Minh bạch để chống xuyên tạc
(Baonghean) - Thời gian gần đây, việc ông Trưởng ban Nội chính Trung ương lâm trọng bệnh và được đưa ra nước ngoài điều trị đã trở thành đề tài nóng hổi, được cả xã hội quan tâm theo dõi và bàn luận sôi nổi trên báo chí, trong các câu chuyện lúc “trà dư, tửu hậu” của các tầng lớp nhân dân. Sự quan tâm thái quá như vậy có gì đó không bình thường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phải nói kẻ lợi dụng chuyện này rất thâm hiểm, rất cao tay, bởi đã biết chọn “đúng người, đúng việc”. “Đúng người” là vì, ông Trưởng ban là một cán bộ có uy tín, được nhân dân cả nước, đặc biệt là người dân Thành phố Đà Nẵng rất tin tưởng và quý mến. Thế nên, hễ có chuyện gì hơi bất thường liên quan đến người này là dễ gây sự chú ý của nhiều người. Và tình cảm dễ khiến người ta bị kích động làm mất đi sự tỉnh táo khi nghe tin người mình yêu quý bị bức hại mà chưa biết thông tin đó đúng hay sai. “Đúng việc” ở chỗ, Ban Nội Chính Trung ương là cơ quan đầu não chống tham nhũng. Hoạt động của cơ quan này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của nhiều người. Vì thế, công việc này, hiểu một cách nôm na là dễ “gây thù, chuốc oán” nhất. Ông Trưởng ban là người đứng đầu cơ quan này, dĩ nhiên là người “đứng mũi, chịu sào”, nên rất dễ hứng chịu những “hòn đạn, mũi tên”. Vì thế, việc tung tin ông bị bức hại dễ khiến người ta tin hơn, vì có vẻ có cơ sở để mà nghi ngờ. Kẻ xấu thì nham hiểm, tinh vi vậy. Trong khi các tờ báo mạng, các diễn đàn trong nước lại hết sức mất cảnh giác, mà cũng có thể là biết, là nhận thức được, nhưng vì muốn “gây sốc”, “tạo nóng” cho báo, cho diễn đàn của mình để hút người xem nên cũng hùa theo cập nhật thường xuyên tin tức về sức khỏe, bệnh tình của ông Trưởng ban. Không khẳng định, nhưng đặt vấn đề nghi vấn rồi cũng phản bác, nhưng lại theo hướng phủ định để khẳng định… Thế nên, càng khiến cho sự việc trở nên phức tạp, nghiêm trọng và càng khiến cho trí tò mò của người dân bị đẩy lên cao, dẫn đến những nghi ngờ tệ hại mặc dù không có căn cứ.
Thâm độc hơn, cùng với việc tung tin thất thiệt về nguyên nhân mắc bệnh hiểm nghèo của ông Trưởng Ban Nội chính Trung ương, kẻ xấu tung ra những bài viết, những hình ảnh, những tài liệu được làm giả như thật về khối tài sản khổng lồ và bất minh của một vị lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ, rồi khẳng định là “đang nằm trong tầm ngắm của Ban Nội chính Trung ương”. Cách làm này dễ khiến cho nhiều người liên tưởng đến hành vi “giết người diệt khẩu” đầy rẫy trong phim ảnh, sách báo… Và khiến cho người ta cảm thấy những ngờ vực nêu trên là có lý. Không chỉ có hai chuyện này, mà thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin vu khống, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, và điều nguy hiểm hơn là một bộ phận người dân dễ tin vào những điều xấu đó. Những thông tin kiểu này đang được rỉ rả, truyền tai nhau bán tín, bán nghi, hủy hoại niềm tin trong xã hội, tạo ra sự dao động, hoang mang trong các tầng lớp nhân dân. Đó chính là “những luận điệu sai trái, thù địch, thông tin độc hại, đả kích, chia rẽ, bôi nhọ, xuyên tạc nội bộ” gây bất ổn cho đất nước và làm mất lòng tin vào Đảng và chế độ. Dĩ nhiên, là cần phải đấu tranh một cách kiên quyết, kịp thời để phản bác lại và định hướng cho dư luận bằng các biện pháp và dưới mọi hình thức. Kể cả việc can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật để kiểm soát thông tin và thắt chặt an ninh mạng. Nhưng cách làm hiệu quả và có tính bền vững cao nhất là minh bạch, công khai mọi chuyện ở mức cao nhất có thể. Vì khi đã minh bạch, công khai mọi chuyện thì người dân mới có đầy đủ thông tin để so sánh, kiểm chứng sự chính xác, độ tin cậy của những thông tin xuyên tạc phát tán trên mạng hay theo kiểu truyền tai nhau. Sau vài lần kiểm chứng thấy không chính xác thì sẽ tự giác không tin nữa, mà không cần phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục gì nhiều.
Hơn nữa, công khai, minh bạch không chỉ có tác dụng vô hiệu hóa những thông tin xuyên tạc nhằm phá hoại, gây rối đất nước, mà còn làm cho người dân cảm thấy được tôn trọng, từ đó thêm vững niềm tin vào Đảng, vào chế độ.
Duy Hương