Mong đợi ngậm ngùi
(Baonghean) - Tuần qua, bài viết "Không nên để kỳ vọng thành thất vọng" của tác giả Duy Hương đăng ở trang 1, Nhật báo ngày 25/6 được đánh giá là bài viết hay, với số phiếu bình chọn cao thứ ba. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết…
Trong bài viết của mình, vấn đề đầu tiên mà tác giả đề cập vẫn là sự kiện đang liên tục "nóng" trong gần 2 tháng nay: "Điểm khác biệt với các kỳ họp trước là kỳ họp lần này diễn ra trong lúc tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Nổi bật nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam...". Quốc hội là cơ quan đại diện cho tiếng nói cử tri toàn quốc. Mỗi tâm tư, nỗi lòng của người dân đều được tha thiết, trân trọng gửi gắm vào từng đại biểu. Thế nên, việc chờ đợi những điều phản hồi, những quyết sách thay đổi vĩ mô lớn lao mà người dân mong muốn từ Quốc hội là hoàn toàn chính đáng và dễ hiểu. Và sau khi kết thúc kỳ họp thứ 7, điều được người dân mong mỏi đấy đã chưa được đáp ứng đầy đủ "...Không ít người kỳ vọng là Quốc hội sẽ có những phản ứng mạnh mẽ như là ra một nghị quyết riêng về tình hình Biển Đông và cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc khi điều đó không xảy ra".
Trong thông báo cập nhật kỳ họp, Quốc hội yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Sau đó, thay vì bổ sung nghị sự có thể như một nghị quyết Quốc hội bất thường tại kỳ họp, Quốc hội lại chỉ chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại gởi một thông điệp đến nghị viện các nước đề nghị ủng hộ, có ý kiến. Và rồi, trong phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định : “Lên án mạnh mẽ”, “Mạnh mẽ lên án”, “Quốc hội không nóng mà bình tĩnh, sáng suốt” trước việc “Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Và Quốc hội ra lời khuyên cho những người bầu ra mình là phải bình tĩnh. Đúng là nhân dân đã bình tĩnh, vì nói chung, họ cũng chẳng làm được gì khác, ngoài số những ngư dân kiên trung bám biển, can trường thể hiện chủ quyền trên vùng biển dậy sóng ngày đêm. Tác giả Duy Hương, cũng như đông đảo cử tri đã thổ lộ: "Khi lòng yêu nước bị tổn thương vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm, người dân có quyền đòi hỏi có những động thái cao hơn thế nữa cũng là chuyện thường tình. Nhưng Quốc hội đã quyết định thế chắc chắn là có lý do chính đáng, không nên bàn luận thêm".
Một vấn đề "tâm điểm" khác mà tác giả đặt ra trong kỳ họp này là chuyện của những lá phiếu. "Đó chính là việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn thực hiện theo 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp hay nên rút gọn lại chỉ còn hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm... Có cái gì khó khăn, vướng mắc ở đây mà Quốc hội vẫn chưa thể đưa ra được quyết định cuối cùng?". Lá phiếu (hoặc ý kiến) của mỗi đại biểu tại Quốc hội trĩu nặng trách nhiệm, bởi đi cùng đó, là gửi gắm nỗi niềm, ý chí của người dân. Đại biểu đại diện cho tiếng nói người dân tại Quốc hội, thế nên cử tri có quyền đòi hỏi trách nhiệm đó từ chính vị đại biểu của mình, do mình bầu ra. Mối quan hệ này là hữu cơ và khăng khít.
Việc hơn 50% đại biểu tán thành lấy phiếu tín nhiệm hai lần một nhiệm kỳ, nhưng chưa đến 50% đề nghị chỉ có hai mức tín nhiệm. 30% đại biểu không bày tỏ ý kiến gì về các mức tín nhiệm khi được xin ý kiến thì vẫn chứng tỏ sự loanh quanh, chưa thực sự toàn tâm toàn ý với cử tri của các đại biểu. Người dân muốn việc lấy phiếu tín nhiệm phải "ngô ra ngô, khoai ra khoai”, nghĩa là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Rõ ràng và dứt khoát như chính quan điểm của dân trước mọi vấn đề. Trong khi đó, rút cục sau bao nhiêu cuộc nghị sự, việc này vẫn lập lờ ở tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp thì đúng là lòng dân đâu có ưng? Khái niệm rõ ràng ở 2 mức dứt khoát như trên đang bị đánh tráo thành 3 mức vẫn nằm trong vòng tín nhiệm?. Mà như tác giả viết: "Tại kỳ họp này, Quốc hội hoãn chưa biểu quyết dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, như chương trình dự kiến. Thế nên việc lấy phiếu tín nhiệm nghiễm nhiên là vẫn theo kiểu cũ, không có gì thay đổi cả. Dường như, ở vấn đề này, giữa kiến nghị của cử tri với ý muốn của đại biểu có sự vênh nhau".
Một loạt vấn đề khác mà Quốc hội lần này phải đối mặt, làm rõ là những nội dung đại biểu chất vấn liên quan đến các bộ, ngành Tài chính, Công thương, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ. Quốc hội cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành này cần có người đứng đầu trả lời chất vấn tại kỳ họp này trong thời gian tới phải hoàn thành và có câu trả lời cụ thể về những vấn đề đại biểu chất vấn liên quan tới bộ, ngành mình. "Trong đó, Bộ Tài chính phải bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài hơn...
Đặc biệt là, Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá, tập trung vào những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân". Thế nhưng, điều trớ trêu là, vào ngay đêm trước ngày được giao nhiệm vụ “kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá” mà cụ thể là từ 20h ngày 23/6, Bộ Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng giá bán, riêng xăng tăng 330 đồng, lên 25.230 đồng/lít RON 92 và 25.730 đồng/lít RON 95 (ở vùng một). Cho nên, theo tác giả Duy Hương đã dẫn, các đại biểu Quốc hội vẫn thường tự trào rằng "Ta đến, ta nói, ta nghe. Nói xong ta lại tàu xe ta về". Để rồi, mỗi kỳ họp Quốc hội qua đi, lại như đá ném ao bèo, xuân thu nhị kỳ vẫn vậy. Chỉ biết rằng, cử tri lại tiếp tục kỳ vọng và mong mỏi, và lại thầm suy nghĩ, cầu mong theo kiểu "Mong đợi ngậm ngùi".
Người xây dựng