Môn phụ?
(Baonghean) - Chỉ mới đây thôi, ngày 4/11/2014, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) Công an tỉnh Đăk Lăk đã bắt khẩn cấp Phan Chí Bằng, học sinh lớp 9D, Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Hòa An, huyện Krông Păk). Cậu bé 14 tuổi này bị xác định đã đâm chết Lê Hoàng Đức (15 tuổi), học lớp 9B cùng trường.
Đây chỉ là một trong chuỗi nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng mà ít có tuần nào, tháng nào thiếu vắng trên các trang thông tin. Học sinh đánh thầy ngay trên bục giảng, nữ sinh lột quần áo bạn vì ghen tuông trong lúc nam sinh vây quanh để cổ vũ và quay clip... Quá nhiều những ví dụ làm đau lòng xã hội. Vấn đề đạo đức học đường đã và đang gõ những hồi chuông báo động. Vậy mà, trong suy nghĩ cũng như ứng xử của nhiều người, môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường học vẫn bị coi là “môn phụ”?
Chúng ta thống nhất với nhau rằng, GDCD về thực chất là giáo dục con người, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. GDCD chính là đường dẫn, là sự bồi trúc quá trình hình thành nhân cách học sinh. Nó cũng là môn học cung cấp cho học sinh cái nhìn đúng đắn về thế giới quan, nhân sinh quan. Hơn thế, GDCD là phương tiện hữu hiệu để giúp học sinh hình thành kỹ năng sống, một trong những yếu tố vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại. Không hề cường điệu khi nói nó vô cùng quan trọng - quan trọng số một! Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Thậm chí, ngày nay có tài mà không có đức còn là hiểm họa.
Tuy nhiên, thực trạng của cái môn “dạy người” này tại các trường học lại không “được giá” cho lắm. Người dạy ít say mê, còn người học cũng à ơi chiếu lệ. Tại sao? Một số phụ huynh và cả giáo viên lý giải rằng môn GDCD bị xem nhẹ là do nó nằm ngoài danh sách các môn thi bắt buộc trong mỗi kỳ sát hạch. Không loại trừ đó cũng là một lý do, nhưng chắc chắn nó không phải là lý do chi phối, nó cũng không phải là lý do quan trọng bậc nhất. Nguyên nhân quyết định nằm ngay trong nội dung, phương pháp và cả thái độ mà chúng ta đang áp dụng.
Nếu có dịp, mọi người hãy thử tìm đọc những bài dạy về GDCD trong sách giáo khoa phổ thông xem chúng ta sẽ cảm nhận được những gì. Nó có thiết thực không? Nó có phổ thông không? Những bài dạy về đạo đức, về lòng yêu nước, về bổn phận của người công dân trước Tổ quốc, về truyền thống, về phong tục, tập quán đã được coi trọng chưa? Có bao nhiêu kiến thức xa lạ hoặc quá tầm? Rồi “hàm lượng lý thuyết” chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong cái tài liệu nhẽ ra phải gắn với thực tiễn cuộc sống kia? Câu trả lời ngay trong giáo án chứ đâu. Chúng ta không quá khó để tìm thấy những bài học đầy kiến thức hàn lâm của sách GDCD lớp 12 hay 11. Thậm chí, với sách GDCD lớp 10, đến phần công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học thì cả sinh viên chuyên ngành có khi còn thấy trừu tượng, khó hiểu chứ nói gì đến những cô cậu 15, 16 tuổi!.
Chúng ta cũng lại càng dễ dàng bắt gặp không ít những bài học rất quan trọng nhưng nội dung trong đó lại chung chung như: “Đạo đức và kỷ luật”,” của giáo trình lớp 7; hoặc các bài “Dân chủ và kỷ luật”, “Bảo vệ hòa bình”, “Lý tưởng sống…”, “Trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước” trong giáo trình lớp 9... Nội dung thật hay, thật ý nghĩa và cần thiết. Nhưng cách trình bày như vẫn thiếu một cái gì đó để đưa được kiến thức đến với các em. Giá như những bài học này được viết sinh động hơn, gần gũi với tâm lý lứa tuổi và năng lực tiếp thu hơn. Mọi thứ đều cần phải gắn với đời sống thực tiễn, vì thực tiễn, từ thực tiễn. Kỵ nhất là theo đuổi lý thuyết để rồi học sinh làu làu khái niệm “lý tưởng là gì”, “hoài bão được hình thành như thế nào”... nhưng xuống đường lại không biết dừng xe chờ đèn đỏ, gặp người hoạn nạn chỉ biết ngước mắt nhìn quanh! Trộm vía, thật buồn nếu không may đâu đó lại “ra lò” cả những học sinh “rất giỏi toán nhưng không biết chào bà nội”. Nhân đây cũng nhắc lại câu chuyện đưa thêm môn văn vào xét tuyển ngành Y. Vậy sao không là môn GDCD nhỉ?
Cũng phải công bằng mà nói, nếu cứ đổ hết lỗi cho giáo trình sẽ là phiến diện. Mà cái quan trọng không kém là môn học này chưa được coi trọng đúng mức. Vì chưa được coi trọng đúng mức nên mọi sự ưu ái đối với nó thậm chí có nơi còn là xa xỉ. Thời lượng tiết dạy thấp nhất. Đội ngũ giáo viên, những người được mệnh danh là “kỹ sư tâm hồn” với môn học có tính chất đặc biệt này chưa được quan tâm đúng mức. Có hay không tình trạng vì dạy môn khác kém nên cho “xuống” dạy GDCD! Theo tìm hiểu của chúng tôi thì giáo viên chuyên GDCD về cơ bản vẫn thiếu, đặc biệt ở cấp THCS. Quá nửa số giáo viên GDCD hiện nay đang là giáo viên dạy chéo môn và được đào tạo ghép môn (dưới 60%). Phương pháp giảng dạy môn GDCD của giáo viên gần như “trung thành tuyệt đối” với đọc - chép. Thầy độc thoại một chiều, vậy thì làm sao trò có thể chủ động, tích cực trong tiếp thu tri thức…
Trở lại với câu chuyện bộ môn GDCD trong trường phổ thông. Cần lắm một sự thay đổi mà trước hết là sự coi trọng của cả xã hội. Bổ sung giáo trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới cách dạy là những đòi hỏi khá cấp bách với ngành. Dạy người, không thể bị coi là “môn phụ” được!
Nguyễn Khắc An