Mong phút giây Đại tướng về quê mẹ

10/10/2013 18:01

(Baonghean) - Như bao con dân đất Việt, người dân xã Quảng Đông, Quảng Trạch (Quảng Bình) sống trong tâm trạng tiếc thương vô hạn khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Họ đang mong ngóng phút giây đón người Anh Cả của QĐND Việt Nam về yên nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến (một khu vực trực thuộc địa giới hành chính xã).

Xã biển Quảng Đông nằm khép mình dưới những ngọn núi nhấp nhô thuộc dãy Hoàng Sơn ăn ra sát bờ biển Đông với danh thắng Đèo Ngang được lưu danh trong thơ ca, sử sách. Mấy năm trở lại đây, làng biển Quảng Đông được chọn để xây dựng Khu kinh tế Hòn La, hứa hẹn biến miền quê nghèo thành một cực kinh tế trọng điểm của Quảng Bình trong tương lai gần. Không gian làng quê nhộn nhịp, sôi động từng ngày. Vậy mà, gần một tuần nay, làng quê trở nên lặng lẽ. Những người dân biển với ánh mắt sâu trũng, làn da rám nắng, khi chúng tôi gặp mặt, đều cảm thấy rất vinh dự xen lẫn tự hào vì miền quê của họ được chọn làm nơi yên nghỉ ngàn thu của Đại tướng. Đó là khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi có đỉnh núi Mũi Rồng hay đỉnh “Một trăm” theo cách gọi của người dân địa phương, vì đỉnh này có độ cao trên 100m so với mực nước biển.

Sáng 9/10/2013, chính quyền và nhân dân xã Quảng Đông nén đau thương chuẩn bị những khâu cuối cùng để đón Đại tướng về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chủ tịch xã Quảng Đông chia sẻ: Đại tướng là một huyền thoại, một người con của Quảng Bình. Được chọn là nơi yên nghỉ của Đại tướng vừa là niềm vinh dự, vừa là tự hào cho mỗi người dân Quảng Đông. Chúng tôi đang làm hết sức mình, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón thi hài Đại tướng về an táng tại Vũng Chùa – Đảo Yến”.

Dãy Mũi Rồng - nơi thi hài Đại tướng được an táng.
Dãy Mũi Rồng - nơi thi hài Đại tướng được an táng.

Còn tại thôn Thọ Sơn – nơi có 268 hộ sống dựa lưng vào đỉnh Mũi Rồng, người dân thực sự xúc động khi biết tin, rồi đây Đại tướng sẽ về yên nghỉ. Cụ Nguyễn Trực, một bậc cao niên trong thôn chỉ tay về phía đỉnh Mũi Rồng và kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện dân gian liên quan đến sự ra đời của tên ngọn núi. Đó là dãy núi cao có hình dáng Mũi Rồng chạy dài ra đến chân sóng biển Đông. Ngay điểm tiếp giáp với biển, Mũi Rồng có hai cái hang, một to một nhỏ - người dân gọi là hang miệng Rồng. Theo cụ Trực, đỉnh Mũi Rồng là “tấm khiên” tự nhiên hiên ngang, ngạo nghễ che chắn gió bão cho xóm làng và cũng là ngọn hải đăng tự nhiên báo hiệu cho ngư phủ địa phương nhận biết đất liền. Vì vậy, trong tâm linh của người dân địa phương, đỉnh Mũi Rồng thực sự thiêng liêng. “Khi Đại tướng về yên nghỉ tại đây, ngày nào tôi cũng sẽ đạp xe ra thắp hương cho Đại tướng. Nhân dân đang mong ngóng từng phút, từng giây để đón Người về quê mẹ”.

Cùng tâm trạng như cụ Trực, vợ chồng cụ Lê Minh Châu (75 tuổi) và cụ Võ Thị Tiếu (74 tuổi) mấy ngày hôm nay đi đâu làm gì cũng mang theo bên mình chiếc radio nhỏ, cũ kỹ để nghe thông tin về Lễ Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đôi mắt đỏ hoe của đôi vợ chồng già ở độ tuổi thất tuần đã nói lên tất cả niềm tin yêu, lòng thương tiếc dành cho người Anh Cả của QĐND Việt Nam. Trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ cùng mảnh vườn vẫn còn xác xơ sau con bão dữ, hai ông rất cảm kích vì biết Đại tướng được an táng tại Quảng Đông. “Từ khi bão số 10 đổ bộ vào, cả thôn cả xã mất điện. Nhà tui biết thông tin Đại tướng đều chỉ nhờ vào chiếc đài này. Công lao của Đại tướng với đất nước, với dân tộc Việt Nam thật không thể tả hết. Người mất đi là mất mát lớn đối với đất nước và cả với nhân dân Quảng Bình. Chỉ mong đến ngày thi hài Đại tướng được đưa về an táng, vợ chồng tôi sẽ đến thắp nén hương kính viếng hương hồn Người”, ông Châu chia sẻ bằng chất giọng miền biển đặc sệt.

Còn với trưởng thôn Thọ Sơn, ông Trần Ngọc Tri, cảm xúc mấy hôm nay thật lẫn lộn. Tiếc thương khi nhận tin Đại tướng từ trần; xúc động, tự hào khi thôn là nơi yên nghỉ của Đại tướng. Mấy hôm nay, ông Trưởng thôn kìm nén cảm xúc đau thương tất bật cùng người dân trong xóm bắt tay dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị cho thôn thật tinh tươm, sạch sẽ trong ngày đón thi hài Đại tướng về an táng. “Chúng tôi thương Đại tướng mà không biết phải làm chi. Mọi người ai cũng mong ngóng đón thi hài Đại tướng thắp nén hương cho Người. Còn tôi đang cố tìm một bước ảnh thật đẹp của Người để lập bàn thờ”, ông Tri chân chất chia sẻ.

Một ngày ở Quảng Đông - nơi thi hài Đại tướng sẽ được an táng, người dân miền biển dù nghèo nhưng tình cảm dành cho Người thật bao la, giản dị. Họ đang mong Người từng phút giây. Giấc ngủ vĩnh hằng của Người sẽ thật yên bình trong tình người Quảng Đông và tiếng dạt dào của sóng biển quê hương.

Thành Duy

Mong phút giây Đại tướng về quê mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO