Món quà qúy của những người cao tuổi
(Baonghean) - Với hơn 1000 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ thơ ca, hội người cao tuổi Nghệ An đã sáng tác nhiều bài thơ ca ngợi quê hương, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi cuộc sống
Cầm trên tay tập thơ “Hương Sen” dày hơn 300 trang được in dày dặn với bìa láng bóng... khó ai có thể nghĩ đây là tập thơ của những nhà thơ không chuyên. Đặc biệt hơn, tác giả của các bài thơ lại đều là hội viên của Hội những người cao tuổi Nghệ An, những người nay đã là ông, là bác, là bà và phần lớn đều đã ở bên kia tuổi thất thập. Thế nhưng, chỉ cần nhìn vào hơn 300 bài thơ đã được đăng, mới thấy sức sáng tác của bác thật đáng nể phục. Quý hơn, đây đều là những bài thơ tiêu biểu được lựa chọn cẩn thận từ các câu lạc bộ thơ của người cao tuổi trên khắp cả tỉnh. Trong đó, có thể kể đến tên của nhưng câu lạc bộ thơ người cao tuổi có tiếng, được công chúng và người cao tuổi mến mộ như: CLB thơ Hồng Lam của Thành phố Vinh, CLB thơ Đường huyện Yên Thành, CLB thơ Xứ Phuống huyện Thanh Chương, câu lạc bộ thơ Xứ Dừa huyện Anh Sơn...Có lẽ cũng bởi vì thế nên rất nhiều bài thơ trong tập này được các nhà dành để nói về quê hương mình với "Rượu cần Quỳ Châu", "Đất Hoan Châu, "Thăm vùng đất Na Loi"... Tác giả Võ Hoàng Trung trong Lối cũ tìm về lại bồi hồi khi Nhớ hoài cái giếng đầu làng/Một thời mẹ gánh trăng vàng khi đi xa/Đâu rồi bóng rợp cành đa/Chở che cái bóng dắt bà chiều đông/Lối nào là mái đình cong/Dập dìu lễ hội người không muốn về. Với thể thơ lục bát 6/8, mỗi khổ thơ là một kỉ niệm đẹp, ở đó mọi thứ về quê hương xưa hiện lên thật bình dị nhưng dù chỉ là nhỏ nhoi thôi như cái giếng, gốc đa...hay đơn giả chỉ là nhớ về một buổi trưa hè cũng khiến người viết thổn thức, bới đó còn cũng chính là hình ảnh của mẹ, của em, của bà và của cả ai đã từng là Hàm răng hạt lựu cho người ngẩn ngơ....
Dễ hiểu vì sao chiếm đa số trong tập thơ là những câu thơ viết về những ngày xưa cũ bởi với những người đã toan về già, với những người đã gần đi hết cuộc đời họ mới hiểu quá khứ đẹp đẽ biết chừng nào, dẫu khi ấy: Đã từng ngủ chạn chuồng bò/Áo nâu vá đụp khoác cho ấm lòng (Gà gáy đêm đông - Tôn Chuyên). Cũng ở tuổi này, họ mới nhận ra, cuộc sống tiền bạc đôi khi chỉ là phù dù mà điều đáng quý nhất, điều đáng trân trọng nhất lại chính là tình người. Người đọc khi tìm đến với Nguyện ước của tác giả Lê Xuân Hường sẽ thấm thía điều đó: Ươc gì nhắm mắt xuôi tay/Vẫn say mê cuộc đời này chưa thôi/Ước gì nằm dưới đất rồi/Vẫn yêu tha thiết những người xung quanh. Đây cũng là thời gian để họ dừng lại, chiêm nghiệm và nhớ về những vùng đất họ đã đi qua, đã chiến đấu và đã từng làm việc. Và một điều rất dễ nhận thấy, những tác giả được chọn in trong tập sách phần lớn là những người đi nhiều, biết nhiều vì thế những địa danh nổi tiếng ở đất nước đều đã được nhắc đến trong các bài thơ với “Hạ Long”( Chu Vĩnh Phương), “Côn Đảo”( Nguyễn Như Vĩ); Viết ở Khiêm Lăng( Nguyễn Khắc Tuệ)…
Không khó để những nhà biên soạn cho ra đời tập sách ấy bởi với hơn 1000 câu lạc bộ thơ ca văn nghệ trong toàn tỉnh với hàng nghị hội viên tham gia nhiệt tình mỗi năm các câu lạc bộ thơ ở Nghệ An cho ra đời hàng chục tập sách. Thậm chí những câu lạc bộ như Câu lạc bộ thơ Trường Thi, Câu lạc bộ thơ xứ Dừa, Câu lạc bộ Thơ xã Chi Khê số tập sách được xuất bản đã nhiều hơn mười đầu ngón tay. Tuy nhiên việc số lượng hội viên đông đảo cùng số lượng hàng nghìn bài thơ được gửi đến cũng là một điều phân vân cho những người làm công tác tổ chức bởi “chọn bài nào, bỏ bài nào” chẳng phải là điều dễ dàng – Ông Trần Hữu Ích, chủ tịch Hội người Cao tuổi cho biết. Điều đặc biệt trong tập thơ này, đó là tất cả bài thơ đều viết theo thể thơ Đường, hoặc thơ Lục bát. Điều đó, lý giải vì sao, trong phần cuối của tập thơ những người biên soạn đã dành hẳn một chương để viết về đề tài này: “Hình như đến độ tuổi nào đó, những người yêu thơ, biết làm thơ lại muốn trở về các thể thơ truyền thống… Tại sao thơ Đường lai có duyên với người cao tuổi như vậy, phải chăng ở thể thơ rất “khó tính”, gò bó, khắt khe về niêm luật, nghiêm ngặt với câu chữ này lại là phương tiện thích hợp để bày tỏ những cảm xúc, suy tư, trải nghiệm trong cuộc sống của những người đã có một bề dày năm tháng sống và cống hiến?” Câu hỏi cũng chính là câu trả lời đó đã giải thích cho chúng ta vì sao những năm qua các câu lạc bộ thơ, chi nhánh thơ Đường Việt Nam rất phát triển tại Nghệ An. Và điều này, chắc chắn nếu là những người trẻ tuổi khó có thể làm được.
Khép tập thơ lại những người yêu thơ mới hiểu vì sao, phải mất hơn năm năm thai nghén những người biên soạn mới có thể sinh ra đứa con tinh thần này. Với “Hương Sen”, ngoài khơi dậy cảm xúc cho người đọc, các bậc cao niên của Nghệ An còn đem đến cho độc giả một món quà ý nghĩa và thêm một lần nữa chân dung của các cụ đồ Nghệ được khắc hoạ rõ nét, chân thực và sinh động nhất.
Mỹ Hà