Mô hình kinh tế rừng bền vững

23/11/2012 15:25

(Baonghean) - Quốc lộ 48 lên miền Tây Nghệ An chứng kiến màu xanh của rừng trồng đã làm thay đổi cơ bản diện mạo, đời sống kinh tế của một bộ phận không nhỏ người dân ở các địa phương: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu…. Theo chân một cán bộ của Lâm trường Đồng Hợp (đơn vị thành viên của Công ty Lâm nghiệp Sông Hiếu), chúng tôi về xã Đồng Hợp nơi có hàng trăm ha rừng liên doanh liên kết của lâm trường. Ông Trần Văn Lộc ở xóm Hợp Thuận, cho biết, năm 2001, ông nhận 2,8 ha đất rừng của lâm trường. Với phương thức bỏ công trồng chăm sóc, bảo vệ, đến kỳ thu hoạch nộp cho lâm trường 12 tấn/khối, năm 2009, thu hoạch chu kỳ 1 ông thu về 290 triệu đồng, nộp khoán cho lâm trường 60 triệu đồng, số còn lại ông “đút túi”. Sau chu kỳ 1, ông hợp đồng tiếp với lâm trường, sản lượng gỗ được ấn định là 100 khối /tấn/ha, Lâm trường thu về 51 khối/tấn ông thu 49 khối/tấn. Nếu năng suất vượt khoán, ông được hưởng toàn bộ. Tại chu kỳ 2 nhờ sử dụng giống keo tốt, cộng với kinh nghiệm tích lũy của chu kỳ 1, ông Lộc dự báo năng suất của chu kỳ 2, sẽ đạt 200 khối/tấn/ha. Trừ nộp khoán, ông sẽ được hưởng 149 tấn/khối, theo đơn giá tại thời điểm hiện nay mỗi ha ông sẽ thu về 149 triệu đồng.



Kiểm tra vườn cao su giống tại Lâm trường Cô Ba

Rời Lâm trường Đồng Hợp, chúng tôi có buổi làm việc với ông Hồ Đình Thế - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu. Công ty được thành lập năm 2010 (chuyển đổi từ Công ty Lâm - Nông nghiệp sang). Tổ chức của công ty gồm 6 lâm trường đóng trên địa bàn 4 huyện dọc tuyến đường 48 và 1 nhà máy chế biến gỗ MDF liên doanh với nước ngoài. Công ty được giao 40.000 ha rừng và đất rừng, trong đó: 27.000 rừng khoanh nuôi bảo vệ, 8.000 ha vùng kinh doanh gỗ nguyên liệu và 5.000 ha kinh doanh cao su.

Công ty này xác định cho mình hướng phát triển bền vững, đó là lấy trồng rừng gắn với chế biến để hỗ trợ cho khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên. Ban Giám đốc đã phải lăn lội ra Bộ NN& PTNT xin chủ trương liên kết trong lĩnh vực chế biến, rồi mạnh dạn vay ngân hàng hơn 35 tỷ đồng để đầu tư trồng rừng. Đến nay sau 1 chu kỳ khai thác rừng trồng, vốn vay ngân hàng đã cơ bản trả xong. Công ty có “lãi ròng” hơn 8000 ha rừng trồng chu kỳ 2. Để phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, công ty còn liên kết ký hơn 3000 ha với dân địa phương. Đa dạng hóa hình thức trồng rừng, ngoài diện tích trồng tập trung do các lâm trường quản lý, mô hình liên kết 49/51 đã phát huy hiệu quả, huy động sức dân cùng với doanh nghiệp tham gia trồng rừng để góp phần cải thiện cuộc sống của bà con vùng sâu, vùng xa. Từ liên doanh, liên kết ý thức bảo vệ rừng của cộng đồng ngày được nâng lên, trong những năm qua, rừng khoanh nuôi bảo vệ của các lâm trường không hề xảy ra hỏa hoạn, nạn khai thác rừng bừa bãi đã chấm dứt.

Trong phát triển rừng trồng, giống là một khâu quan trọng quyết định sản lượng gỗ rừng trồng. Để bảo đảm có giống tốt, đạt năng suất cao, công ty trực tiếp Viện Cây lâm nghiệp chọn cây giống đầu dòng về xây dựng vườn ươm đúng tiêu chuẩn để cung cấp giống cho các lâm trường.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, cao su là cây mà công ty nhắm đến tính đa lợi ích của nó. Sau chu kỳ thứ 2, cao su là cây thay thế cây keo. Hiện nay tại Lâm trường Cô Ba (thành viên của công ty), hơn 100 ha cao su đầu tiên đã được trồng. Với chiến lược phát triển vững chắc phù hợp với điều kiện của mình, công ty đề ra chiến lược phát triển cây cao su: là từng bước thử nghiệm, nắm chắc khoa học kỹ thuật, chọn ra cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Để giảm chi phí, chọn lọc được bộ giống phù hợp, công ty đã xây dựng vườn ươm để chủ động về nguồn giống. Sau diện tích trồng thử nghiệm ở những năm đầu từ đó mới nhân rộng.

Việc xác định chiến lược phát triển đúng đã đem lại hiệu quả trong sản xuất của công ty ngày càng phát triển. Thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Năm 2009, lương bình quân lao động đạt 2,3 triệu đồng/tháng, đến năm 2012 đã đạt 3,6 triệu đồng/tháng. Doanh thu 2009 là 46,7 tỷ đồng đến năm 2012 đã đạt 67 tỷ đồng.


Công Sáng

Mới nhất
x
Mô hình kinh tế rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO