Mới và đẹp
(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Sách giáo khoa mới? Ít nhất là phải đẹp!” của tác giả Hải Triều được đánh giá là bài viết hay, có số phiếu bình chọn cao nhất. Sau đây là một số lời bình giành cho bài viết:
Bài viết gợi cho chúng ta nhiều liên tưởng, bài viết đã đề cập một trong những vấn đề còn bất cập trong cải cách giáo dục của chúng ta hiện nay, trong đó việc xuất bản sách giáo khoa cũng đang là vấn đề nhiều bàn cãi. Tít bài viết rất hay, xuyên suốt bài viết và nói lên nhiều điều: “Sách giáo khoa mới? Ít nhất là phải đẹp”. Tác giả đã so sánh bộ sách giáo khoa của nước bạn với nước mình, ngoài hình thức in ấn đẹp gây thích thú cho người học. Nội dung ổn định không gây xáo trộn, hoang mang cho người học. Sách đẹp nên người dùng nâng niu giữ gìn, không để quăn mép, không viết, vẽ bậy... Còn chúng ta hiện nay đang lãng phí tiền vào một bộ sách giáo khoa chỉ có tuổi đời 5, 6 năm trong khi vấn đề cải cách giáo dục vẫn chưa thống nhất, ổn định. Có thể, mọi so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên cũng cần phải có những cái đồng nhất chung và phải có những quy định, tiêu chí cho một bộ sách giáo khoa cụ thể là bao nhiêu năm, để mỗi lần xuất bản bộ sách giáo khoa mới thì ngoài hình thức thì nội dung phải thiết thực, phù hợp với trình độ người học. Mới và đẹp ở đây là cả về hình lẫn nội dung.
“Sách giáo khoa mới? Ít nhất là phải đẹp!” là sự trăn trở của tác giả cùng với các nhà giáo dục về bộ sách giáo khoa phổ thông mới sắp sửa ra đời ở nước ta. Tác giả không chỉ đơn thuần đề cập về hình thức của sách giáo khoa mà qua đó bày tỏ nguyện vọng giáo dục học sinh ý thức giữ gìn sách vở. Sâu xa hơn nữa, tác giả muốn phản ánh sự thiếu tính toán, không biết nhìn xa trông rộng của các cơ quan liên quan gây ra lãng phí tiền của: “Mỗi học sinh học 12 năm, mỗi năm chi từng ấy tiền vào một bộ sách chỉ dùng một lần, không lãng phí thì là gì? Và mô hình mỗi trường lập một thư viện sách giáo khoa cho học sinh “thuê” rồi thu lại vào cuối năm, sẽ kinh tế và tiết kiệm hơn nhiều” là giải pháp hay để giải quyết bài toán chống lãng phí cho đề án làm bộ sách giáo khoa phổ thông mới của tác giả.
Thay đổi sách giáo khoa có 2 phần phải bàn, đó là ngoài hình thức thì phần nội dung cũng rất quan trọng. Tác giả đã đưa ra sự so sánh khác nhau giữa cách thức sử dụng sách giáo khoa của nước ta với sách giáo khoa của Pháp để thấy được sự cứng nhắc và phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa của nền giáo dục ở ta đã không phát huy được tính sáng tạo của cả giáo viên lẫn học sinh dẫn đến một phương pháp giáo dục thụ động như lâu nay. Và tác giả đưa ra một ý kiến cải cách sách giáo khoa theo hướng “Sách giáo khoa sẽ là công cụ hỗ trợ, bổ sung, giáo viên dùng sách giáo khoa làm giá đỡ cho bài giảng… nếu có ý thức tự học” mục đích là để cải cách mối quan hệ tương tác giữa sách giáo khoa và giáo viên, học sinh mà nền giáo dục của chúng ta cần phải trăn trở.
Lời kết của tác phẩm “Và nguyện vọng: hãy in sách giáo khoa đẹp”, tác giả đang truyền đạt hộ nguyện vọng của học sinh cả nước về một bộ sách đẹp cả về hình thức lẫn nội dung và cách sử dụng đến với nền giáo dục của nước nhà.
Người xây dựng