Mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ": Liệu có đảm bảo an toàn?

06/07/2015 15:07

(Baonghean) - Để góp phần phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, từ năm 2011, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”. Đến nay, theo báo cáo đã có hơn 17 nghìn ngôi nhà đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”. Vậy nhưng những “Ngôi nhà an toàn” này liệu có đảm bảo tiêu chí an toàn?

Trước năm 2011, hàng năm tỉnh ta có gần 1 nghìn trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, bao gồm đuối nước, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, ngộ độc, súc vật cắn… Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 943/QĐ-UBND ngày 28/3/2011 về việc ban hành kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015. Sau khi Bộ LĐ-TB&XH có Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 6/5/2011 về việc ban hành tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, đồng thời lựa chọn mỗi huyện, thành, thị một xã, phường để xây dựng mô hình điểm.

Những đồ dùng mất an toàn với trẻ nhỏ không được sắp xếp đúng cách trong
Những đồ dùng mất an toàn với trẻ nhỏ không được sắp xếp đúng cách trong "ngôi nhà an toàn" của anh chị Doãn Hữu Lý - Hoàng Thị Hằng ở xóm Thái Hòa, xã Nghi Thái (Nghi Lộc).

Xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên) là 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh được chọn thí điểm xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn từ năm 2011, trong đó xóm 17 là xóm đầu tiên chọn triển khai. Chị Nguyễn Thị Nga – cộng tác viên trẻ em xóm cho biết: Xóm 17 có 90/92 hộ có trẻ em dưới 16 tuổi và hiện có khoảng 95% số hộ đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”.

Tuy nhiên, thực chất, những “ngôi nhà an toàn có đảm bảo các tiêu chí an toàn?”. Ví như gia đình anh chị Nguyễn Văn Định – Phạm Thị Vinh được xã Hưng Thắng xếp loại đạt chuẩn “Ngôi nhà an toàn”. Nhà anh chị có 2 cháu nhỏ, 1 cháu sinh năm 2005 và 1 cháu sinh năm 2013. Gia đình 4 người sống trong một ngôi nhà cấp 4, khu vực bếp tuy ngăn riêng nhưng khu vực dẫn xuống bếp không có cửa chắn, các vật dụng như bếp ga, phích nước, giá để dao, các ổ điện… đều không được đặt xa tầm tay của trẻ. Trong nhà cũng không có tủ thuốc để sơ cứu kịp thời cho trẻ khi xảy ra tai nạn thương tích. Anh Định cho biết: “Chúng tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối, ngày thường cháu đầu đi học, cháu thứ hai đi nhà trẻ, đến hè thì gửi cho ông bà nội. Bình thường, vợ chồng chúng tôi cũng chú ý bảo vệ an toàn cho các cháu như để vật sắc nhọn xa tầm tay các cháu, đến bữa nồi cơm, canh nóng phải để che chắn cẩn thận, rồi không để các cháu chơi giếng nước, ao hồ… Còn chuyện gia đình tôi được công nhận đạt tiêu chuẩn “Ngôi nhà an toàn” thật ra tôi không rõ đã đáp ứng được các tiêu chí như thế nào”.

Chị Nga – cộng tác viên trẻ em của xóm, cho biết: Từ năm 2011 đến nay, hàng tháng, hàng quý, qua các cuộc họp phụ nữ, chị đều triển khai tuyên truyền về mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho các hội viên. Hàng năm theo chỉ đạo của xã, chị vẫn tiến hành khảo sát các gia đình trong xóm để đánh giá về mô hình “Ngôi nhà an toàn”. Tuy vậy, khi chúng tôi hỏi về tổng số tiêu chí và số tiêu chí tối thiểu để được công nhận ngôi nhà an toàn, chị Nga lại tỏ ra lúng túng và không trả lời được. Còn anh Lê Văn Thúy – cán bộ chính sách xã Hưng Thắng cho biết: “Là xã điểm của huyện Hưng Nguyên về xây dựng “Ngôi nhà an toàn” nhưng các hoạt động chỉ mới dừng lại ở việc tập huấn cho các cộng tác viên trẻ em, rồi tuyên truyền cho các hộ dân, còn việc giám sát, hỗ trợ các gia đình thực hiện các biện pháp đảm bảo các tiêu chí của một ngôi nhà an toàn còn rất hạn chế do thiếu kinh phí. Nếu thực hiện khảo sát nghiêm túc, hiện nay hầu hết các hộ đều không đảm bảo an toàn theo 33 tiêu chí về một “Ngôi nhà an toàn cho trẻ” như hướng dẫn”.

Xã Nghi Thái (Nghi Lộc) được chọn xây dựng mô hình cách đây 1 năm. Ông Doãn Hữu Ánh – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghi Thái có hơn 2.100 hộ có trẻ em dưới 16 tuổi. Nhiều năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra vụ tử vong hay bị thương nặng ở trẻ em liên quan đến tai nạn thương tích. Được huyện chọn xây dựng mô hình điểm “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” vào tháng 7/2014, xã đã cử cán bộ chính sách, cộng tác viên trẻ em các xóm tham gia các khóa tập huấn của phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức, sau đó tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình, thông qua hệ thống loa truyền thanh, qua các hội nghị, các cuộc họp ở xã, ở các xóm, qua mạng lưới cộng tác viên trẻ em… Sau 2 tháng, tức là tháng 9/2014, xã tổ chức khảo sát thực trạng, đối chiếu với các tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”. Kết quả, có gần 2 nghìn hộ, chiếm 95%, đạt tiêu chí để được công nhận “Ngôi nhà an toàn”. Tuy vậy, ông Ánh cũng thừa nhận là từ đó đến nay, xã cũng chưa khảo sát lại để đánh giá về những chuyển biến sau gần một năm triển khai mô hình này.

