Món ăn tăng thể lực trong mùa đông
Củ cải đường rất giàu folate và vitamin C, nổi tiếng là một loại thực phẩm trị khản tiếng, chảy máu cam, nhiệt miệng trong mùa đông. Nếu muốn giảm cân thì chị em nên ăn rau cần.
Theo quan niệm của đông y thì mùa đông hàn khí là chủ khí. Do vậy khí lạnh này dễ trở thành hàn tà là tác nhân gây bệnh cho mọi người. Bạn nên bổ sung thường xuyên 4 loại rau dưới đây vào thực đơn hàng ngày để chống lại cảm lạnh, giữ cho làn da không bị khô nẻ và nhiều nếp nhăn. Những loại rau này có nhiều vitamin, khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể do có nhiều chất chống ôxy hóa.
1. Bí ngô (bí đỏ)
Là một loại quả rất phổ biến trong mùa đông, có màu vàng tươi, chứa nhiều chất carotenoids giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch hữu hiệu. Đây cũng là một chất chống oxy hoá chống lại các tác nhân gây bênh là các gốc tự do sinh ra trong quá trình chuyển hoá trong cơ thể.
Vào mùa đông, bạn có thể nấu canh bí ngô hay nướng hoặc làm súp bí ngô đều là những món ăn rất tuyệt. Món súp bí ngô nấu với đậu xanh và thịt xay là một món ăn bổ dưỡng, rất thích hợp với người già, trẻ em biếng ăn suy dinh dưỡng. Có thể dùng làm món ăn khai vị cho những bữa ăn tươi, những bữa tiệc chiêu đãi bạn bè, người thân.
2. Củ cải trắng
Củ cải đường cũng là một loại rau phổ biến trong thời tiết lạnh. Nó rất giàu folate và vitamin C, nổi tiếng là một loại thực phẩm trị khản tiếng, chảy máu cam, nhiệt miệng trong mùa đông.
Để nhận được những lợi ích từ củ cải đường, bạn có thể chế biến chúng thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, kho, xào, làm dưa…
Một nồi củ cải kho thịt cũng là món ăn rất tiện lợi có thể ăn dần trong tuần dành cho những chị em không có thời gian chế biến những món ăn phức tạp. Món củ cải luộc phù hợp với những ai muốn giảm cân, củ cải xào thịt bò là món ăn ngon trong bữa ăn hàng ngày, củ cải muối dưa làm bữa ăn thêm ngon miệng.
Củ cải giúp làm sạch và hỗ trợ tiêu hóa bởi nó giúp làm sạch dạ dày, đào thải các độc tố của cơ thể ra ngoài.
Ngoài chế biến củ cải thành món ăn, bạn có thể uống nước ép củ cải cũng giúp thanh lọc cơ thể, tăng sức đề kháng để đối phó với cảm lạnh, cảm cúm trong mùa đông.
3. Rau cần
Mùa đông chúng ta hay ăn món lẩu, một món ăn đa dạng phong phú có thể chế biến từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Trong món lẩu ngoài các thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm như: hải sản, thịt bò, gà , lợn…, món không thể thiếu được chính là rau cần.
Ngoài ăn lẩu, món thịt bò xào rau cần cũng là một món ăn rất ngon mà nhiều người ưa thích, hoặc món bún cá nấu rau cần ăn bữa sáng cũng rất tuyệt vời. Với chị em muốn ăn kiêng thì món rau cần nộm ruốc hoặc rau cần trần tái là món ăn giảm cân hữu hiệu.
4. Cải bắp
Cải bắp cũng được coi là một loại rau phổ biến trong mùa đông. Đặc biệt những cải bắp lá xoăn là thực phẩm tuyệt vời để ăn kèm cùng các món hầm, súp, mì ống nóng hổi trong ngày đông giá lạnh.
Cải bắp cũng là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng với nhiều chất chống ôxy hóa và nhiều vitamin thực vật lành mạnh. Đây là một loại thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Món bắp cải luộc chấm trứng dầm xì dầu là món ăn dân dã quen thuộc. Những ai muốn giảm cân thì nên ăn bữa tối chỉ bằng súp rau nấu thịt lườn gà sẽ giảm được 1-2 kg trong 1 tuần.
Ngoài 4 loại rau củ trên, bạn cũng có thể nấu một số món ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe, đồng thời phòng trị một số chứng bệnh hay phát sinh trong mùa đông giá lạnh.
- Nước hoắc hương, gừng tươi: Có tác dụng giải biểu, hòa vị, dứt nôn, thích ứng với chứng phát nhiệt, sợ lạnh, buồn nôn, khắp người khó chịu. Lấy hoắc hương 50g, đường đỏ 20g, gừng tươi 15g. Hoắc hương rửa sạch thái ngắn, gừng tươi rửa sạch thái mỏng. Cho hoắc hương và gừng tươi vào cùng và đổ 300ml nước đun sôi 10 phút, gạn lấy nước cho đường đỏ vào khuấy tan, uống nóng.
- Nước quế chi: Thích hợp với người ngoại cảm phong hàn, đau đầu, sốt, ra mồ hôi, thở khò khè, nôn khan. Lấy quế chi 10g, bạch thược 10g, gừng tươi 10g, đại táo 5 quả, đường đỏ 30g. Rửa sạch các vị trên cho vào nồi đổ 500ml nước nấu sôi trong 10 phút, gạn lấy nước cho đường đỏ khuấy tan, uống nóng.
- Cháo gừng hành: Có tác dụng ra mồ hôi, giải biểu, hòa vị, hết nôn, thích hợp dùng cho người đau đầu, sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, tâm phiền, buồn nôn. Lấy gạo tẻ 60g, gừng tươi 20g, hành củ tươi 30g, muối 5g. Cho gạo nấu thành cháo nhừ, gừng thái hạt nhỏ, hành cắt khúc ngắn. Cháo chín nhừ cho hành, gừng đã thái nhỏ khuấy đều mang ra ăn nóng.
- Nước rau mùi, củ cải, hành tươi: Có tác dụng trừ phong hàn, chữa cảm mạo. Rau mùi 30g, hành củ tươi 5 củ, củ cải trắng 1 củ. Rau mùi thái ngắn, hành củ thái nhỏ, củ cải thái miếng. Cho tất cả vào nồi, đổ 500ml nước đun sôi trong 15 phút, gạn lấy nước uống nóng.
- Nước nho, gừng: Chữa phong hàn, trị ho. Nho tươi 100g, gừng tươi 30g, chè xanh 10g, mật ong 20g. Nho rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước, gừng tươi rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước, chè xanh rửa sạch hãm với nước sôi chắt lấy nước. Sau đó đổ lẫn nước nho, nước gừng, nước chè xanh, mật ong rồi khuấy đều uống lúc nóng. Chia 3 lần trong ngày, uống liền 3-5 ngày.
- Nước nhân hạt bí đao, đường đỏ: Có tác dụng chữa ho, viêm họng, nhuận phổi. Nhân hạt bí đao 20g, đường đỏ 30g. Nhân hạt bí đao rửa sạch giã nát, rồi trộn nhân hạt bí đao này với đường đỏ. Khi sử dụng cho vào hãm với 300ml nước sôi rồi chắt lấy nước uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần, cần uống 5-7 ngày liền.
Theo Vnexpress - NT