Mở tuyến du lịch tâm linh vùng Đông Bắc
Nhắc đến du lịch vùng Đông Bắc, nhiều người chỉ nghĩ đến du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, tiêu biểu là vịnh Hạ Long nhưng tiềm năng du lịch ở khu vực này có nhiều hơn thế.
Từ ngày 23-27/8, đoàn khảo sát gồm 35 doanh nghiệp lữ hành cùng các cơ quan truyền thông do Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) tổ chức đã đi khảo sát các điểm du lịch nổi bật nằm dọc tuyến du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc.
Chùa Cái Bầu ở Vân Đồn, Quảng Nình |
Đặc sắc và phong phú
Mật độ dày đặc của các di tích lịch sử tôn giáo khu vực Đông Bắc là điều kiện tuyệt vời để hình thành con đường du lịch tâm linh Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần.
Hành trình du lịch tâm linh Đông Bắc bắt đầu từ đền Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương) qua đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, Đồn Cao (huyện Đông Triều) tới quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí); bãi cọc Bạch Đằng, đền thờ Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên); đền thờ Trần Quốc Nghiễn (TP. Hạ Long); đền Cửa Ông, đền Cửa Suốt, thiền viện Trúc Lâm Cái Bầu (huyện Vân Đồn).
Sự kết nối về lịch sử, văn hóa, tôn giáo theo tuyến thời gian cũng như các sự kiện lịch sử của dân tộc triều đại phong kiến nhà Trần đã tạo nên một tuyến du lịch tâm linh rất đặc sắc, đặc thù về nội dung nhưng lại rất đa dạng về điểm đến tham quan.
Nếu như đền Côn Sơn-Kiếp Bạc, Khu thắng cảnh Yên Tử đều nằm trên núi cao, giữa rừng thông bát ngát thì đền An Sinh, cụm di tích lịch sử Bạch Đằng hay đền thờ Trần Hưng Đạo đều nằm quanh con sông Bạch Đằng, nơi đã diễn ra trận thủy chiến lẫy lừng năm xưa.
Trong khi trung tâm Phật giáo Yên Tử, chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu lại là những điểm đến lớn có giá trị về tôn giáo, sinh thái và cảnh quan rất ấn tượng.
Đáng chú ý, chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đã mang lại diện mạo mới, tầm vóc mới cho các điểm du lịch tâm linh.
Tiêu biểu từ sự đầu tư mạnh tay theo định hướng xã hội hóa của Công ty Cổ phần Tùng Lâm đã mang đến một cơ sở hạ tầng đầy đủ cho trung tâm Phật giáo Yên Tử. Đó là một hệ thống cáp treo, khu ăn nghỉ, vệ sinh, nhà hàng, điểm tham quan đạt tiêu chuẩn phục vụ mà theo đánh giá của các hãng lữ hành là “có thể phục vụ không chỉ khách cao cấp trong nước mà cả khách quốc tế”.
Chùa Ba Vàng và chùa Cái Bầu đều có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi đủ phục vụ cho hàng trăm người, thích hợp với các tuyến sản phẩm du lịch Thiền dành cho những người muốn được tĩnh tâm, gạt bỏ mọi ưu phiền, sân si sau lưng.
Không chỉ là điểm hành hương phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo trong mùa lễ hội, chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu và Trung tâm Phật giáo Yên Tử còn đủ điều kiện để phục vụ khách du lịch.
Đền thờ Trần Hưng Đạo ở Quảng Yên, Quảng Ninh. |
Thêm sức hút cho du lịch vùng Đông Bắc
Đánh giá về các điểm du lịch tâm linh vùng Đông Bắc, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho biết: “Đợt khảo sát này cho thấy có nhiều điểm du lịch tâm linh được tu tạo rất tốt, đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Vệ sinh, an ninh an toàn, dịch vụ chăm sóc du khách được địa phương chăm chút rất chu đáo. Những điểm này không chỉ đủ điều kiện đón khách nội mà hoàn toàn có thể đón khách quốc tế”.
Còn Tổng Giám đốc Công ty lữ hành chuyên khách Nhật Bản JBT-TNT Nguyễn Văn Tấn chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên với Yên Tử, Ba Vàng và chùa Cái Bầu. Ba điểm đến này đã đầu tư ra tấm ra món để có đủ điều kiện phục vụ rất tốt cho du khách. Tôi tin là du khách khách Nhật sẽ rất thích thú tìm hiểu văn hóa, tôn giáo, lịch sử của những di tích này”.
Việc khảo sát và đưa tuyến du lịch tâm linh Đông Bắc vào khai thác cũng góp phần làm mới sản phẩm cho du lịch Quảng Ninh và du lịch miền Bắc.
“Miếng ngon ăn mãi cũng nhàm”, Hạ Long dù rất cuốn hút và hấp dẫn với du khách đến đây lần đầu song không dễ dàng để du khách tiếp tục quay lại những lần sau.
Chưa kể, nguyên tắc tăng doanh thu du lịch là phải làm sao giữ chân du khách lâu hơn để tăng nguồn thu từ lưu trú, dịch vụ vui chơi, ẩm thực. Có thêm tuyến du lịch tâm linh Đông Bắc sẽ làm đa dạng hơn sản phẩm du lịch của Quảng Ninh, từ đó tạo thêm nhiều lựa chọn cho các hãng lữ hành, du khách.
Hành trình từ Hà Nội đến Quảng Ninh thay vì chỉ kéo dài 3 ngày-2 đêm sẽ kéo dài thành 5 ngày-4 đêm hoặc lâu hơn nữa khi có thêm nhiều điểm dừng chân tại Hải Dương, Uông Bí, Đông Triều trước khi tới Hạ Long và kéo dài từ Hạ Long ra tới Vân Đồn với chùa Cái Bầu và Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm.
“Đưa hơn 30 doanh nghiệp lữ hành đi khảo sát, chúng tôi mong muốn chuyến “Con đường du lịch tâm linh duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần” sẽ hỗ trợ địa phương có tiềm năng du lịch giới thiệu các điểm đến mới. Đồng thời đưa thêm sự lựa chọn để làm mới tour, tuyến du lịch cho các hãng lữ hành, qua đó làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, tăng thêm cơ hội trải nghiệm và khám phá cho du khách ở vùng đất địa đầu của Tổ quốc”, ông Phương cho biết.
Theo Chinhphu.vn