Đến thăm gia đình anh chị Doãn Hữu Lý, Hoàng Thị Hằng ở xóm Thái Hòa, xã Nghi Thái (Nghi Lộc) là 1 trong các hộ đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”. Anh Lý, chị Hằng có 2 con nhỏ, 1 cháu gái 9 tuổi và 1 cháu trai 3 tuổi. Khi chúng tôi đến, đang ngày mùa nên xung quanh nhà, ngô lạc phơi ngổn ngang, các dụng cụ như dao, vên, cào… để khắp nơi. Trong nhà, khu vực bếp cũng không có cửa ngăn và có khóa, phích nước, ổ điện để ở tầm thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Chị Hằng cho biết: “Gia đình tôi chưa từng nghe đến mô hình ngôi nhà an toàn và cũng chẳng thấy cán bộ nào ở xóm, ở xã đến tuyên truyền hay khảo sát gì cả”. Khi được chúng tôi cho xem các tiêu chí về ngôi nhà an toàn và hỏi “Vậy anh chị thử tự “chấm” xem nhà mình có đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” không?”, chị Hằng lắc đầu: “Chắc không đạt anh ạ”.

Những đồ dùng mất an toàn với trẻ nhỏ không được sắp xếp đúng cách trong ngôi nhà an toàn của anh chị Doãn Hữu Lý - Hoàng Thi Hằng ở xóm Thái Hòa, xã Nghi Thái (Nghi Lộc).
Những đồ dùng mất an toàn với trẻ nhỏ không được sắp xếp đúng cách trong ngôi nhà an toàn của anh chị Doãn Hữu Lý - Hoàng Thi Hằng ở xóm Thái Hòa, xã Nghi Thái (Nghi Lộc).

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH từ năm 2011 đến nay Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình điểm “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở 17 xã thuộc 17 huyện với 167.136 ngôi nhà được xem là đạt “Ngôi nhà an toàn”. Điều đó có nghĩa là trung bình mỗi xã có 9.800 ngôi nhà an toàn - một con số quá lớn so với thực tế, khi mà dân số trung bình của mỗi xã trên địa bàn tỉnh cũng chỉ xấp xỉ 6.200 người. Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo, số lượng “Ngôi nhà an toàn” tăng lên theo từng năm nhưng không hề có báo cáo đánh giá hiệu quả của mô hình.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lương, Phó Trưởng phòng Chăm sóc, Bảo vệ trẻ em - Sở LĐ-TB&XH thừa nhận: “Về các hoạt động triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, do hạn chế về kinh phí nên mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức Hội nghị ở địa phương để quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 548/QĐ-LĐ-TB&XH của Bộ LĐ-TB&XH và Quyết định số 943/QĐ-UBND của UBND tỉnh; Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng về tình hình tai nạn thương tích trẻ em để xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 của địa phương; tổ chức các hoạt động tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, xóm… Còn hàng năm, các huyện cũng chưa có báo cáo cụ thể đánh giá về hiệu quả của mô hình”.

Như vậy, có thể khẳng định, việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” chưa được thực hiện chu đáo và chưa tạo được sự chuyển biến trong việc phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Do vậy, để mô hình “Ngôi nhà an toàn” đi vào thực chất, thiết nghĩ, cần có cách triển khai hợp lý từ phía các ngành, địa phương, từ việc tuyên truyền, giám sát công tác triển khai đến việc tống kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Quan trọng nhất, việc tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, dưới nhiều hình thức để các bậc cha mẹ được tiếp cận các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng, nhất là các kỹ năng xử lý tai nạn thương tích, sơ cứu kịp thời khi trẻ xảy ra tai nạn thương tích, dạy cho trẻ cách nhận biết và phòng tránh tai nạn thương tích.. và dành thời gian quan tâm quản lí, chăm sóc con cái để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Minh Quân

Các nội dung xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” gồm có: Giếng, bể nước có nắp đậy chắc chắn, an toàn. Có bếp riêng, có cửa chắn và cửa ra vào an toàn đề phòng trẻ bị bỏng. Phích nước nóng phải để nơi an toàn, trẻ em không sờ, với tới được. Các vật dễ cháy nổ như: gas, xăng, cồn, đèn, diêm… để nơi an toàn đề phòng trẻ nghịch, dễ bị bỏng. Ổ điện để lên cao, an toàn nơi trẻ em không với tới được đề phòng điện giật. Không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như: dao, cây sắt và mảnh kính vỡ. Đặt tủ thuốc ngoài tầm với của trẻ; dụng cụ đựng hóa chất như: thuốc trừ sâu, axít, chất tẩy rửa… phải có nhãn rõ ràng và để trên giá cao hoặc tủ có khóa đảm bảo để trẻ không thể nhìn hoặc sờ được. Cầu thang, ban công phải có tay vịn, rào chắn an toàn để phòng tránh ngã cho trẻ em. Không để trẻ nhỏ chơi các vật dễ nuốt, đề phòng hóc nghẹn đường thở. Sàn gác trong nhà phải chắc chắn đề phòng gãy sập. Lối ra suối, ao, hồ… phải có cửa chắn, có nắp đậy hoặc rào chắn đề phòng chết đuối. Vật dụng để trong nhà như xe máy, xe đạp, rìu, cung nỏ… để gọn gàng và an toàn.

Mới nhất

x
Mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ": Liệu có đảm bảo an toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO