Mở đường ở Tương Dương
Huyện Tương Dương vừa mở chiến dịch làm đường giao thông nông thôn ở 3 xã Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông. Thời gian chiến dịch là 10 ngày (từ 5/3 đến 14/3/2013), trong đó 3 ngày làm công tác chuẩn bị (phát tuyến, nhận và giao tuyến, làm lán trại), 7 ngày trực tiếp đào, đắp nền đường. 3 xã phải huy động trên 1.500 dân công để hoàn thành trên 13 km đường bộ, có chiều rộng mặt đường 2,5m, khối lượng đất đá phải đào đắp ước tính trên 40.000 m3.
(Baonghean) - Huyện Tương Dương vừa mở chiến dịch làm đường giao thông nông thôn ở 3 xã Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông. Thời gian chiến dịch là 10 ngày (từ 5/3 đến 14/3/2013), trong đó 3 ngày làm công tác chuẩn bị (phát tuyến, nhận và giao tuyến, làm lán trại), 7 ngày trực tiếp đào, đắp nền đường. 3 xã phải huy động trên 1.500 dân công để hoàn thành trên 13 km đường bộ, có chiều rộng mặt đường 2,5m, khối lượng đất đá phải đào đắp ước tính trên 40.000 m3.
Nhôn Mai ngày ra quân, sáng sớm trời mưa và lạnh, ấy vậy mà mới tờ mờ sáng trên 700 dân công từ 12 bản đã có mặt đầy đủ ở bến đò. Đường vào bản Phia Òi, Piêng Luống lượn vòng qua các dãy núi, dốc cao dựng đứng, dưới chân các ngọn núi là hồ thủy điện rộng mênh mông. Vừa đi, đồng chí Vi Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai vừa giới thiệu: Trước đây nhân dân Phia Òi, Piêng Luống thuộc xã Luân Mai, họ sống tít trong trong rừng sâu, muốn đến đó phải vượt dốc mất 5 tiếng đồng hồ. Sau khi giải thể xã Luân Mai, cả 2 bản này nhập vào xã Nhôn Mai, năm ngoái bà con tự di dời ra đây ở. Bản Piêng Luống có 51 hộ, còn Phia Òi thì chỉ vẻn vẹn 27 hộ thôi. Năm nay, thực hiện kế hoạch xây dựng giao thông nông thôn của huyện, lãnh đạo xã Nhôn Mai đã bàn bạc và quyết định mở đường vào 2 bản để giải quyết khó khăn trong đi lại cho đồng bào, thời gian chiến dịch là 7 ngày, nhưng cả xã đã hạ quyết tâm về đích trước 3 ngày.
Sau gần một giờ leo dốc, khi đoàn công tác cán bộ huyện chúng tôi có mặt ở bản Piêng Luống, anh Xeo Văn Khuê - Trưởng bản cho biết: Bà con ở trong đó khổ lắm, tội con cháu đi học vất vả cho nên cả bản bàn nhau bỏ hết nhà cửa ở bản cũ, rủ nhau ra đây lập bản mới, được tin huyện hỗ trợ, xã huy động dân công làm cho con đường vào đây, bà con vui lắm.
Mở đường vào vùng sâu.
Chúng tôi dựng trại chỉ huy ở cuối con dốc, xung quanh là trại của bản Nhôn Mai, còn trại của các bản khác thì nằm rải rác trong rừng. Tuyến đường từ bờ hồ vào Piêng Luống dài gần 2 km, UBND xã Nhôn Mai huy động lực lượng dân công của 4 bản Piêng Luống, Xói Voi, Na Lợt và Nhôn Mai; còn tuyến Phia Òi mặc dù chỉ có hơn 1 km một chút thôi, nhưng dốc núi cheo leo lại nhiều đá, do vậy ngoài nhân lực của bản Phia Òi, xã phải huy động thêm nhân lực của các bản Na Hỷ, Có Hạ, Thằm Thẩm, Phá Mựt, Huồi Măn, Huồi Cọ, Xà Mặt. Ngay sau khi lãnh đạo xã phát lệnh mở chiến dịch, hàng trăm con người tiếp cận các cung đường đã được chia, hăng hái đào đất, người phá đá, người chặt cây mở lối... một không khí lao động khẩn trương, sôi nổi trải khắp các cung đường. Tiếng cuốc, tiếng cười, tiếng hát vang vang. Anh Moong Văn Dần (dân tộc Khơ mú) - Bí thư Chi bộ bản Na Lợt nở nụ cười khi nghe tôi hỏi: Tình hình bà con như thế nào? Anh nói: Báo cáo anh, ai cũng khỏe cả. Được đi mở đường, được giao lưu với các bản, bà con vui lắm, bản mình huy động lực lượng gấp đôi chỉ tiêu xã giao, quyết tâm trong 2 ngày sẽ làm xong đoạn đường trên 300m. Cụ Và Chia Chư (dân tộc Mông) năm nay đã trên 70 tuổi, người bản Huồi Cọ hồ hở nói với chúng tôi: Bố già rồi, nhưng cũng ra công trường để động viên con cháu, cái gì sức bố làm được thì bố làm, xúc đất, lấy nước, nấu ăn, đưa nước cho dân công,... việc gì bố cũng làm hết, miễn là được góp sức mình vào con đường này.
Với mục tiêu phải về đích trước thời hạn 3 ngày, nên bản nào cũng thi đua tăng giờ, tăng năng suất. Sáng tờ mờ đất bà con đã ào ra công trường, mỗi người mang theo một nắm xôi, trưa trải lá ra đường ăn vội, xong lại bắt tay vào việc, tối hum, tối hủm mới chịu về lán; sau bữa cơm tối bà con lại quây quần bên ché rượu cần mà 2 bản Phia Òi, Piêng Luống đem biếu. Đúng 10 giờ đêm, tiếng còi lệnh từ lán chỉ huy lan đi, tất cả các lán trại đều tắt đèn đi ngủ... Dẫu rằng mỗi tuyến đường ngoài khung chỉ huy của xã, còn có ban chỉ đạo riêng, nhưng tôi và anh Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Công thương vẫn phải thay phiên nhau đi khắp các tuyến để kiểm tra, đôn đốc và động viên cán bộ và nhân dân các xã đang trực tiếp lao động trên công trường.
…Tôi rời xã Nhôn Mai, xuống Hữu Khuông. Tuyến đường từ bờ hồ thủy điện vào bản Huồi Pủng dài 2,72 km, được xác định là tuyến đường khó khăn nhất, bởi phải làm mới hoàn toàn, khối lượng lớn, đá nhiều, cây cối rậm rạp, riêng việc phát tuyến cũng đã chiếm mất 2 ngày. Khó khăn là vậy, nhưng khung chỉ huy của xã và ban chỉ đạo công trình vẫn hạ quyết tâm sẽ về đích trước 2 ngày. Chúng tôi đi dọc tuyến để thăm và động viên bà con, vừa để xem các bản có khó khăn gì để bàn bạc xử lý. Hòa trong tiếng cuốc gõ vào lòng đất, tiếng búa đập đá là tiếng xuối, tiếng nhuôn của các anh, các chị dân công, tiếng loa phóng thanh từ trại chỉ huy chiến dịch đang phát đi bài hát “Cô gái mở đường”. Chúng tôi cũng hòa mình trong không khí lao động khẩn trương ấy, cũng cào đất, cũng lăn đá, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Đến bản Huồi Pủng khi đồng hồ điểm 10 giờ 30 phút, anh Lương Văn Ba - Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho hay: Trước đây bản Huổi Pủng thuộc xã Hữu Dương, từ ngày xã Hữu Dương giải thể thì nhập về sinh hoạt với xã Hữu Khuông, người dân Huồi Pủng đã trải qua biết bao gian nan, khổ cực, và điều khổ cực nhất chính là đường đi khó khăn. Bà con phải lần theo các khe núi, cứ ra khỏi nhà là phải mang theo con dao quắm để phát cây lấy đường đi, phương tiện để đi lại ở đây chỉ có thể là đôi chân thôi, không có xe nào mà đi được. Cực nhất là trẻ con đi học phải vượt rừng gần chục ki lô mét ra tận trung tâm xã mới có lớp, có thầy. Lần này, biết huyện và xã về đây mở đường cho dân đi, bà con phấn khởi lắm, bản Huổi Pủng đã huy động hết nhân lực trong bản để ra công trường.
