Mô hình cai nghiện mới: Thay đổi nhận thức từ gốc
(Baonghean) - Ngày 16/10/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4741/QĐ - UBND về việc phê duyệt đề án chuyển đổi Trung tâm Giáo dục lao động xã hội I (GDLĐXH I) sang Trung tâm Cai nghiện tự nguyện. Theo đó, từ năm 2014, bên cạnh việc tiếp tục quản lý số học viên cai nghiện bắt buộc chưa hết thời hạn, trung tâm sẽ tổ chức tiếp nhận đối tượng tự nguyện vào cai nghiện, tiến tới 100% số học viên vào cai nghiện tại trung tâm là đối tượng tự nguyện.
(Baonghean) - Ngày 16/10/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4741/QĐ - UBND về việc phê duyệt đề án chuyển đổi Trung tâm Giáo dục lao động xã hội I (GDLĐXH I) sang Trung tâm Cai nghiện tự nguyện. Theo đó, từ năm 2014, bên cạnh việc tiếp tục quản lý số học viên cai nghiện bắt buộc chưa hết thời hạn, trung tâm sẽ tổ chức tiếp nhận đối tượng tự nguyện vào cai nghiện, tiến tới 100% số học viên vào cai nghiện tại trung tâm là đối tượng tự nguyện.
Theo đề án chuyển đổi từ Trung tâm GDLĐXH I sang Trung tâm Cai nghiện tự nguyện, đối tượng tham gia cai nghiện tại trung tâm gồm: Người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; người nghiện ma túy đang cai bắt buộc tại trung tâm được tiếp tục cai nghiện cho đến hết thời gian chấp hành quyết định, không chuyển sang cai nghiện tự nguyện. Từ năm 2014, UBND tỉnh không giao chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc cho Trung tâm GDLĐXH I. Tham gia cai nghiện ma túy tại trung tâm, người nghiện ma túy sẽ được cung cấp các dịch vụ cắt cơn, giáo dục phục hồi, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Thời gian cai nghiện không kéo dài như trước đây và có thể điều trị cả nội trú và ngoại trú. Đây là 1 trong 4 đơn vị phía Bắc được Cục Phòng chống tệ nạn xã hội chọn thực hiện thí điểm mô hình này. Mục tiêu của việc chuyển đổi là nhằm thực hiện chủ trương đa dạng các hình thức, mô hình cai nghiện ma túy và xã hội hóa hoạt động cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ chữa bệnh cho người nghiện ma túy và hiệu quả công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh; xây dựng thí điểm mô hình, tiến tới tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng trong phạm vi cả nước.
Học viên cai nghiện học nghề mây tre đan tại Trung tâm GD-LĐXH 1 Nghệ An. Ảnh: Trần Đức Thắng |
Bác sỹ Trần Xuân Tiến – Giám đốc Trung tâm GDLĐXH I cho biết: “Nhìn từ thực tiễn cho thấy, công tác tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy mà chúng ta hiểu từ trước tới giờ là cách ly khỏi môi trường thuốc, cai nghiện cắt cơn, tách họ ra khỏi cộng đồng với thời gian nhất định (12, 24 tháng). Nhưng đến nay, chúng ta đã có đủ căn cứ để kết luận rằng nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, phải điều trị thường xuyên, gần như người nghiện phải sống chung với phác đồ điều trị. Do đó, việc cai nghiện tập trung bắt buộc tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội trong 1 - 2 năm không giúp chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Do đó, cuối tháng 12/2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2596/QĐ - TTg về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020” với quan điểm chỉ đạo: giảm dần việc điều trị bắt buộc trong các trung tâm, tăng dần điều trị tự nguyện tại cộng đồng, ưu tiên mở rộng điều trị cai nghiện bằng methadone, kết hợp các hỗ trợ khác như tâm lý, tư vấn cho người nghiện về các lĩnh vực khác trong quá trình cai như chăm sóc sức khỏe, đề phòng bệnh kèm theo vấn đề nghiện cũng như tư vấn hỗ trợ kỹ năng sống, hỗ trợ nghề nghiệp… để giúp họ hòa nhập cộng đồng tốt hơn”.
Tuy vậy, việc thực hiện đề án của Chính phủ cũng như chuyển đổi hoàn toàn Trung tâm GDLĐXH I sang Trung tâm Cai nghiện tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh còn 6.768 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, 22/22 huyện, thành phố, thị xã và 276/480 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy, 141 xã phường trọng điểm về ma túy. Hầu hết người sử dụng ma túy ở lứa tuổi còn khá trẻ, chưa ý thức được trách nhiệm với gia đình và xã hội, chưa nhận thức được tác hại, hậu quả của việc sử dụng ma túy nên mặc dù chính quyền địa phương, các ngành đã vận động, hỗ trợ, nhưng tỷ lệ cai nghiện tự nguyện vẫn còn thấp.
Thực tế những năm qua, số đối tượng vào cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm GDLĐXH I là rất ít, như năm 2013 là khoảng 100 lượt với gần 50 đối tượng; đến cuối tháng 1/2014, trong số 217 đối tượng học viên tại trung tâm, chỉ có duy nhất một đối tượng là thực hiện cai tự nguyện. Bên cạnh đó, sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội đối với người nghiện ma túy còn cao; việc quản lý sau cai ở cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên người nghiện đã cắt cơn nhưng rất dễ tái nghiện sau một thời gian ngắn. Như học viên Trần Ngọc H (TP. Vinh) - người 2 lần bị đưa vào cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, chia sẻ: “Em nghiện ma túy cách đây hơn 5 năm và cuối năm 2009, em bị đưa vào cai bắt buộc tại trung tâm.
Sau gần 2 năm, em được trở về gia đình với quyết tâm đoạn tuyệt ma túy. Tuy vậy, mọi người xa lánh em, coi em như vừa ra “trại”, rồi không nơi nào nhận em vào làm việc. Chán nản, lại bị bạn bè rủ rê nên tái nghiện”. Còn ông Ngô Xuân Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) cho biết: “Hiện nay, công tác cai nghiện tại phường chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn như chưa có phòng điều trị cắt cơn riêng biệt; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện đều là kiêm nhiệm, lại thường xuyên thay đổi, ít được tập huấn về điều trị nghiện, do vậy không có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực tổ chức cai nghiện cắt cơn”.
Trao đổi về vấn đề nay, ông Đào Xuân Lục - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: “Theo đề án của Chính phủ, các trung tâm cai nghiện bắt buộc sẽ dần được chuyển đổi thành các trung tâm cai nghiện tự nguyện và cung cấp dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng hỗ trợ cai nghiện. Hiện nay, tỉnh ta có 7 trung tâm GDLĐXH, trong đó 3 trung tâm cấp tỉnh và 4 trung tâm cấp huyện. Ngoài ra còn có Trung tâm Cai nghiện và giải quyết việc làm sau cai Phúc Sơn trực thuộc Tỉnh đoàn quản lý. Thời gian qua, công tác cai nghiện tự nguyện của người nghiện ma túy tại các trung tâm đã có nhiều nỗ lực song hiệu quả chưa cao. Phần lớn các trung tâm GDLĐXH đều cách xa khu vực dân cư, giao thông đi lại còn gặp khó khăn, chưa có khu vực dành riêng cho người cai nghiện ma túy tự nguyện.
Bên cạnh đó, quá trình cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm giáo dục lao động lâu nay có những bất cập như: Mang nặng tính hành chính (biện pháp đưa vào cai nghiện tại trung tâm là biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhưng được áp dụng ở mức tối đa là 2 năm); chủ yếu tập trung cắt cơn giải độc và lao động trị liệu, chưa thực sự trang bị các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tái nghiện, việc dạy nghề cho người nghiện còn hạn chế, chủ yếu là trình độ sơ cấp với một số nghề mà người nghiện không muốn tham gia… nên tỷ lệ tái nghiện còn cao. Để từng bước xã hội hóa trong công tác cai nghiện, đồng thời tăng thêm sự lựa chọn hình thức cai nghiện, việc thành lập Trung tâm Cai nghiện tự nguyện trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn cần thiết.
Để người nghiện tự nguyện vào cai ở trung tâm, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, khi phát hiện người nghiện thì tổ chức vận động, thuyết phục bản thân và gia đình người nghiện tự nguyện đi cai; cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao hoạt động của đội ngũ làm công tác cai nghiện ở xã, phường. Tỉnh cũng cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, gia công với trung tâm và ưu tiên bố trí việc làm tại trung tâm cho người cai nghiện tự nguyện để họ có thêm thu nhập; có chính sách tạo việc làm cho người sau cai để họ ổn định cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Minh Quân