(Baonghean) - Từ hồi còn là học sinh phổ thông, tôi đã có ấn tượng sâu đậm với hình tượng nhân vật Độ trong tác phẩm “Đôi mắt” của nhà văn Nam Cao. Đó là một nhà văn cũ đã rũ bỏ được những hạn chế, thủ cựu, trở thành con người mới nhờ kháng chiến, tin và đi theo kháng chiến ngay từ những buổi đầu.
Rời bỏ cuộc sống của một trí thức - văn sĩ tiểu tư sản, văn sĩ Độ vui sướng khoác ba lô lên vai, tự nguyện trở thành một anh “tuyên truyền viên nhãi nhép” (chữ của Nam Cao) đi khắp làng trên xóm dưới, cùng ăn cùng ở với những người nông dân “răng đen mắt toét”, đến sẵn sàng ngủ trong nhà in, đèn sáng và máy chạy ầm ầm với công nhân nhà in… để gần dân, hiểu dân, từ đó tuyên truyền và vận động chủ trương toàn dân toàn diện kháng chiến.
Văn sĩ Độ sẵn sàng quên đi con người cá nhân của mình để được hòa vào quần chúng, vào hiện thực lớn lao của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân, sẵn sàng làm một anh tuyên truyền viên bình thường để làm cho mỗi người dân biết tin ở sức mạnh và khả năng của chính mình, tin ở cuộc kháng chiến… đồng thời dùng sức mạnh tuyên truyền để quét đi những tư tưởng cũ, quan niệm cũ, những hoài nghi, thiếu niềm tin vào sức mạnh quần chúng, vào sự nghiệp kháng chiến của nhân dân.
Và tôi tin rằng, từ nhiều tấm gương như văn sĩ Độ, nhiều tuyên truyền viên như văn sĩ Độ, đã có rất nhiều rất nhiều những văn nghệ sĩ, trí thức, công, nông đã đi theo bộ đội, đi theo kháng chiến, mỗi người tự tìm thấy giá trị của mình trong kháng chiến. Có nghệ sĩ từ bỏ ánh đèn sân khấu tráng lệ để đi diễn kịch tuyên truyền với các đoàn văn hoá kháng chiến; những sinh viên, công chức rời bỏ giảng đường, công sở, sung vào vệ quốc quân; những bác sĩ nhà cao cửa rộng sốt sắng vào làm việc trong các viện quân y; những văn nghệ sĩ, nhà báo đồng thời là chiến sĩ…
Từng thay đổi nhỏ ấy gom góp lại tạo thành những chuyển biến lớn lao, thành sóng triều cách mạng, thành hào khí và phẩm chất con người thời đại mới - những con người cách mạng. Tất cả đều sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cao đẹp nhất cho nhân dân, cho cách mạng, cho Đảng. Mỗi người dân biết hy sinh hạnh phúc nhỏ bé của mình để vì hạnh phúc lớn lao của toàn dân tộc, những con người biết “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”; những mối tình “Anh yêu em anh phải đi ra trận, vợ thương chồng phải biết sống xa nhau”; và có những câu thơ đã trở thành chân lý của thời đại: “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”…
Từ nhân vật văn sĩ Độ, kéo cái nhìn rộng dài ra, ngẫm nghĩ kỹ càng thấu được sự kỳ diệu về sức mạnh vô song của công tác tuyên truyền. Đảng ta mà đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo thành công công tác tuyên truyền, đưa tư tưởng Mác - Lê nin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, làm cho mọi tầng lớp nhân dân đều trở thành lực lượng của cách mạng.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc trao đổi về công tác dân tộc với ông Vừ Chông Pao - Anh hùng LLVTND, Phó Chủ tịch danh dự UBMTTQ tỉnh. Ảnh: Hữu Nghĩa.
Theo suốt chiều dài lịch sử, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thành công này đến thành công khác, và đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền cũng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, trở thành lực lượng hùng hậu, sắc bén và tinh nhuệ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong mọi hoàn cảnh. Công tác tư tưởng trở thành một bộ phần cấu thành trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng, và là nhân tố tiên phong quyết định đến mọi thắng lợi của Đảng ta.
Ngày 1/8, kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng, tôi lại thấy hình bóng của nhân vật văn sĩ Độ hết sức gần gũi và cao đẹp, và cuộc đời này, sự nghiệp này vẫn luôn luôn cần đến những con người như văn sĩ Độ. Và tôi cũng tin rằng, khi nhân dân cần, Đảng cần, cách mạng cần, thì mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ trí thức đều vẫn có thể trở thành một tuyên truyền viên tích cực…