Đi dọc công trường, tôi được biết lực lượng lao động nữ ở tuyến này rất đông. Chính vì thế, tôi bàn với chị Vi Thị Mận - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, tổ chức giao lưu, tọa đàm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 ngay trên công trường, chị Mận vui lắm. Sau bữa cơm tối, toàn bộ chị em phụ nữ xã Hữu Khuông tập trung đông đủ tại lán chỉ huy công trường dự “tiệc chiêu đãi”. Bánh, kẹo mua được từ những người đi bán hàng rong phục vụ dân công được đổ ra lá chuối trải trên bạt, còn hoa thì từ chiều, đồng chí Kha Văn Điếm, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy - Trưởng ban chỉ đạo tuyến Hữu Khuông đã cùng anh em trong khung chỉ huy của xã đi hái hoa ban, hoa cà mạ về cắm đầy những ống nứa, ống bương. Tôi đứng dậy, thay mặt Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện và lãnh đạo công trường chúc mừng chị em, tiếng vỗ tay giòn giã. Kế theo đó là những tiết mục văn nghệ, người thì hát, người đọc thơ, người khắp, lăm, nhuôn. Sau các tiết mục văn nghệ, mọi người hòa vào vòng quay của điệu lăm vông quen thuộc. Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ ngay trên công trường, giữa đại ngàn heo hút, đơn giản mà ấm cúng… Ngày hôm sau, một không khí lao động khác hẳn với những ngày trước, những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười tươi rói phủ lấp những giọt mồ hôi lăn trên má của các chàng trai, cô gái. Chị Vi Thị Mận ghé tai tôi hồ hởi: Đó là nhờ bài thuốc tinh thần tối qua đấy, với đà này thì việc về đích trước 2 ngày là nắm chắc trong tay anh ạ!
Chúng tôi lại tiếp tục đi lên tuyến Mai Sơn, là tuyến dài nhất trong chiến dịch giao thông nông thôn đầu năm 2013 của Tương Dương. Năm nay, xã Mai Sơn mở chiến dịch làm đường giao thông từ trung tâm xã lên bản Phá Kháo, tổng chiều dài cả tuyến là 7,78 km, trong đó 5,57 km đào đắp mới hoàn toàn. Để hoàn thành tuyến đường trong thời gian 7 ngày, xã Mai Sơn được giao chỉ tiêu huy động 484 dân công, tuy nhiên Ban chỉ đạo và khung chỉ huy xã đã truyền đạt quyết tâm đến tất cả 10 bản, vì vậy số dân công tham gia chiến dịch đã lên đến gần 600 người. Sau 3 ngày ra quân, toàn xã đã hoàn thành trên 80% khối lượng. Chuyến lên Mai Sơn của chúng tôi thực chất là “chuyến thông đường”. Dọc đường đi chúng tôi gặp từng đoàn người của các bản Piêng Mựn, Chà Lò, Huồi Tố, Na Ka gồng gánh đồ đạc, cuốc, xẻng, ai cũng nở nụ cười tươi rói vì đã hoàn thành chỉ tiêu xã giao. Anh Thò Pa Lử- Trưởng bản Phá Kháo không giấu nổi niềm vui, vì từ giờ phút này anh có thể ngồi xe máy xuống xã họp, anh nói: Trước đây phải mất gần 3 giờ đồng hồ, còn bây giờ chỉ cần 30 phút thôi là ta xuống đến xã rồi, mà cái chân thì không còn mỏi nữa, cái bụng không vui sao được cán bộ nhỉ. Còn tôi thì làm phép tính đơn giản, nếu mà lập dự án đầu tư cho trên 13 km đường đất này thì chỉ ít Nhà nước cũng phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng, thế mà chỉ gần 7 ngày thôi, với 1.500 con người đã làm nên những con đường mà từ lâu bà con nơi đây từng mơ ước. Thế mới biết sức dân quan trọng đến nhường nào. Bác Già Ly Xa - nguyên cán bộ UBND huyện chỉ vào con đường mới mở nói với chúng tôi: Nếu như cho tôi được đặt tên con đường này thì tôi sẽ gọi nó là con đường “Ý Đảng - lòng Dân”. Mọi người đều vỗ tay hoan hô ý tưởng tuyệt vời của người cán bộ già. Nhìn những con đường đất đỏ uốn lượn theo các sườn núi tôi càng thấm thía lời Bác Hồ dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bài, ảnh: Vi Hợi (UBND huyện Tương Dương)