Miếu Hùng Vương - Đền Hùng trong tâm thức người xưa và nay
Miếu Hùng Vương, người dân từ xưa đến nay quen gọi là Đền Hùng, để thờ 18 đời Vua Hùng, tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc địa điểm tương truyền là Kinh Đô của nước Văn Lang xưa kia. Đền Hùng. Ảnh: Tô Cảnh
Các soạn giả của công trình Từ điển Di tích văn hoá Việt Nam (tổng hợp tư liệu thư tịch Hán - Nôm) cho biết: Sau khi Hùng Vương mất, dân địa phương lập miếu thờ. Theo thần tích và văn bia ở Đền thì chính An Dương Vương Thục Phán cảm kích vì được Hùng Vương nhường ngôi nên khi Hùng Vương mất, đã đến núi Nghĩa Lĩnh dựng Đền thờ. Từ phía dưới đi lên, đầu tiên ta gặp Đền Hạ, tương truyền là nơi Bà Âu Cơ sinh Bọc Trăm Trứng. Tiếp đến là Đền Trung, nơi Vua Hùng thường họp bàn việc nước với các Lạc hầu (quan văn), Lạc tướng (quan võ). Trên hết là Đền Thượng, tương truyền là nơi Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu trời xin cho thiên tướng xuống giúp đánh giặc Ân (về sau là nơi thờ Thánh Gióng), ở đây có treo một bức hoành phi đề 5 chữ Hán: Vạn Cổ Thử Giang San (câu thơ cuối trong bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải; dịch nghĩa: Non nước ấy ngàn thu).
Bên phải Đền Thượng còn có hai cột đá là di tích Miếu cổ. Gần đó có Lăng thờ vọng Hùng Vương. Đền Giếng ở phía Tây Nam núi Nghĩa Lĩnh, có giếng đá, tương truyền là nơi con gái Hùng Duệ Vương (tức Vua Hùng thứ 18) là Công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung thường đến múc nước gội đầu. Các đềnđài xưa cũ ấy còn lại chủ yếu là di tích kiến trúc do Tổng đốc Tam Tuyên là Nguyễn Bá Nghi, theo sắc chỉ, tu tạo năm Tự Đức thứ 27 (1874). Vào năm Duy Tân thứ 6 (1912) thì Đền Hùng được trùng tu, xây sửa lại như kiến trúc hiện nay. Đến năm Khải Định thứ 7 (1922), Lăng thờ vọng được tu sửa. Câu ca dao cổ:
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giổ tổ mồng mười tháng Ba.
đã được người dân Việt Nam thuộc lòng, để chỉ sự kiện hàng năm, mở Hội tế - thường gọi Giỗ Tổ - đúng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức theo quy mô Quốc lễ, vào các ngày 9, 10 và 11 tháng Ba âm lịch, nhằm tôn vinh các Vua Hùng từ ngàn xưa đã có công dựng nước. Sự tôn vinh bền vững này, thực chất, còn cao rộng hơn thế, bởi vì: "Khi lễ hội đề cao những nhân vật được lễ cũng chính là đề cao, khuyến khích những giá trị của cộng đồng. Những nhân vật đó thực chất là tinh hoa, khát vọng cả cộng đồng hội tụ lại trong đó mà thôi !"
Đền Hùng từ nửa sau thế kỷ XX còn gắn với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn nhớ ngày 19/ 9/ 1954, ngồi trên sườn núi Nghĩa Lĩnh, dưới mái Đền Hùng, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong đang chuẩn bị trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tại đây, Người có câu nói nổi tiếng đi vào lịch sử và còn mãi với non sông: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước!". Năm 1962, dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Người còn về thăm lại Đền Hùng, trong niềm cảm khái xưa sau của một vĩ nhân...
Tháng 4 năm 1962, Miếu Hùng Vương - Đền Hùng đã được Nhà nước ta xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia, nhằm nhắc nhở người dân địa phương Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung hãy giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của một địa danh, gắn liền với một thời đại huy hoàng kéo dài hơn 400 năm mở đầu thời kỳ dựng nước cho mọi bộ sử về dân tộc Việt Nam!
Yên Nhi