì sinh lợi để có cái mà trả nợ. Không trả được nợ thì lại phải tiếp tục đi vay để đảo nợ. Thế là sa vào cái vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Nguyên nhân dẫn tới tình cảnh này thì nằm ngay trong lời phát biểu cũng của chính ông Chủ tịch Quốc hội: “Thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết. Chi đầu tư các đồng chí hãm lại, rồi cứ vay nợ ào ào. Như vậy làm sao phát triển được đất nước. Rồi trả nợ không được thì sụp đổ. Bài học này phải tính ngay trong năm 2016”. Rõ ra một thực trạng là xưa nay chúng ta ăn tiêu không có kế hoạch. Chi dùng một cách vô tội vạ.

Thực tế trên, xưa nay công luận đã phản ánh nhiều rồi, kiến nghị siết chặt chi tiêu công nhiều rồi, nhưng hình như không mấy ai để tâm thực hiện. Có lẽ, đồng tiền đi vay đó là tiền chung, không của riêng ai. Nợ cũng là nợ chung, không của riêng ai. Nên người ta cứ tiêu bừa phứa đi, bất chấp hậu quả. Vì có chi, có tiêu thì mới có những thứ mà dân gian gọi là “hoa hồng”, “lại quả”... Nói đâu xa xôi, mới mấy hôm nay thôi, lại có thông tin tỉnh Hải Dương vừa xin chủ trương của Chính phủ xây dựng trung tâm hành chính tập trung với vốn đầu tư dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng. Tất nhiên, phần lớn của số vốn này sẽ được chi từ ngân sách, ít nhất từ 1.000 tỷ đồng trở lên; phần còn lại được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có bán đất, bán trụ sở cũ. Về cơ bản là lấy từ công sản.

Trước Hải Dương, nhiều tỉnh trên cả nước cũng đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng và đưa vào sử dụng các trung tâm hành chính như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng. Ảnh: TBKTSG
Trước Hải Dương, nhiều tỉnh trên cả nước cũng đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng và đưa vào sử dụng các trung tâm hành chính như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng. Ảnh: TBKTSG

Trước đó, trung tâm hành chính đã xây của các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Đà Nẵng... cũng đều “ngàn tỷ”; cá biệt như Khánh Hòa, vốn đầu tư dự kiến từ 5.000 - 7.000 tỷ đồng. Cứ thế thì làm gì mà không thâm thủng ngân sách; làm ra sao đủ chi tiêu được! Và nợ công năm nay đã tăng lên mức 60,3% GDP, dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng tình hình thực sự báo động. Bởi nợ công không phản ánh hết các khoản “chìm” như nợ hoàn thuế, nợ bảo hiểm xã hội... Trong khi đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm đã vượt mức quy định an toàn 25% lên 25,9% trong 2014 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 31% trong 2015. Chính vì thế mà Chủ tịch Quốc hội thẳng thừng báo động: “Phải cân bằng thu - chi, thu lấy mà chi. Chứ bây giờ cứ phát hành trái phiếu lu bù, vay lu bù để chi thì chết thôi”. Trên thực tế thì đã “chết” nhiều rồi.

Như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày thì tình hình năm 2014 còn nhiều khó khăn, chưa có xu hướng thay đổi tích cực. Đặc biệt, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn. 9 tháng qua có 52.525 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng lại có 51.244 doanh nghiệp giải thể, phá sản và 18.873 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù cầm cự được trong mấy năm qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Ngoài ra, có 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,34% cao hơn năm 2013. Đến nỗi, kế hoạch tăng lương trong năm nay phải hoãn lại vì không có tiền và Chính phủ lại đang đề xuất sang năm cũng không tăng lương vì không có tiền.

Chỉ chừng đó thôi đã đủ để cho chúng ta thấy “thể trạng” thật của nền kinh tế nước nhà ở thời điểm hiện tại. Không biết rõ thì thắc thỏm âu lo. Biết rõ rồi thì rất buồn nhưng âu lo lại vợi bớt đi. Đã rõ thực trạng “trọng bệnh”, nguyên nhân dẫn đến “trọng bệnh” của nền kinh tế cũng đã được nói rõ cả ra. Cách “bốc thuốc” chữa bệnh cũng đã được chỉ ra là không “chi lu bù, tiêu lu bù” nữa. Phải “thắt lưng, buộc bụng” và phải “bóp mồm, bóp miệng” lại thôi.

Nhất định phải thế. Vay để đầu tư phát triển, để sinh lợi thì rất nên, nhưng vay chỉ để tiêu pha, chỉ để “ăn” thì phải cấm tiệt. Vì, như dân gian thường nói: “Miệng ăn, núi lở”. Mà một khi “núi lở” thì sẽ có rất nhiều thứ lở theo.

Duy Hương

"Miệng ăn, núi lở"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO