“Mong điệu Tơm ở mãi với bản làng”

26/08/2013 18:31

Những năm gần đây, trong những lần hội diễn văn hóa - văn nghệ cấp tỉnh, chúng tôi nhận thấy đoàn Văn nghệ quần chúng huyện Kỳ Sơn không thể nào thiếu vắng nghệ nhân Moong Thị Lợi. Bởi lẽ, bà Lợi được đánh giá là người hát tơm hay nhất huyện, rất tâm huyết với công tác bảo tồn bản sắc âm nhạc của dân tộc Khơ mú.

(Baonghean) - Những năm gần đây, trong những lần hội diễn văn hóa - văn nghệ cấp tỉnh, chúng tôi nhận thấy đoàn Văn nghệ quần chúng huyện Kỳ Sơn không thể nào thiếu vắng nghệ nhân Moong Thị Lợi. Bởi lẽ, bà Lợi được đánh giá là người hát tơm hay nhất huyện, rất tâm huyết với công tác bảo tồn bản sắc âm nhạc của dân tộc Khơ mú.

Lên Kỳ Sơn lần này, chúng tôi quyết tâm tìm đến bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm) để tìm gặp nghệ nhân Moong Thị Lợi. Bản Huồi Thợ nằm lưng chừng dãy Pu Nhạ Thầu, phía trước là nương rẫy bạt ngàn, dưới chân núi là dòng Nậm Mộ rì rào uốn lượn. Thật tình cờ, khi mới đến đầu bản, lần theo tiếng hát, những người khách miền xuôi dễ dàng tìm được nhà của nghệ nhân. Bên hiên nhà sàn đơn sơ, bà Lợi đang trông mấy đứa cháu nhỏ. Đứa lớn đang đùa nghịch với mấy thứ đồ dùng đan bằng mây, đứa nhỏ bà đang bế trên tay và say giấc cùng điệu tơm nhẹ nhàng, tha thiết. Vừa bế cháu, bà Lợi vừa kể chuyện với khách về điệu hát tơm và niềm say mê của mình với làn điệu dân ca đặc sắc này...



Nghệ nhân Moong Thị Lợi (phải) trình bày làn điệu tơm.

Từ khi còn rất nhỏ, điệu tơm đã thấm vào máu thịt của nghệ nhân Moong Thị Lợi qua lời ru của người mẹ và bà nội. Lớn thêm một tý, bà được người lớn dạy hát tơm. Cũng từ đó, vào dịp tết hay lễ mừng nhà mới, mừng cơm mới, đám cưới, bà thường đến chung vui bằng những bài tơm. Càng hát, giọng bà càng thiết tha. Bà thích nhất là ngày tết, vì lúc đó trai làng gái bản tề tựu đông đủ, cùng say sưa múa hát, thổi khèn. Ngày đó, con trai trong bản ai cũng mến cô thiếu nữ Moong Thị Lợi, bởi ngoài vẻ đẹp, siêng năng và sự khỏe khoắn còn thêm một lý do nữa là mê giọng hát tơm của cô.

Vì thế, cứ đến ngày hội, các chàng trai thường tranh nhau thổi sáo, pí và khèn lá để Moong Thị Lợi hát tơm. Trong đó, có người thổi pí tơm rất hay, nghe như tiếng rì rào khi gió thổi vào rừng nứa, như tiếng suối chảy đêm khuya, như tiếng chim rừng lảnh lót gọi bạn. Người con trai đó ở cùng bản, hơn bà 2 tuổi, tình cảm 2 người ngày càng quyến luyến rồi nên duyên vợ chồng. Người con trai ấy bây giờ vẫn là người bạn đời chung thủy. Đã qua tuổi 70, bên cạnh tình nghĩa vợ chồng còn là đôi bạn tâm giao.

Theo dòng thời gian, các phương tiện như đài cát-sét, ti-vi, rồi điện thoại di động tìm đến tận bản và mang theo đủ loại bài hát. Có những bài hát ngọt ngào, tha thiết nhưng cũng có những bài hát nỉ non hoặc giống như gào thét. Lớp trẻ thường chuộng cái mới nên chạy theo những bài hát nỉ non, thét gào, nhiều người quên dần điệu tơm dịu dàng, sâu lắng của tổ tiên truyền lại. Thậm chí, thanh niên Khơ mú bây giờ nhiều người không biết hát tơm. Điều đó khiến bà suy nghĩ, bà lo lắng: đến một lúc nào đó, người Khơ mú sẽ không còn ai biết hát tơm.

Nếu như thế, người Khơ mú sẽ mất đi một phần cuộc sống tâm hồn, bởi điệu tơm là “điệu hồn”, là một phần máu thịt. Vì lẽ đó, bà Lợi quyết tâm truyền dạy cho các con mình. Khi lúa trên nương đã gặt hết, khi cái lạnh mùa Đông “gõ cửa” bản làng, bên bếp lửa đỏ rực, bà Lợi nắn cho các con từng câu hát. Được tiếp nhận niềm say mê từ người mẹ, các con của bà ai cũng say mê với “điệu hồn” của dân tộc mình. Đặc biệt, người con gái đầu là Cụt Thị Nhung đã gần như kế thừa được giọng hát của mẹ, có thể thay bà truyền dạy điệu tơm cho các cháu. Thấy bà dạy hát cho con cháu trong nhà, bà con dân bản tìm đến, lúc đầu chỉ với mục đích thỏa mãn sự tò mò. Sau đó, mọi người đều bị điệu tơm lôi cuốn và trở thành học trò của bà lúc nào không hay.

Giọng hát tơm của nghệ nhân Moong Thị Lợi ngày một vang xa, bà được xã, rồi huyện mời tham gia đội văn nghệ quần chúng. Có lúc, đang hái lúa trên rẫy, cán bộ xã tìm đến gọi về tập văn nghệ, bà sẵn sàng gác lại công việc để tham gia. Với bà, được mang điệu tơm đến với đông đảo khán giả là một niềm vui sướng, tự hào. Niềm tự hào ấy không chỉ của riêng bản thân mà còn là của chung đồng bào dân tộc Khơ mú. Hàng năm, bà tham gia biểu diễn ở Lễ hội Làng Sen, Liên hoan Văn hóa - văn nghệ dân tộc thiểu số. Tiết mục của bà thường được đánh giá là mộc mạc, giản dị nhưng đậm đà bản sắc.

Mấy năm trước, ngành Văn hóa huyện Kỳ Sơn tổ chức các lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc, trong đó có điệu hát tơm của dân tộc Khơ mú. Nghệ nhân Moong Thị Lợi được mời tham gia các lớp truyền dạy. Một lần nữa, bà rất vui vì “điệu hồn” dân tộc có cơ may được bảo tồn và phát triển. Dù sức đã yếu, hơi không còn khỏe, tiền thù lao không đáng là bao, nhưng bà vẫn truyền dạy hết sức nhiệt tình, dành hết tâm huyết của mình cho các học viên. Nhưng có điều bà còn băn khoăn là lớp truyền dạy diễn ra quá ngắn (chỉ 15 ngày) nên hầu hết các học viên mới chỉ làm quen với điệu tơm, chưa mấy người hát được nhuần nhuyễn. Bà mong ngành Văn hóa sẽ mở thêm nhiều lớp khác với thời gian dài hơn.

Mặt trời đã khuất sau dãy Pu Nhạ Thầu, bà Lợi chuẩn bị cơm tối cho các con đang đi rẫy, chúng tôi đành nói lời chào tạm biệt. Khi khách bước xuống cầu thang, nghệ nhân hát tơm còn với theo: “Tuổi bà đã cao, bà luôn mong làn điệu tơm của người Khơ mú sẽ ở lại mãi với bản làng, với ngày hội mùa Xuân, với lễ mừng nhà mới và trong ngày cưới...”.


Công Kiên

Mới nhất
x
“Mong điệu Tơm ở mãi với bản làng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO